Thứ sáu, 28/07/2023 10:57

Cải cách thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Với quan điểm xuyên suốt của nền hành chính phục vụ là đặt doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, trên tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ, từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa, 33 quy định thuộc 04 nhóm ngành nghề kinh doanh. Những thông tin này được chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia: “Cải cách thủ tục hành chính tại NHNN trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Thực trạng và giải pháp” do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 24/07/2023 tại Hà Nội.

Cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

TS Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cho biết, trong sự vận hành của nền hành chính, thủ tục hành chính, quá trình thực hiện thủ tục hành chính là hình ảnh trực tiếp nhất, cụ thể nhất về mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức, công dân. Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính chiếm một phần lớn trong chi phí xã hội của các tổ chức và công dân, chi phí của các cơ quan hành chính nhà nước. Vấn đề thủ tục hành chính dường như cũng là vấn đề đưa đến nhiều bức xúc, phản ánh nhất từ phía người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cải cách thủ tục hành chính góp phần quan trọng trong việc củng cố và nâng cao sự ủng hộ, sự tín nhiệm của tổ chức và nhân dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước, giảm chi phí xã hội và là giải pháp để nâng cao tính minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

TS Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc hội thảo.

Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, NHNN cũng như các bộ, ngành khác đều phải vượt qua các rào cản, xác định các chính sách chiến lược, lâu dài của mình và trong bối cảnh chung, ngành ngân hàng hướng đến mục tiêu chính: (i) Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ; (ii) Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Rào cản cần tháo gỡ

Cuộc Cách mạng ông nghiệp lần thứ 4 đang mở ra những cơ hội phát triển cho các quốc gia nhưng những cơ hội này có xu hướng đến và đi qua cũng nhanh hơn, vì vậy, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng có ý nghĩa quan trọng để nắm bắt cơ hội phát triển. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng có tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh, sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, để có thể thu hút được các nhà đầu tư quốc tế, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng cũng cần phải được quan tâm đặc biệt.

Thực tiễn cho thấy, đâu đó vẫn còn tồn tại những điểm bất cập, rào cản của cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính trong ngành Ngân hàng như chưa đáp ứng được những yêu cầu của cơ chế quản lý mới cũng như nhu cầu của nhân dân trong điều kiện mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao, thể hiện trên các mặt: về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ máy hành chính của ngành, chưa được xác định thật rõ và phù hợp; sự phân công, phân cấp giữa các bộ phận ngành và các cấp chưa thật rành mạch; thủ tục hành chính còn chưa đồng bộ, còn chồng chéo và thiếu thống nhất; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp; tổ chức bộ máy vần còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; phương thức quản lý hành chính vừa tập trung quan liêu lại vừa phân tán, chưa thông suốt; chưa có những cơ chế, chính sách tài chính thích hợp với hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức làm dịch vụ công; đội ngũ cán bộ, công chức còn điểm yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính; phong cách làm việc chậm đổi mới; tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân còn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, công chức; việc sử dụng và quản lý nguồn tài chính công chưa chặt chẽ, lãng phí và kém hiệu quả.

ThS Lê Quốc Nghị - Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ, NHNN cho rằng, cải cách thủ tục hành chính là một xu thế đúng đắn và cấp thiết trong thời đại chuyển đổi số. Hiện nay, cải cách thủ tục hành chính đang diễn ra mạnh mẽ tại tất cả các bộ, ngành và địa phương, trong đó ngành ngân hàng cũng không là ngoại lệ và cần phải cải cách hành chính nhanh chóng hơn nữa vì ngân hàng thường được ví là “ngành xương sống của cả nền kinh tế”.

Để hoàn thành công cuộc cải cách hành chính và chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển của NHNN trong thời gian tới, ThS Lê Quốc Nghị đề nghị cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần có kế hoạch nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ từ trung ương tới địa phương cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ hai, thực hiện đào tạo nhân sự cũ hoặc tuyển dụng nhân sự mới ngoài chuyên môn vững vàng còn cần có nền tảng về công nghệ, kỹ thuật để có thể làm việc trong môi trường số đang ngày càng đổi mới, phù hợp với quá trình công nghệ hóa việc chuyên môn.

Thứ ba, cần có chế độ đãi ngộ, ưu tiên bồi dưỡng, bổ nhiệm các cán bộ chuyên môn có tư duy năng động, sáng tạo trong công việc. Khuyến khích cán bộ chuyên môn áp dụng công nghệ thông tin vào từng công việc chuyên môn cụ thể, bởi như chúng ta đã biết nhìn một công việc chuyên môn thì sẽ đơn giản nhưng với số lượng công việc lớn thì mỗi việc đều được công nghệ hóa sẽ giúp thực hiện được mau chóng quá trình cải cách hành chính.

Đồng tình với các giải pháp trên, TS Nguyễn Thái Hà - Trưởng khoa Luật, Học viện Ngân hàng đề xuất thêm là cần phải xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng; nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được luật hóa để phù hợp với thực tiễn và xu hướng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, từng bước tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc cho việc hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số, hướng tới nền kinh tế số trong tương lai.

Phong Vũ

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)