Thứ tư, 12/07/2023 15:43

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo của trí thức trong tình hình mới

PGS.TS Nguyễn Quốc Trung1, TS Nguyễn Việt Hòa1, TS Ngô Đình Sáng1, TS Nguyễn Thành Trung2

1Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương

2Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Trí thức Việt Nam phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, có tinh thần yêu nước, gắn bó với sự nghiệp cách mạng do Ðảng lãnh đạo. Thông qua hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), bằng lao động sáng tạo, trí thức Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Sự phát triển của KH&CN và vai trò của trí thức

Trong khoảng 15 năm gần đây, trí thức Việt Nam đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2020, số lượng cán bộ nghiên cứu có khoảng 151.000 người, tăng nhiều hơn so với giai đoạn trước (năm 2009 có khoảng 3.800 người; năm 2011 có khoảng 105.000 người; năm 2015 có khoảng 132.000 người).

Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"*,

số người có trình độ từ đại học trở lên tham gia thị trường lao động đã tăng nhanh so với giai đoạn trước; năm 2009 có khoảng 2,7 triệu người (5,5%); năm 2013 có khoảng 3,7 triệu người (7,0%); năm 2018 có khoảng 5,26 triệu người (hơn 9,5%); năm 2021 có khoảng 6,2 triệu người, giảm nhẹ so với năm 2020, nhưng vẫn cao hơn các năm trước về tỷ lệ trên thị trường lao động (11,7%). Nhìn chung, đội ngũ trí thức của các ngành, lĩnh vực đã tăng lên nhanh chóng, trình độ, năng lực đã được nâng lên đáng kể. Sự lớn mạnh này thể hiện rõ nét qua sự phát triển chung của các ngành/lĩnh vực, đặc biệt là KH&CN và giáo dục và đào tạo. Cụ thể là các thành tựu nổi bật sau:

Tăng vị trí xếp hạng chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2022 (Global Innovation Index-GII): Việt Nam xếp hạng thứ 48/132 nền kinh tế, thuộc top 50, đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương. Đặc biệt, Việt Nam đã cải thiện trụ cột quan trọng là thể chế, tăng 32 bậc; chỉ số liên kết đổi mới sáng tạo tăng 10 bậc; trụ cột sản phẩm sáng tạo tăng 7 bậc; sản phẩm tri thức và công nghệ tăng 11 bậc.

Tăng vị trí xếp hạng trên thế giới về giáo dục: Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của U.S. News and World Report (USNEWS), Việt Nam xếp thứ 59 (tăng 5 bậc so với năm 2020). Các cơ sở giáo dục của Việt Nam liên tục tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới: Năm 2022, có 5 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được vào bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE); 5 cơ sở giáo dục đại học nằm trong danh sách các trường đại học tốt nhất toàn cầu (Best Global Universities) do USNEWS đánh giá; 2 cơ sở giáo dục đại học có tên trong bảng xếp hạng Quacquarelli Symond (QS).

Tăng số lượng đăng ký sáng chế: Năm 2016 có 560 đơn đăng ký sáng chế, đến năm 2021 con số này là 1.066 đơn (tỷ lệ tăng trung bình hằng năm là 18,1%); trong đó, năm 2021 có 153 bằng độc quyền sáng chế được cấp. Số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã nộp giai đoạn 2016-2021 tăng từ 1.861 đơn (năm 2016) lên 2.055 đơn (năm 2021). Trong đó, số lượng bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đã cấp tăng từ 877 lên 907. Đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ tăng nhanh trong giai đoạn 2016-2021. Năm 2016 có 34.968 người Việt Nam nộp đơn, 13.672 người Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; năm 2022 con số này tăng lên lần lượt là 47.754 và 29.444.

Công bố quốc tế giai đoạn 2016-2021 tăng nhanh: số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế giai đoạn này là 70.831 bài, năm 2021 tăng gấp ba lần so với năm 2016 từ 5.879 bài lên 18.551 bài. Trong đó, 5 lĩnh vực nghiên cứu chiếm ưu thế là: kỹ thuật, khoa học máy tính, vật lý - thiên văn, toán học và khoa học vật liệu (hơn 1/4 tổng số bài báo liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật).

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trí thức Việt Nam không ngừng đóng góp tri thức mới, kinh nghiệm, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các kỳ đại hội Đảng; góp phần quan trọng vào đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đóng góp trực tiếp vào nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nhân dịp Xuân Quý Mão năm 2023.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, trí thức đóng góp tích cực vào tăng năng suất lao động. Năng suất lao động Việt Nam tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016-2020. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 45,7%/năm. Công nghệ cao đóng góp quan trọng vào cơ cấu lại các ngành kinh tế. Tỷ trọng hàng hoá xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng từ 63,9% năm 2016 lên 77,7% năm 2019. 

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo của trí thức trong tình hình mới

Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, hoạt động đổi mới sáng tạo của trí thức vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: số lượng trí thức có chuyên môn sâu chưa nhiều, hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu định hướng; năng lực hoạch định hoạt động đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức ở các bộ/ngành chưa đáp ứng kỳ vọng, đặc biệt là hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức còn thấp, chưa bảo đảm yêu cầu cho hoạt động đổi mới sáng tạo hiện nay.

Để hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của trí thức có hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, cho đất nước trong bối cảnh thế giới có nhiều sự thay đổi nhanh chóng, Đảng và Nhà nước quyết tâm chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu và tích cực thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững. Để thực hiện được chủ trương này, bên cạnh các giải pháp mang định hướng tổng thể, cần chú ý các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, đổi mới tư duy, nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về tầm quan trọng của trí thức đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức gắn với chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu xây dựng chiến lược thu hút, trọng dụng, đãi ngộ trí thức cần có năng lực đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn trí thức từ các cấp học đến xây dựng đội ngũ trí thức có trình độ, chuyên môn theo hướng chú trọng phát triển tư duy độc lập, năng lực sáng tạo và kỹ năng nghề nghiệp.

Thứ tư, hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của trí thức trên cơ sở xóa bỏ các cơ chế, chính sách đã không còn phù hợp; xây dựng, triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách, đặc thù cho hoạt động của trí thức;

Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; năng lực hoạch định hoạt động đổi mới sáng tạo, kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách cho trí thức ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực;

Thứ sáu, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn đầu tư, để đảm bảo được nguồn lực tài chính  cho hoạt động đổi mới sáng tạo của trí thức; nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm hạ tầng cơ sở.

*

*        *

Có thể khẳng định, trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức Việt Nam luôn sẵn sàng cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... Đảng, Nhà nước cần có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

 

*Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khoá X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, ngày 6/8/2008.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN (2021), “Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW”.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2020), Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

3. Bộ KH&CN (2020), Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020.

4. Bộ KH&CN (2021), Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021

5. Tổng cục Thống kê (2021), Niên giám thống kê 2021.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)