Thứ sáu, 28/07/2023 10:52

Phát triển nhiên liệu sinh học để “xanh hóa” nền kinh tế

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ (U.S Grains Council) tổ chức Diễn đàn khử các bon châu Á với chủ đề: “Nhiên liệu sinh học Việt Nam 2023” nhằm thông tin đến các địa phương, doanh nghiệp… về xu hướng và ích lợi của nhiên liệu sinh học.

Tiềm năng sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế năng lượng, dầu mỏ và khí đốt hiện chiếm khoảng 60-80% cán cân năng lượng thế giới. Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay và trữ lượng dầu mỏ hiện có, nguồn năng lượng này sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt trong vòng 40-50 năm nữa. Diễn biến phức tạp của giá xăng dầu gần đây do nhu cầu dầu thô ngày càng lớn và những bất ổn chính trị tại những nước sản xuất dầu mỏ khiến chính phủ nhiều quốc gia cần tìm ra các nguồn năng lượng thay thế, ưu tiên hàng đầu cho các nguồn năng lượng tái sinh và thân thiện với môi trường. Trong số các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ đang sử dụng hiện nay, nhiên liệu sinh học được đặc biệt quan tâm, nhất là ở các nước nông nghiệp, trong đó có Việt Nam do lợi ích mà nó mang lại như: công nghệ sản xuất không quá phức tạp, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, không cần thay đổi cấu trúc động cơ cũng như cơ sở hạ tầng hiện có và giá thành cạnh tranh so với xăng dầu.

Việt Nam là một nước nông nghiệp được đánh giá có điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiên liệu sinh học. Để phát triển nhiên liệu sinh học, Chính phủ cùng các bộ/ngành đã có những cố gắng thúc đẩy tiềm năng phát triển một số cây trồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học như ngô, sắn, mía (sản xuất cồn); các cây có dầu như lạc, đậu tương, vừng, hướng dương, dừa, bông (sản xuất diesel)…

Ngoài những cây như sắn, ngô hay mía, giới nghiên cứu tại Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến một loại cây mang tên khoa học Jatropha curcas. Dầu từ cây Jatropha chứa oxy trong phân tử và không có sulfur nên được đốt cháy hết, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính và khí gây ung thư. Bên cạnh đó, cây Jatropha có thể được dùng là phân hữu cơ, làm thức ăn gia súc. Với điều kiện về tự nhiên và thổ nhưỡng, Việt Nam hoàn toàn thích hợp cho việc nghiên cứu phát triển cây Jatropha. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hạt Jatropha có hàm lượng dầu trên 30% và 1 ha Jatropha thâm canh có thể thu hoạch được 10 tấn hạt, từ đó sản xuất ra được 3 tấn diesel sinh học có chất lượng tương đương diesel hóa thạch.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, nhiên liệu sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Tại Hoa Kỳ, nhiên liệu pha trộn ethanol đã được sử dụng từ những năm 2006, có trên 97% các loại xăng đều chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới sẽ bán các loại nhiên liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn như E15, E85. Hoa Kỳ hiện là quốc gia sản xuất ethanol lớn nhất trên thế giới với công suất 60 tỷ lít/năm, đồng thời cũng là quốc gia xuất khẩu ethanol nhiều nhất với trên 5 tỷ lít/năm. Ethanol và các đồng sản phẩm đóng góp hơn 40 tỷ USD cho tổng sản phẩm nội địa hàng năm cho Hoa Kỳ. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippin và Thái Lan là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 15 năm nay.

Chia sẻ thêm về thông tin trên, Tham tán Nông nghiệp - Phòng Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) Ralph Bean cho biết, Việt Nam hiện là thị trường đang có sự phát triển lớn. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu về nông nghiệp của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt vượt mốc 10 tỷ USD. Do đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và nguồn lực kỹ thuật thúc đẩy phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học của Việt Nam, góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Xem xét lại lộ trình để phát triển nhiên liệu sinh học

Ở Việt Nam, với mục tiêu là phát triển nhiên liệu sinh học - một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, quyết định về phát triển nhiên liệu sinh học. Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, đến nay, 100% các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam chỉ kinh doanh 02 sản phẩm xăng là xăng sinh học E5 RON92 và xăng khoáng RON95.

Ông Vũ Kiên Trung - Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cho biết, Việt Nam đã áp dụng chương trình pha trộn nhiên liệu sinh học vào xăng với tỷ lệ 5% (E5) kể từ năm 2010. Điều này đã giúp giảm lượng khí thải và tăng cường sự bền vững trong ngành năng lượng. Mặc dù xăng sinh học E5 RON92 đã được phân phối rộng rãi trên toàn quốc, nhưng tình trạng tiêu thụ chưa đạt được mức kỳ vọng.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thông tin, sản lượng tiêu thụ xăng E5 RON92 đang có xu hướng giảm. Thống kê sản lượng tiêu thụ xăng E5 RON92 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) từ năm 2018 đến nay cho thấy sản lượng tiêu thụ xăng E5 RON92 đã giảm từ hơn 2 triệu lít năm 2018 đến năm 2022 chỉ còn khoảng 1,5 triệu lít và 5 tháng đầu năm 2023 chỉ còn hơn 544.000 lít. Lý do là bởi tiêu chuẩn xăng E5 RON92 mới ngang với tiêu chuẩn EURO 2, trong khi các phương tiện giao thông đời mới (gồm cả xe máy và ô tô) đều muốn sử dụng xăng ngang tiêu chuẩn EURO 3 và 4 (xăng RON95).

Những thách thức mà các đơn vị sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam đang gặp phải là rất nhiều. Trong đó, có thể nhắc đến những nguyên nhấn lớn đó là người tiêu dùng còn lo ngại về chất lượng và hiệu suất của xăng sinh học so với xăng thông thường; thiếu thông tin và kiến thức về lợi ích của nhiên liệu sinh học và xăng sinh học; số lượng sử dụng xăng sinh học và nhiên liệu cho xăng sinh học (cồn khan) quá thấp, gây khó khăn cho các nhà sản xuất nội địa (đầu ra khó khăn); không có nguồn nguyên liệu chủ động cho sản xuất.

Để phát triển nhiên liệu sinh học trong thời gian tới, bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, Vụ này đang chủ trì và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Theo đó, lộ trình phải thúc đẩy nhiên liệu sinh học trong thời gian tới để đáp ứng những nhu cầu về chuyển dịch năng lượng, đảm bảo cam kết đưa mức phát thải các bon về 0 vào năm 2050 là vấn đề rất cấp thiết. Bà Quỳnh đề xuất cần phải rà soát lại lộ trình phát triển xăng E5 để trong thời gian tới có lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học mới phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới, với tình hình phát triển và yêu cầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho pha chế, lưu trữ và phân phối cũng như xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam.

Nguyễn Quốc Trung

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)