Thứ hai, 24/07/2023 10:06

Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu

Việc tiếp cận nguồn vốn, trong đó có nguồn tài chính dựa trên nền tảng công nghệ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn quá khó khăn. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo: “Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức.

Hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch

Báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Đó là khả năng tiếp tục và mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt. Các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh chiến lược (cả về địa chính trị, kinh tế, công nghệ), song xu hướng cân bằng hợp tác theo hướng tránh “chọn bên” sẽ phổ biến hơn ở các nền kinh tế có quy mô nhỏ và trung bình. Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Dòng vốn này cũng phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình đề ra các giải pháp, trong đó có nhóm thứ 3: hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí: trong năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022. Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Điều kiện hỗ trơ thuộc đối tượng thụ hưởng đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận…

Theo các chuyên gia, tính chung 6 tháng đầu, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1 và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% (lớn nhất trong các thị trường chính). Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ 2022. Các chuyên gia cảnh báo, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn do xung đột chính trị quốc tế, vấn đề biến đổi khí hậu, EL Nino diễn biến bất thường, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ...

Thúc đẩy hỗ trợ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, Việt Nam hiện có 6 nguồn vốn dành cho doanh nghiệp, gồm: ngân sách; vốn nước ngoài; huy động từ thị trường vốn; đối tác; vốn tín dụng, bảo lãnh và cho thuê tài chính; vốn tự có, vốn góp. Trong đó, vốn tín dụng vẫn là kênh huy động lớn nhất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 48,71%) còn lại được huy động từ các nguồn khác. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước cũng đã ban hành những chính sách trong đó có các chính sách tài khoá như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2015-2023; Quyết định thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính sách ưu tiên tín dụng của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2016 đến nay… Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do rủi ro cao hơn do thiếu thông tin minh bạch, quản trị chưa theo chuẩn mực; thiếu tài sản đảm bảo; định hạng tín nhiệm chưa có hoặc ở mức thấp; yêu cầu nhiều vốn tối thiểu và dự phòng rủi ro hơn từ đơn vị tài chính tín dụng khi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay. Trong số những khó khăn trên, rào cản đến từ bản thân doanh nghiệp không hề nhỏ khi lịch sử tín dụng của doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu; khó khăn trong việc chứng minh vốn góp bằng tài sản; báo cáo tài chính của doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu của tổ chức tín dụng… Ở chiều ngược lại, rào cản đến từ phía các tổ chức tín dụng chủ yếu từ quy trình cho vay, yêu cầu hồ sơ của ngân hàng phức tạp, khó đáp ứng; còn một số chi phí ngoài lãi và chi phí chính thức, kỳ hạn vay vốn không phù hợp…

TS Cấn Văn Lực cho rằng, để có thể có thể bắt kịp đơn hàng mới, doanh nghiệp cần chuẩn bị nhanh một số điều kiện, trong đó vốn là rất quan trọng. Phương thức hỗ trợ vốn trên nền tảng công nghệ số tương đối mới và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Thông qua nền tảng công nghệ, chi phí chiết khấu sẽ giảm và công khai minh bạch hơn. Cùng đó, doanh nghiệp cần thực hiện nhanh “xanh hoá” sản xuất, chuyển đổi số, đa dạng thị trường xuất khẩu, quản trị rủi ro tốt hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Bích Thảo - Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của ASEAN Buisiness Partner cho rằng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là vốn. Doanh nghiệp cần chuẩn bị càng nhiều vốn lưu động càng tốt để sẵn sàng đầu tư nguyên/vật liệu, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất các đơn hàng. Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu đều có sự đồng hành mật thiết của 1 ngân hàng, tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá nguồn vốn, trong đó tiếp cận vốn qua các nền tảng công nghệ là một gợi ý tốt để có nguồn vốn lớn hơn, không mất đi cơ hội.

Để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải đổi mới, đặc biệt là đổi mới quy trình quản trị, công nghệ sản xuất… để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh; tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước; cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ; xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây được xem là “hạt nhân” để phát triển kinh tế - xã hội trong xu hướng chung của toàn cầu.

Phong Vũ - Linh Chi

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)