Thứ năm, 25/05/2023 11:01

Khoa học và công nghệ phải lấy thực tiễn làm thước đo của thành công

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt giới trí thức (18/5/1963-18/5/2023); 10 năm Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam (18/5/2013-18/5/2023), Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ Chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững”. Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các cơ quan đầu ngành về KH&CN của đất nước và đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân…

Khoa học phải từ sản xuất mà ra…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Trong 10 năm qua, Ngày KH&CN Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội của lực lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cả nước. Nhiều hoạt động chào mừng được các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học tổ chức rộng khắp trên toàn quốc như: các lễ trao giải thưởng; triển lãm các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng chế hữu ích; mở cửa các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu cho người dân tham quan, tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ... Nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng tải các phóng sự, phim tài liệu giới thiệu các thành tựu KH&CN... Có thể thấy, các hoạt động phong phú, thiết thực chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam trong 10 năm qua đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; dần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Lễ kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam lần thứ 10 càng có ý nghĩa hơn khi năm nay ngành KH&CN kỷ niệm tròn 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Tại đó, Người đã căn dặn: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...".

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc sự kiện.

Tại Lễ kỷ niệm, các khách mời là nhà khoa học, nhà doanh nhân đã chia sẻ những câu chuyện “biến ước mơ thành hiện thực” trên con đường thực hiện ước muốn làm giàu chân chính, góp phần phụng sự tổ quốc ngày một phồn vinh, nhân dân ngày một ấm no… dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đúng như sinh thời Bác Hồ từng mong muốn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Nafoods Group, chia sẻ hành trình đi lên từ con số không với quả chanh leo. Hiện tại, Nafoods có 6 giống chanh leo, sản phẩm từ cây chanh leo của Công ty đã xuất khẩu đi 70 nước trên toàn thế giới (vượt qua Nam Mỹ), tạo ra giá trị 600 triệu USD. Người nông dân trồng chanh leo có thể thu về 400-600 triệu đồng mỗi năm, nếu chịu khó chăm sóc có thể đạt doanh thu cả tỷ đồng. Trong quá trình sản xuất, Nafoods còn tiên phong số hoá vùng trồng, tự mình sáng tạo quy trình chế biến. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đối với sản xuất nông nghiệp, KH&CN rất quan trọng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao, cần không ngừng cải tiến và đổi mới. Hiện tại Công ty có trên 10 giáo sư, 15 tiến sỹ, và nhiều nhà nghiên cứu ở các trường đại học cùng hợp tác.  “Phát triển dựa trên công nghệ cao sẽ có những câu chuyện thần kỳ cho Việt Nam” - ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Cơ khí - NARIME (Bộ Công Thương) là một ví dụ điển hình về sự đổi mới của các đơn vị sự nghiệp công lập. TS Phan Đăng Phong, Viện trưởng NARIME cho biết, trong những năm gần đây, Viện đã đủ năng lực và trình độ công nghệ để tham gia thiết kế, chế tạo, cung cấp thiết bị cho hơn 30 dự án thủy điện với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng; đấu thầu và được chọn làm tư vấn cho chủ đầu tư trong hai dự án boxit Tân Rai và Nhân Cơ; thiết kế tích hợp nhiều hệ thống tự động hóa phức tạp, cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài, giúp chủ đầu tư giảm đáng kể chi phí đầu tư cũng như sự phụ thuộc vào công ty quốc tế… “Mức tăng trưởng hàng năm của Viện ổn định từ 10% trở lên, doanh thu bình quân hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng, đời sống cán bộ viên chức được ổn định, năng lực của cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học không ngừng được cải thiện”- TS Phan Đăng Phong chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Tài - CEO Công ty CP Lumi Việt Nam hồi tưởng về câu chuyện khởi nghiệp “Xây ước mơ lớn từ phòng trọ 25 m2” cách đây 15 năm, khi ông mới tốt nghiệp đại học ngành tự động hóa. Hiện nay Lumi đã trở thành một trong những công ty đi đầu về giải pháp Smarthome (nhà thông minh) ở Việt Nam với công nghệ và thiết bị hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu chế tạo và sản xuất. Hiện tại Lumi đã có 135 thành viên, 120 nhà phân phối tại 63 tỉnh/thành phố. Sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu sang Isarel, Thái Lan, Ấn Độ, Lebanol… Ngoài ra, Lumi rất tích cực trong việc hỗ trợ đào tạo kỹ sư cho đất nước, với mong muốn 1 ngày không xa, Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp IoT, 4.0 và sản phẩm “Make in Việt Nam” hiện diện ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở một góc độ khác, TS Trương Thanh Tùng (Trưởng nhóm nghiên cứu thiết kế và tổng hợp thuốc, Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa; giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa) chia sẻ câu chuyện về nghiên cứu khoa học của mình. TS Trương Thanh Tùng đã có nhiều công bố khoa học trên thế giới và được đánh giá cao bởi các nhà khoa học, đặc biệt có những nghiên cứu đã được chuyển thành đề tài hợp tác với các giáo sư đạt giải Nobel, như đề tài nghiên cứu thuốc thay thế kháng sinh kết hợp với GS Morten (Giải Nobel hoá học năm 2022) để nghiên cứu thành các sản phẩm cho ứng dụng toàn cầu. Các kết quả nghiên cứu sản phẩm peptide dùng ngoài da đang được thử nghiệm nhằm thay thế kháng sinh, bào chế các loại kem trị bỏng dùng cho bộ đội; nghiên cứu các loại chất mới thay thế kháng sinh dùng trong nông nghiệp, chăn nuôi, đảm bảo không có dư lượng kháng sinh trong thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo TS Tùng, với sự quan tâm của Đảng, sự đầu tư từ Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội, các nhà khoa học trong nước nên tự tin nghiên cứu những hướng mới mà thế giới đang đi, mạnh dạn tiên phong, tham gia nhiều hơn vào các nghiên cứu mang tầm quốc tế. “Tôi mong rằng các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam sẽ tự tin hơn nữa, tự cường trong nghiên cứu, chinh phục những bài toán hóc búa mà thế giới đang cần câu trả lời” - TS Tùng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tặng hoa cho các diễn giả tại sự kiện.

Đại diện cho các địa  phương, ông La Văn Nam (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) chia sẻ câu chuyện về vải thiều sau khi được cấp Chỉ dẫn địa lý đã nâng cao giá trị gấp nhiều lần. Trước đây, vải thiều Lục Ngạn chủ yếu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, đến nay sản phẩm đã được xuất khẩu đến 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ... Năm 2008, thu nhập từ vải thiều của huyện Lục Ngạn (khi chưa được cấp Chỉ dẫn địa lý) chỉ ước đạt khoảng 500 tỷ đồng, thì năm 2022 đã đạt trên 3.000 tỷ đồng...

KH&CN phải lấy thực tiễn làm thước đo của thành công

Đến dự Lễ kỷ niệm, lắng nghe chia sẻ của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước đã cống hiến thầm lặng và lao động quên mình cho đất nước trong suốt những năm qua; biểu dương các ngành, các cấp đã ủng hộ, hỗ trợ lực lượng KH&CN hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn xác định phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng cho rằng để thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm một động lực tăng trưởng chủ yếu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện.

Thủ tướng nêu rõ một số quan điểm về phát triển KH&CN. Theo đó, phát triển KH&CN phải phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đặc biệt, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải gắn liền với thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo của sự thành công.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 6 vấn đề chính:

Một là, cần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, tạo sự đột phá trong ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển KH&CN; có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hai là, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước và xã hội cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xác định đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đầu tư cho phát triển; lấy đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cho KH&CN; tạo sự đột phá trong ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công.

Ba là, tạo môi trường học thuật và điều kiện làm việc thuận lợi để sử dụng, trọng dụng và thu hút nhân tài; phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam trong và ngoài nước. Tăng cường thu hút sự tham gia tích cực của các nhà khoa học nhằm giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH&CN phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm môi trường tự do học thuật và tự chủ trong nghiên cứu.

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ KH&CN; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích sự dấn thân, dám đối diện với rủi ro trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Nghiên cứu, áp dụng cơ chế sử dụng nguồn vốn Nhà nước để đầu tư mạo hiểm cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Năm là, các doanh nghiệp cần coi hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; quan tâm, khuyến khích để người lao động không ngừng cải tiến, sáng tạo trong lao động; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và hấp thụ công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.

Sáu là, các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu về KH&CN, các cơ quan truyền thông cần tăng cường thời lượng tuyên truyền về các mô hình hoạt động KH&CN thành công, các sáng kiến hay được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh để khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các ý tưởng, sáng kiến phát triển KH&CN. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quốc gia học tập, quốc gia khởi nghiệp, quốc gia đổi mới sáng tạo.

Nhân dịp này, Thủ tướng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, dấn thân vì khoa học, để niềm đam mê này tiếp tục được trao truyền, lan tỏa sang các thế hệ hôm nay và mai sau. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh đầu tư toàn diện cho phát triển KH&CN, nhất là ở các lĩnh vực mới phục vụ phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường…

MN, Chiêu Dương

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)