Thứ năm, 25/05/2023 11:28

Họ sáng chế: Những quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam và một số khuyến nghị

Nguyễn Hoàng Nam

Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh

Tại Việt Nam, thuật ngữ họ sáng chế hay sáng chế đồng dạng chưa được ghi nhận một cách cụ thể trong hệ thống pháp luật. Thông qua đánh giá những lợi ích trong việc xác định họ sáng chế đối với bảo hộ sáng chế nói riêng và tài sản trí tuệ nói chung, bài viết đưa ra một số kiến nghị liên quan nhằm xây dựng và phát triển họ sáng chế ở nước ta.

Những quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về họ sáng chế

Hiện nay, Việt Nam chỉ sử dụng Bảng phân loại sáng chế quốc tế (IPC)1 để tra cứu các sáng chế quốc tế, tìm ra những bản mô tả sáng chế thích hợp phục vụ cho việc đánh giá sáng chế. Ở nước ta, thuật ngữ họ sáng chế hay sáng chế đồng dạng chưa được quy định cụ thể trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào. Trong thực tế, sáng chế đồng dạng được sử dụng như một công cụ để xác định tính mới, trình độ sáng tạo và tình trạng kỹ thuật của một giải pháp kỹ thuật trong quy trình cấp bằng sáng chế tại Việt Nam.

Việc phân loại họ sáng chế là một hoạt động cần thiết.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 quy định bổ sung tại khoản 3 và 4 Điều 114 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019 có nội dung quy định việc Cục Sở hữu trí tuệ được sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế trùng với sáng chế được yêu cầu bảo hộ do cơ quan sáng chế nước ngoài thực hiện, trong quá trình đánh giá khả năng bảo hộ cho đơn đăng ký sáng chế nộp tại Việt Nam. Theo đó, nếu đơn sáng chế nộp ở Việt Nam có đơn sáng chế đồng dạng được nộp ở nước ngoài, Cục Sở hữu trí tuệ thường dựa trên các kết quả thẩm định của đơn sáng chế ở nước ngoài như một cơ sở quan trọng để xem xét cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho đơn sáng chế nộp tại Việt Nam. Trong trường hợp các đơn sáng chế đồng dạng ở nước ngoài đã được cấp bằng hoặc có thông báo dự định được cấp bằng, thì trong thông báo thẩm định nội dung của đơn sáng chế Việt Nam, người nộp đơn thường được gợi ý bổ sung các kết quả thẩm định của các cơ quan sáng chế nước ngoài hoặc sửa đổi theo đơn sáng chế đồng dạng để đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam sớm được cấp văn bằng bảo hộ.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 cũng có quy định một nội dung mới chi tiết về việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài tại khoản 1 Điều 89a như sau: sáng chế khi được nộp ra nước ngoài phải được kiểm soát an ninh nếu thỏa mãn đồng thời 4 yếu tố: (i) Sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh; (ii) Được tạo ra tại Việt Nam; (iii) Thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam; (iv) Đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam.

Về phí và lệ phí, căn cứ theo biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp khi yêu cầu đăng ký cấp văn bằng bảo hộ sáng chế2, bao gồm: lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng (cho mỗi đơn); phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên: 600.000 đồng (mỗi đơn/yêu cầu); phí công bố đơn: 120.000 đồng (từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 đồng/1 hình); phí công bố thông tin từ trang bản mô tả thứ 7 trở đi: 10.000 đồng/trang; phí thẩm định: 900.000 đồng (cho mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập), trong đó: phí thẩm định hình thức: 20% x 900.000 đồng (mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập), phí thẩm định nội dung: 80% x 900.000 đồng (mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập) và bản mô tả có trên 6 trang, từ trang thứ 7 trở đi phải nộp thêm 40.000 đồng/trang; phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 600.000 đồng (cho mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập); phí phân loại quốc tế về sáng chế: 100.000 đồng/phân nhóm; lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng (cho 1 yêu cầu bảo hộ độc lập, từ yêu cầu bảo hộ độc lập thứ 2 trở đi: 100.000 đồng/1 yêu cầu bảo hộ độc lập); phí công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng (từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 đồng/1 hình); phí đăng bạ quyết định cấp văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng. Có thể thấy, dù là tác giả sáng chế hay chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế thì việc thẩm định, tra cứu và phân loại quốc tế đối với sáng chế tại Việt Nam đều áp dụng quy định thu phí.

Một số kiến nghị cho Việt Nam

Qua những phân tích nêu trên, những lợi ích đối với việc xác định họ sáng chế tại nước ta là vô cùng cần thiết. Sau đây là một số kiến nghị nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về họ sáng chế tại Việt Nam.

Thứ nhất, cần định nghĩa thuật ngữ họ sáng chế hoặc sáng chế đồng dạng trong các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng. Nội dung quy định chi tiết như sau: “Họ sáng chế là tập hợp các sáng chế tại một hoặc nhiều quốc gia có nội dung kỹ thuật giống nhau hoặc tương tự nhau, dựa trên một đơn đăng ký sáng chế duy nhất”.

Thứ hai, cần quy định về phân loại họ sáng chế và nội dung hướng dẫn chi tiết trong các văn bản dưới luật. Họ sáng chế có thể được phân loại thành 2 loại: họ đơn giản và họ mở rộng. Trong đó, họ đơn giản là tập hợp các đơn đăng ký sáng chế có cùng nội dung kỹ thuật hay kết hợp bất kỳ ứng dụng nào có chủ đề phù hợp. Họ mở rộng là tập hợp các đơn đăng ký sáng chế có nội dung kỹ thuật tương tự hay kết hợp bất kỳ ứng dụng nào có chủ đề tương tự, có thể bao gồm các sáng chế khác nhau. Việc phân loại họ sáng chế là một công đoạn cần thiết, nên xem xét quy định thực hiện phân loại họ sáng chế như một điều kiện tiên quyết trong quy trình cấp bằng bảo hộ sáng chế, tránh những rủi ro về việc trùng bằng sáng chế, dẫn đến những tranh chấp về sau.

Thứ ba, pháp luật về sáng chế của quốc gia nên quy định tính thống nhất của sáng chế đối với bất kỳ lĩnh vực đơn xin cấp bằng sáng chế nào thông qua việc xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ. Trong đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về sáng chế cho từng lĩnh vực, từng ngành hay thậm chí là từng đối tượng (nếu cần thiết) để đánh giá một cách tổng quan trong việc cấp bằng sáng chế, tạo cơ sở cho quy trình xác định và phân loại họ sáng chế khi đăng ký bảo hộ sáng chế. Về mặt hình thức, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) trong xây dựng cây phả hệ bằng sáng chế. Bên cạnh đó, dữ liệu này cần thiết phải công bố chính thức trên ít nhất một trang thông tin điện tử như: Trang thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ...

Thứ tư, xem xét đến việc hỗ trợ chi phí dịch thuật trong các đơn đăng ký sáng chế có xác định họ sáng chế và miễn các khoản phí, lệ phí trong việc thẩm định, tra cứu và phân loại quốc tế về họ sáng chế đối với tác giả sáng chế hay chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế. Điều này sẽ hỗ trợ và tạo động lực cho những tác giả sáng chế tiếp tục phát triển tính sáng tạo trong các giải pháp kỹ thuật về sáng chế nói riêng và tài sản trí tuệ nói chung, cũng như thúc đẩy chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế tích cực trong việc phân loại và xác định họ sáng chế khi đăng ký bảo hộ sáng chế.

Thứ năm, việc xác định họ sáng chế nên bắt đầu ngay từ thời điểm nộp đơn yêu cầu, không chỉ dừng lại ở bước mô tả nội dung thông tin đơn thuần. Ngoài ra, quy định chi tiết về thẩm quyền của cơ quan được trao quyền quản lý và xác định họ sáng chế. Tập trung vào 2 vấn đề chính: nhấn mạnh việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách trong quá trình xây dựng dữ liệu, có quyền yêu cầu cung cấp dữ liệu sáng chế và dữ liệu liên quan đến đánh giá sáng chế trong các trường hợp cần thiết. Chịu trách nhiệm xác định họ sáng chế theo đúng quy trình pháp luật, đảm bảo quản lý dữ liệu trên cơ sở thống nhất, công khai, minh bạch.

 

1Thỏa ước về phân loại sáng chế quốc tế được ký kết ngày 24/03/1971. Bảng phân loại sáng chế quốc tế IPC gồm có 8 phần, từ phần A đến H và được Hội đồng chuyên gia về IPC tiến hành sửa đổi thường kỳ, có hiệu lực mới vào ngày 1/1 hằng năm.

 

2Thông tư 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)