Định hướng của ASEAN và cam kết của Việt Nam
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những vấn đề toàn cầu, tác động sâu sắc đến đời sống - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, tất cả các quốc gia đều đưa ra các chiến lược, chính sách nhằm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trung hòa các bon. Đối với khu vực Đông Nam Á, các nước ASEAN cũng đang tích cực xây dựng Chiến lược trung hòa các bon (ASEAN Carbon Neutrality Strategy). Chiến lược này nhằm phát triển một lộ trình cho phép quá trình chuyển đổi nhanh chóng, có trật tự và toàn diện sang nền kinh tế xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, duy trì khả năng cạnh tranh thương mại và đảm bảo không quốc gia nào bị bỏ lại phía sau. Ứng phó với BĐKH là ưu tiên hàng đầu đối với các nước ASEAN trong bối cảnh phục hồi kinh kinh tế hậu COVID-19, các quốc gia cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân, đồng thời có những nỗ lực chung mang tính quốc gia để ứng phó, phóng tránh các tác động bất lợi của BĐKH. Trong khi những lợi ích về môi trường của việc ứng phó BĐKH đã được biết rõ thì những lợi ích kinh tế tiềm năng lại ít được biết đến hơn. Việc theo đuổi trung hòa các bon có thể là một giải pháp mà các bên cùng có lợi cả về kinh tế cũng như khí hậu. Theo các chuyên gia, trung hòa các bon có thể mang lại 5,3 nghìn tỷ USD giá trị gia tăng tiềm năng và hơn 65 triệu việc làm bổ sung trong khu vực ASEAN từ nay đến năm 2050. Bên cạnh những cân nhắc của quốc gia, hành động ứng phó với BĐKH ngày càng được phản ánh trong các hiệp định thương mại và đầu tư. Các đối tác thương mại lớn đang có những hành động tích cực theo hướng này và nếu không hành động, ASEAN sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. ASEAN có vị trí thuận lợi để phấn đấu đạt được tính trung hòa các bon với một số lợi thế chính của khu vực như: khoảng cách có thể kiểm soát được đối với tính trung hòa các bon; tiềm năng cao cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên; tính bổ sung của khu vực và sự phát triển của ASEAN với tư cách là một trung tâm tài chính. Do vậy, ASEAN sẽ cần hành động như một khối cộng đồng để tận dụng tối đa những lợi thế này.
ASEAN không thể cạnh tranh trực tiếp với quy mô đầu tư/trợ cấp khí hậu trực tiếp đang được triển khai bởi các đối tác thương mại như Trung Quốc, Mỹ và EU. Thay vào đó, ASEAN đã xác định 5 nguyên tắc cốt lõi để ưu tiên trong phối hợp hành động, bao gồm: lĩnh vực quan trọng cần triển khai, lượng khí thải của từng lĩnh vực phải cắt giảm, giải pháp khử các bon, các rào cản của việc áp dụng giải pháp khử cacbon và tăng cường hợp tác khu vực. Hiện nay, các nước ASEAN đang thảo luận xây dựng một Chiến lược chung để ASEAN có thể theo đuổi, đẩy nhanh hành trình hướng tới tính trung hòa các bon trong khu vực, với các sáng kiến tập trung vào các nội dung sau: (i) Chuỗi cung ứng kinh tế tuần hoàn khu vực; (ii) Đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị xanh; (iii) Hạ tầng xanh kết nối; (iv) Thị trường các bon tương tác; (v) Chia sẻ thực hành xanh tốt nhất; (vi) Phát triển và dịch chuyển tài năng xanh; (vii) Tiêu chuẩn chung và đáng tin cậy; (viii) Thu hút và triển khai vốn xanh.
Hội nghị IAMMSTI-12 đã dành thời gian để chia sẻ, thảo luận về phát triển KH,CN&ĐMST đối với vấn đề trung hòa các bon.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược tổng thể với đầy đủ các nhóm chính sách về năng lượng, công nghiệp, thị trường, đầu tư, tài chính... và không thể thiếu được các chính sách về KH,CN&ĐMST. Việc xây dựng và ban hành các chính sách KH,CN&ĐMST là rất cần thiết để tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển các công nghệ mới, công nghệ sạch (cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu trung hòa các bon tại Việt Nam).
Kinh tế thế giới trong giai đoạn tới dự báo sẽ có sự thay đổi nhanh chóng và nhiều diễn biến phức tạp. Các quốc gia đang phải đối mặt với những hậu quả do đại dịch COVID-19 để lại, bao gồm sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, bất ổn về chính trị, lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao. Khoa học và công nghệ phát triển nhanh với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã làm thay đổi phương thức sản xuất và cách thức quản trị. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Việt Nam phải đối mặt với những thách thức từ nội tại trước đó và ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh tiến trình thực hiện các mục tiêu trung hòa các bon và tăng trưởng bền vững trong những năm tới, KH,CN&ĐMST là động lực chính giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng thịnh vượng và bền vững với môi trường.
Phát triển KH,CN&ĐMST để ứng phó với BĐKH
Thực hiện cam kết của Việt Nam về BĐKH, tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đã nêu: “Khoa học và công nghệ là nền tảng, là động lực cho phát triển bền vững đất nước. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất”. Bên cạnh đó, các nghị quyết của Đảng và Chính phủ được ban hành như Nghị quyết 23-NQ/TƯ ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững… đều nhấn mạnh đến vai trò của KH,CN&ĐMST. Đây được xem là giải pháp đột phá then chốt trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chiến lược, chương trình đề cập KH,CN&ĐMST dưới góc độ là nhiệm vụ, đồng thời cũng là giải pháp để thực hiện các mục tiêu đã được đặt ra như: Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025; Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Thực tế, hiện nay KH,CN&ĐMST với vấn đề trung hòa các bon và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam cũng đang được thúc đẩy, thể hiện trên các mặt như: 1) Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển các công nghệ như: Phát triển công nghệ sản xuất năng lượng, năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy điện...), tăng cường hiệu suất của công nghệ sản xuất năng lượng hóa thạch (nhiệt điện than, nhiệt điện khí...) và các nguồn năng lượng khác; phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng trong hệ thống đường dây, trạm biến áp...; áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại nhằm giảm tiêu hao nguyên/vật liệu, sản xuất tuần hoàn…; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phát triển các loại cây trồng có khả năng hấp thụ các bon cao… 2) Nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách về tiêu chuẩn kỹ thuật, thẩm định, giám định công nghệ như: Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về năng lượng cho các phương tiện, máy móc thiết bị (dán tem năng lượng, kiểm định mức độ tiêu hao năng lượng, xây dựng hàng rào kỹ thuật cho máy móc/thiết bị nhập khẩu…); tăng cường thẩm định, giám định công nghệ để đảm bảo các công nghệ được đầu tư là các công nghệ mới, công nghệ sạch…
Trong thời gian tới, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số vừa là thách thức vừa là cơ hội để Việt Nam lựa chọn mô hình nhằm tăng trưởng nhanh và bền vững. Cùng với việc áp dụng hiệu quả các phương thức và mô hình mới để đạt được mục tiêu trung hòa các bon, bên cạnh những vấn đề nêu trên, Việt Nam cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách KH,CN&ĐMST tạo điều kiện để tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển các công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.
Hai là, nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao các công nghệ hiện đại từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam; các chính sách hỗ trợ tìm kiếm, nhập khẩu các công nghệ hiện đại để sản xuất sạch hơn, tiết kiệm hơn.
Ba là, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào kỹ thuật, hệ thống thẩm định, giám định công nghệ trong các dự án đầu tư để hạn chế các công nghệ lạc hậu; tăng cường, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển các công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường
Bốn là, tăng cường hoàn thiện hệ thống mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức hỗ trợ của thị trường công nghệ để hỗ trợ, khuyến khích việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất và đời sống.
Có thể khẳng định, để đạt được mục tiêu như cam kết tại COP26, Việt Nam đã xây dựng một chiến lược tổng thể với đầy đủ các nhóm chính sách về năng lượng, công nghiệp, thị trường, đầu tư, tài chính… đặc biệt, không thể thiếu được các chính sách về KH,CN&ĐMST. Việc xây dựng và ban hành các chính sách KH,CN&ĐMST là rất cần thiết để tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển các công nghệ mới, công nghệ sạch. Đây sẽ là cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu trung hòa các bon tại Việt Nam trong tương lai.