KNĐMST đã trở thành xu hướng tất yếu
TS Đinh Quang Toàn - Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo và Kinh tế số, Trưởng Làng công nghệ GTVT, kiêm Trưởng Ban tổ chức điều phối tại hội nghị cho biết, trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động KNĐMST đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. KNĐMST cần được ươm tạo, nuôi dưỡng và phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, KNĐMST là quá trình khởi nghiệp dựa trên ý tưởng sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới; hoặc sản phẩm cũ nhưng có điểm khác nổi trội, ưu việt hơn so với những sản phẩm/dịch vụ đã từng có trên thị trường và được phát triển nhanh chóng, vượt bậc. Hệ sinh thái KNĐMST bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân; các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Hiện nay, trong ngành GTVT đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, bước đầu đạt được những hiệu quả quan trọng, trong đó có chuyển đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm thích ứng với bối cảnh mới về chuyển đổi số.
TS Đinh Quang Toàn - Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo và Kinh tế số, Trường Đại học Công nghệ GTVT phát biểu tại hội nghị.
Chia sẻ về hoạt động chuyển đổi số tại Trường Đại học Công nghệ GTVT, TS Đinh Quang Toàn cho biết, với sư phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ (KH&CN) gắn với ĐMST và chuyển đổi số là xu hướng chung của xã hội và Trường cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong những năm qua, để thích ứng với chuyển đổi số, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực về , trong đó có việc đẩy mạnh áp dụng thành tựu công nghệ vào đào tạo, nghiên cứu khoa học… nhằm phát triển thành trường đại học thông minh. Nhà trường đã thực hiện hiệu quả Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm đạt mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với tiêu chí đến năm 2030 đạt được 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; 80% cơ sở giáo dục có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.
Kết nối nguồn lực để phát triển
TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trưởng và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, kết nối các nguồn lực nhằm thu hút cá nhân, tổ chức tham gia hỗ trợ KNĐMST trong lĩnh vực công nghệ giao GTVT nằm trong Chương trình trọng điểm quốc gia triển khai chuỗi hoạt động của đề án Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ KNĐMST; thiết lập được Cổng thông tin KNĐMST quốc gia.
Hiện nay, với sự phát triển, bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là mạng internet thì xu huớng "mở" trong đổi mới sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ nét. Liên kết giữa tập đoàn, doanh nghiệp với start-up - viện - trường có thể cùng lúc giải quyết bài toán cho nhiều doanh nghiệp, qua đó, tiết kiệm được chi phí vận hành, nguồn nhân lực.
Báo cáo chưa đầy đủ từ các hiệp hội cơ sở và hội viên trực thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, đến tháng 7/2022 mới chỉ có khoảng 30% các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe cơ sở thuộc Hiệp hội thực hiện chuyển đổi số, khoảng 70% các đơn vị chưa thực hiện do khó khăn về tài chính. Đại diện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải cho biết, chi phí ban đầu để mua phần mềm thực hiện việc chuyển đổi số bao gồm hợp đồng điện tử, hoá đơn điện tử, vé điện tử và lệnh vận chuyển điện tử có chi phí khá lớn. Thêm vào đó, giá nhiên liệu đầu vào thay đổi thường xuyên, nên nhiều doanh nghiệp còn “ngại” khi tiến hành chuyển đổi số.
Để liên kết các nguồn lực nhằm thúc đẩy KNĐMST ngành GTVT, ông Cao Tấn Lợi - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết, giao thông luôn đi trước mở đường để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Khánh Hòa đã thực hiện liên kết, hợp tác phát triển với nhiều tỉnh lân cận như: Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk và Phú Yên; liên kết, hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung bao gồm các tỉnh/thành phố (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Sở GTVT các tỉnh đã chủ động liên hệ, phối hợp và hỗ trợ nhau trong tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT mang tính kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa các tỉnh liền kề, bảo đảm phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trong khu vực. Xác định việc kinh doanh vận tải đường bộ là rất quan trọng đối với phát triển GTVT của địa phương, trong thời gian tới Sở GTVT Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh các hoạt động quản lý thông qua ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là các ứng dụng IoT, IA, ERP, RFID, V2X, GPS, BIM… vào kỹ thuật xây dựng hạ tầng giao thông; quản lý vận hành hệ thống giao thông, chuỗi cung ứng logistics…, phục vụ sự nghiệp phát triển của ngành GTVT nói riêng và của đất nước nói chung.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để kết nối nguồn lực phát triển KNĐMST trong lĩnh vực công nghệ GTVT, các đơn vị kinh doanh vận tải cần ứng dụng công nghệ để quản lý điều hành và cung cấp dữ liệu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, từng bước nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ, thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, góp phần vào sự phát triển của ngành GTVT trong môi trường hệ sinh thái KNĐMST quốc gia.
Tùng Vũ