Thứ tư, 26/07/2023 10:02

Phát triển điện mặt trời áp mái: Cần có cơ chế thiết thực và phù hợp hơn

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam. Dự thảo quyết định đã đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, để phát triển điện mặt trời mái nhà thì vẫn cần một cơ chế phù hợp và linh hoạt hơn. Đây cũng là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam do Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hansiba) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nguồn năng lượng mới đang được đặc biệt quan tâm

Điện năng là nhu cầu thiết yếu trong sản xuất của nền kinh tế. Bên cạnh việc trông đợi vào nguồn năng lượng điện sản xuất truyền thống từ thuỷ điện và nhiệt điện, giới chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đã nghĩ đến hướng bổ sung từ năng lượng điện tái tạo như mặt trời, gió, thủy triều… nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho sản xuất bền vững. Trong đó, năng lượng điện mặt trời hiện đang được quan tâm nhiều nhất bởi yếu tố thuận lợi dễ triển khai lắp đặt ngay trên mái nhà nhà xưởng sản xuất, nhà để xe, bãi đất trống trong các khu công nghiệp…

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời rất lớn. Theo bản đồ bức xạ do Ngân hàng thế giới (WB) phát triển, tiềm năng năng lượng mặt trời ở Việt Nam về mặt lý thuyết là rất lớn. Cường độ bức xạ mặt trời dao động 897-2.108 kWh/m2/năm, tương đương 2,46 và 5,77 kWh/m2/ngày. Cường độ bức xạ cao nhất tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ như Đắk Lắk, Gia Lai, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh và Bình Phước.

Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW). Từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594- 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh.

Theo các doanh nghiệp, việc trông đợi vào nguồn năng lượng điện sản xuất truyền thống từ thủy điện và nhiệt điện không chỉ khiến doanh nghiệp khó đáp ứng tiêu chuẩn về năng lượng xanh từ đối tác quốc tế, mà nếu xảy ra sự cố thiếu điện thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, thời gian sản xuất và tiến độ giao hàng. Do vậy, để phát triển và ổn định sản xuất, các doanh nghiệp đang có nhu cầu xoay chuyển theo hướng bổ sung nguồn năng lượng từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió; trong đó, năng lượng điện mặt trời hiện đang được quan tâm nhiều nhất bởi yếu tố thuận lợi, dễ triển khai lắp đặt. Hơn nữa, điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nên được đánh giá là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện, nhất là trong những nhà xưởng sử dụng nhiều điện như lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm rõ ràng trên, quá trình sản xuất điện từ năng lượng mặt trời vẫn còn những hạn chế cần giải quyết. Chẳng hạn, một số công nghệ chế tạo tấm pin mặt trời gây phát thải các loại khí nhà kính; vấn đề xử lý các tấm pin mặt trời khi hết niên hạn sử dụng còn đang bỏ ngỏ…

Chia sẻ những vướng mắc khi sử dụng năng lượng mặt trời, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho biết, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tại Việt Nam, ước tính khối lượng tích lũy các tấm pin năng lượng mặt trời thải loại vào khoảng 404 nghìn tấn vào năm 2035 và khoảng 1,9 triệu tấn (năm 2045). Khối lượng này tuy khá nhỏ so với các nước dẫn đầu trên thế giới, nhưng để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm có chính sách, cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời thải loại.

Động lực mới để phát triển điện mặt trời áp mái

Để tạo động lực và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, Chính phủ đã có nhiều chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Đặc biệt, Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm 2 chiều, đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ cho 2 bên mua và bán điện mặt trời áp mái, đồng thời tạo động lực khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực đầu tư vào các dự án điện mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt cơ chế như: Feed-in-Tariff cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối… Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu…

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh nhận định, xu hướng hiện nay là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chyển đổi tư duy. Trong đó, vấn đề chuyển đổi xanh và chuyển đổi chuỗi cung ứng từ “nâu sang xanh” đang là vấn đề được đặt ra trọng tâm và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược net zero. Tuy nhiên, để phát triển điện mặt trời áp mái, bên cạnh việc hoàn thiện về pháp lý, hỗ trợ về thông tin, kiến thức, những doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần được hỗ trợ về cơ chế tài chính, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, đất đai. Bởi xanh hóa sản xuất là 1 trong 3 nội dung quan trọng nhất của tăng trưởng xanh (gồm xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống, xanh hóa tiêu dùng). Việc có cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự dùng sẽ thúc đẩy huy động nguồn lực xá hội, góp phần giảm bớt áp lực huy động tài chính cho Nhà nước.

Trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu năng lượng sang năng lượng sạch, bền vững, việc tận dụng tiềm năng và lợi thế tự nhiên để phát triển điện mặt trời nói chung, điện mặt trời áp mái nói riêng sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều lợi thế trong dòng chảy hội nhập, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt đạt được các lợi ích kinh tế cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trần Thị Thu Hiền

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)