Nâng cao nhận thức về xu hướng chuyển đổi số
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường luôn biến động, áp lực cạnh tranh ngày càng tăng. Nắm bắt xu thế chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đã chủ động tiếp cận các nền tảng công nghệ hiện đại, quan tâm khai thác kênh phân phối trên các nền tảng số…
Đối với ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã và đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số để tiếp cận các nhóm đối tượng khách hàng phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm của đơn vị. Ông Lê Mạnh Hưng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dasaco (Hậu Giang) - công ty chuyên sản xuất và phân phối phân bón hữu cơ, đất sạch hữu cơ mang thương hiệu “Vì Nông” cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển, bên cạnh hệ thống phân phối với trên 400 đại lý ở ÐBSCL, Công ty đã mở rộng bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Đặc biệt, với việc đầu tư cho chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử đã giúp Công ty lan tỏa thương hiệu, đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng nhiều hơn, hiệu quả hơn (khoảng 30% doanh số bán hàng nhờ vào các kênh online, thương mại điện tử)…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, đây là lần thứ 2 tỉnh Hậu Giang tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số với kỳ vọng nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số. Tuần lễ năm nay có sự kết hợp giữa chuyển đổi số với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có 09 hội thảo chuyên đề và nhiều hoạt động nổi bật như: hội thảo về chính quyền số, hành chính công, đô thị thông minh, nông nghiệp, y tế, giáo dục, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Đặc biệt là khu trải nghiệm sẽ trưng bày các mô hình chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với gần 90 gian hàng (tăng gấp 4 lần so với năm 2022), trong đó có 40 gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các sản phẩm OCOP, gần 50 gian hàng giới thiệu các thiết bị công nghệ, các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số uy tín đến từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp khắp cả nước.
Hậu Giang xác định công nghệ thông tin là bước đột phá, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã đề ra, góp phần đưa Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số của các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL là thay đổi thói quen và nhận thức của người dân về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, với địa phương, xây dựng chính quyền số không đơn giản, nhất là đối với các tỉnh/thành khu vực ĐBSLC.
Nghiên cứu của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho thấy, cơ sở dữ liệu trong nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn còn thiếu; phần mềm, phần cứng chưa được đầu tư tương xứng và chỉ giới hạn ở những dự án, chương trình đơn lẻ. Hơn nữa, chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số vẫn còn hạn chế. Các đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chuyển đổi số như doanh nghiệp, nông dân chưa nhận thức được trách nhiệm. Đặc biệt, nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người dân chưa cao, đặt ra nhiều thách thức cho công tác chuyển đổi số của vùng.
Kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL
Để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL, các chuyên gia cho rằng, cần đột phá về xây dựng hạ tầng kiến tạo cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó hạ tầng về thể chế chính sách là hạ tầng mang tính mấu chốt. Ngoài thể chế chính sách đặc biệt, cần có hạ tầng phát triển nhân lực, tri thức, hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng về vốn, hạ tầng nền tảng, dữ liệu, hạ tầng truyền thông, marketing… cũng cần được thiết kế và xây dựng cho phù hợp với quy mô vùng để phục vụ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, ĐBSCL cần một đơn vị có quy mô đủ lớn mang tính dẫn dắt, thúc đẩy và kết nối các viện/trường, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước cũng như đủ năng lực chuyển đổi kết quả nghiên cứu cơ bản thành công nghệ, giải pháp, sản phẩm sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp.
Ông Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ cho biết, để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Cần Thơ, Sở KH&CN TP Cần Thơ đang tập trung triển khai thực hiện Ðề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/08/2021 của Chính phủ. Theo đó, ngành KH&CN sẽ phát huy tốt vai trò là tổ chức đầu mối gắn kết các thành phần trong hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL; đồng thời thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐBSCL, UBND tỉnh Hậu Giang đã ký kết với Vietnam Innovation Hub, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng chung tay xây dựng kiến tạo phát triển tổ hợp đổi mới sáng tạo tỉnh Hậu Giang, thúc đẩy chuyển đổi số, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng ĐBSCL.
Lễ ký kết hợp tác phát triển giữa UBND tỉnh Hậu Giang với các đơn vị.
Các bên thống nhất hợp tác phát triển Tổ hợp Đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái số, khởi nghiệp sáng tạo với nhiệm vụ trọng tâm là kiến tạo hành lang, cung cấp hạ tầng, thí điểm giải pháp, kiểm nghiệm phương pháp chuyên môn, mô hình kinh tế, y tế sáng tạo. Sự hợp tác này sẽ bao gồm các cấu phần: hạ tầng phục vụ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế đặc thù của Hậu Giang cũng như ĐBSCL; hạ tầng phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thiết lập nơi thí điểm, khảo nghiệm, đề xuất các giải pháp công nghệ mới vào quản lý nhà nước cũng như quản trị doanh nghiệp, đưa tiến bộ khoa học, công nghệ và mô hình kinh doanh mới vào thực tiễn phục vụ doanh nghiệp, người dân; thiết lập nơi thực thi và góp ý chính sách, kết nối tri thức quốc gia, quốc tế nhằm tạo điều kiện tiếp cận công nghệ và xu thế quốc tế cho khu vực.
Bên cạnh đó, nhằm thích ứng với bối cảnh bình thường mới, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức và kết nối toàn cầu, Vietnam Innovation Hub và các đối tác sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn, hội nghị chuyên môn, cuộc thi giải pháp, tìm kiếm tài năng đổi mới sáng tạo, kết nối đầu tư, thương mại hóa kết quả nghiên cứu... trực tiếp và trực tuyến. Tổ hợp Đổi mới sáng tạo tại Hậu Giang được thiết lập cũng sẽ hứa hẹn đem lại nhiều trải nghiệm mới, cơ hội mới cho người tham dự, cho dù là nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên hay các nhà sáng lập, nhóm nghiên cứu, dù ở Việt Nam hay trên thế giới.
Nguyễn Thị Diễm Thúy