Thứ ba, 25/07/2023 14:45

Giáo dục AI: Đi tắt đón đầu để thay đổi bền vững

Nguyễn Hoàng Nam

Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH)

Trước những ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI), giáo dục AI là một hoạt động cần thiết. Việt Nam nên từng bước thực hiện, đón đầu làn sóng giáo dục AI với một tư duy bền vững.

Đón đầu làn sóng giáo dục AI

Lợi ích của AI với tư cách là người hỗ trợ đổi mới và tăng trưởng đã được ghi nhận trong các ngành công nghiệp khác nhau. Trên thế giới, làn sóng giáo dục AI đã manh nha trong vài năm trở lại đây, có thể kể đến 2 quốc gia tiên phong là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tại Hoa Kỳ, giáo dục AI là một nội dung quan trọng trong Đạo luật Sáng kiến AI quốc gia năm 2020. Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ đã cam kết tăng gấp đôi đầu tư nghiên cứu AI và thành lập các viện nghiên cứu AI quốc gia. Tháng 12/2020, Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm Donald Trump đã ký Sắc lệnh Hành pháp 13960 về thúc đẩy việc sử dụng AI đáng tin cậy trong Chính phủ Liên bang thiết lập hướng dẫn cho việc áp dụng AI trong các cơ quan Liên bang nhằm cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn cho người dân Hoa Kỳ và tăng cường niềm tin của công chúng vào công nghệ. Đến tháng 01/2021, Văn phòng Sáng kiến AI quốc gia được thành lập.

Giáo dục AI cần một tư duy bền vững để đưa tri thức về AI tiếp cận đến người dân.

Bên cạnh đó, nhiều dự án cũng được thực hiện nhằm xây dựng kiến thức nền tảng về AI. aiEDU1 là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập theo mục 501(c)(3) Bộ luật Hoa Kỳ từ năm 2019. Dự án giáo dục AI này với mục tiêu tạo ra trải nghiệm học tập công bằng, đặc biệt là những người có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các hệ thống AI, nên có quyền được tìm hiểu giáo dục về kiến thức và kỹ năng để phát triển với tư cách là người lao động, người sáng tạo, người tiêu dùng và công dân toàn cầu.

Là một quốc gia có dân số đông hàng đầu thế giới, Trung Quốc có lợi thế trong việc thu thập lượng dữ liệu khổng lồ có sẵn từ người dân để khai thác trong nhiều ngành nghề khác nhau. Dựa trên ưu thế đó, so với các quốc gia khác, Trung Quốc đã xây dựng và phát triển AI khá sớm. Đối với lĩnh vực giáo dục, Trung Quốc triển khai nhiều công nghệ dựa trên AI khác nhau để nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời khuyến khích các công ty AI hợp tác với các trường phổ thông và đại học để đào tạo người học. Tiêu biểu một dự án giáo dục AI ở Trung Quốc là Squirrel AI. Squirrel AI chuyên về “giáo dục thích ứng thông minh” bởi các nhà khoa học AI. Squirrel AI sử dụng một thuật toán để học sinh/người học nhận được 70% gợi ý giảng dạy từ AI và 30% còn lại từ giáo viên/giảng viên2.

Điều này góp phần cung cấp trải nghiệm học tập được cá nhân hóa và nhập vai, nâng cao hiệu quả giảng dạy, đồng thời tăng cường sự tham gia và thành tích của người học.

Hiện nay, giáo dục AI là một trong những yêu cầu bắt buộc trong chương trình giảng dạy ở trường trung học. Từ năm 2017, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển AI, trong đó áp dụng các quy định về phương thức giáo dục AI được thiết kế và triển khai trong bối cảnh giáo dục quốc gia.

Tại Việt Nam, được thành lập bởi đội ngũ chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, AI Education3 là công ty trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech). Để mang đến các chương trình kỹ năng kỹ thuật số độc quyền hàng đầu cho các doanh nghiệp và chuyên gia, AI Education kết hợp với các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới như: Google, Microsoft, Duolingo… triển khai các dự án về chương trình kỹ năng số ứng dụng và chương trình điện toán đám mây cho người học trên khắp Việt Nam.

Đi tắt đón đầu nhưng cần tư duy bền vững

Để phục vụ công việc, nâng cao kiến thức và kỹ năng của người lao động, giáo dục AI là một hoạt động cần thiết để hạn chế tác động của AI với những đối tượng dễ bị tổn thương. Đào tạo nhân lực đón đầu xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục AI cần hoàn thiện nhiều khía cạnh, bao gồm: các kỹ năng tương lai (Future Skills), nâng cao năng suất (Improve Productivity) và chuyển đổi số (Digital Transformation).

Nguồn: AI Education.

Tuy vậy, thuật toán AI không phải lúc nào cũng cho ra kết quả chính xác tuyệt đối, mà chỉ tính toán dựa trên xác suất thống kê, nên sẽ có những sai số nhất định. Nhìn nhận một cách khách quan, AI chỉ hỗ trợ nền tảng cho việc truyền sức mạnh nội sinh, chuyển đổi thông minh cho cải cách và đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Chính vì vậy, giáo dục AI cần một tư duy bền vững để đưa tri thức về AI tiếp cận đến người dân.

Công nghệ AI cung cấp động lực thiết thực trong việc nâng cao tiêu chuẩn đào tạo nhân lực giáo dục nghề nghiệp4. Dựa trên kinh nghiệm của các nước đã triển khai giáo dục AI như Hoa Kỳ và Trung Quốc, nước ta cần xây dựng lộ trình đổi mới giáo dục nghề nghiệp dựa trên công nghệ AI. Ba nền tảng cốt yếu bao gồm: (i) Hỗ trợ chính sách vĩ mô cho hoạch định tương lai; (ii) Định hướng việc làm cho người học cao đẳng nghề; (iii) Điều chỉnh nội dung dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Trong đó, tập trung chú trọng các biện pháp triển khai xây dựng hệ thống dạy học AI trong trường dạy nghề: từ công việc đến tương tác giữa người với máy tính: hệ thống nội dung giáo dục AI trong trường dạy nghề;  từ tin học hóa đến thông minh hóa: hệ thống kỹ thuật giáo dục AI trong trường dạy nghề; từ công nghệ cứng đến sức mạnh mềm: hệ thống phương pháp giáo dục AI trong trường dạy nghề5

 

1 Xem thêm tại https://www.aiedu.org/.

2 Xem thêm tại https://borgenproject.org/ai-education-in-china/.

3 Xem thêm tại https://www.aiedu.com.vn/.

4 Ying Hu (2022), “Application of artificial intelligence technology and blockchain technology in vocational education”, Proceedings of the 5th International Conference on Big Data and Education (ICBDE 2022), pp.15-21.

5 Ke Liu, Lìfang Su (2022), “Practical path of application of artificial intelligence technology in vocational education”, Proceedings of The 2022 5th Artificial Intelligence and Cloud Computing Conference (AICCC 2022), pp.221-228.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)