Thứ sáu, 28/10/2022 15:19

Giải pháp giảm thiểu tác động của ngành nuôi trồng thủy sản đối với môi trường và đa dạng sinh học

PGS.TS Nguyễn Thị Nga

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Trong gần hai thập kỷ gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào gia tăng tổng giá trị xuất khẩu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ven biển. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh cũng đồng thời gây nhiều áp lực lên môi trường, hệ sinh thái và đa dạng sinh học (ĐDSH).

Tác động của NTTS đến môi trường và ĐDSH

NTTS tại Việt Nam được phát triển ở cả 3 môi trường nước: ngọt, lợ và mặn, với sự đa dạng về các đối tượng nuôi, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực quan trọng như cá tra, tôm nước lợ và một số đối tượng khác như cá rô phi, cá biển và nhuyễn thể (nghêu, sò huyết…). Khu vực phía Bắc phổ biến bởi các hệ thống nuôi cá nước ngọt kết hợp bán thâm canh/thâm canh (nhóm cá chép, rô phi); nuôi kết hợp cá-lúa và nuôi cá biển lồng bè. Khu vực miền Trung phổ biến với hệ thống nuôi thâm canh tôm nước lợ, cá biển lồng bè và tôm hùm. Vùng Nam bộ, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng NTTS trọng điểm quốc gia với sự đa dạng cả về các hệ thống nuôi (chuyên canh, kết hợp), phương thức nuôi và loài nuôi.

Trong bối cảnh gia tăng dân số tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu, ngành NTTS đóng góp trực tiếp quan trọng nhất đối với bảo tồn ĐDSH nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm thủy sản, giảm áp lực lên khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Ngoài ra, NTTS cũng góp phần bổ sung quần đàn đã hoặc có nguy cơ cạn kiệt, thay thế các hệ thống canh tác kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát triển NTTS nhanh chóng, cả việc mở rộng diện tích nuôi và mức độ thâm canh ngày càng cao, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, suy thoái hệ sinh thái, gián tiếp làm mất ĐDSH ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Các yếu tố trực tiếp dẫn đến các vấn đề này bao gồm: lựa chọn địa điểm không phù hợp, sử dụng không hợp lý các yếu tố đầu vào trong NTTS (hóa chất, thức ăn, con giống...), quản lý chất thải kém, trong khi đó các yếu tố gián tiếp được xác định như mở rộng thị trường với những yêu cầu khá thấp về chất lượng hoặc trách nhiệm với môi trường, không có sự chênh lệch về giá của “sản phẩm sinh thái” với “sản phẩm thông thường”, nhu cầu cao do gia tăng dân số, thách thức trong quản lý do quy mô NTTS nhỏ, chi phí và rủi ro cao...

Có thể thấy, các áp lực chính của chuỗi cũng ứng NTTS đến ĐDSH làm nguy cơ bùng phát, lan truyền dịch bệnh; nước thải, bùn thải, rác thải nhựa, dầu và diesel từ các hoạt động NTTS và các hoạt động khác liên quan (bảo quản, sơ chế, chế biến..). Cụ thể, ước tính hàng năm sản xuất NTTS nội đồng thải ra khoảng 2.875 tấn rác thải nhựa, trong đó 138,75 tấn (chiếm 4,83%) thải ra đại dương. Đối với hoạt động nuôi cá lồng trên biển, hàng năm thải ra khoảng 2.588 tấn rác thải nhựa, trong đó thải ra biển khoảng 134,86 tấn (chiếm 5,21%). Đối với nuôi tôm nước lợ, việc sử dụng bạt lót đang dần trở nên phổ biến. Chỉ tính riêng nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi năm ước tính phát sinh khoảng 314.470 tấn rác thải nhựa, trong đó lượng rác thải từ bạt lót khoảng 164.644,2 tấn (chiếm trên 50% tổng lượng rác thải nhựa phát sinh).

Ngoài ra, NTTS ở Việt Nam có đặc điểm quy mô nhỏ, chủ yếu là sản xuất hộ gia đình; nhận thức và sự tuân thủ các quy định quản lý, quy hoạch trong NTTS của người nuôi còn những hạn chế. Điều này đã dẫn đến thách thức, khó khăn trong việc quản lý ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản. Sản xuất quy mô nhỏ và thiếu liên kết dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế. Với đặc thù quy mô nhỏ, hộ gia đình nên khả năng đầu tư tài chính để nâng cấp công nghệ, quy trình nuôi đồng bộ theo hướng thân thiện môi trường cũng bị hạn chế.

 

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trong đó có hệ thống thủy lợi và hệ thống xử lý nước thải cũng là một trong những hạn chế lớn đối với phát triển và quản lý NTTS. Hầu hết các hệ thống thủy lợi hiện đang phục vụ NTTS, đặc biệt là ở các vùng ven biển, trước đây được thiết kế để phát triển nông nghiệp (chủ yếu để phát triển lúa gạo); khi chuyển sang NTTS, hệ thống thủy lợi này không còn phù hợp. Ở một số khu vực, có sự xung đột về nguồn nước giữa NTTS và nông nghiệp. Hầu hết các vùng nuôi thương phẩm, sản xuất giống hiện nay chưa có hệ thống cấp thoát nước riêng. Hệ thống xử lý nước thải hầu như không có. Do đó, rủi ro về ô nhiễm môi trường, sự xuất hiện và lây lan dịch bệnh tăng lên khi mức độ thâm canh của hoạt động NTTS tăng. Bên cạnh đó, tính ổn định của quy hoạch NTTS ở các tỉnh còn hạn chế. Ở nhiều khu vực có lợi thế phát triển NTTS, các trang trại NTTS/trại sản xuất giống đang bị cạnh tranh bởi các khu du lịch/khu nghỉ dưỡng.

Các giải pháp nhằm giảm tác động đến ĐDSH

Để đạt được các mục tiêu kép vừa tăng trưởng kinh tế vừa bảo tồn ĐDSH trong phát triển NTTS tại Việt Nam, trong thời gian tới Việt Nam cần:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong tạo ra đầu vào (giống, thuốc hóa, chất, vi sinh, thức ăn…) đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng tới ĐDSH đồng thời quản lý hiệu quả việc sử dụng các đầu vào này để đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả, hợp lý… Phát triển NTTS gắn với quản lý thực hiện hiệu quả quy hoạch, phù hợp với sức tải môi trường. Từng bước phát triển các vùng nuôi tập trung, công nghệ cao gắn với đầu tư hạ tầng đồng bộ để phát triển hiệu quả vùng nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác quản lý NTTS (cấp mã số vùng nuôi, quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh,…); quản lý, giám sát chặt chẽ BVMT (đặc biệt đối với các hoạt động xả liên quan tạo ra bùn thải, nước thải, rác thải) trong phát triển sản xuất thủy sản; xây dựng và thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm tác động xấu tới môi trường và hệ sinh thái. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền và triển khai các mô hình sản xuất gắn với giảm sức ép lên ĐDSH cụ thể phù hợp với đặc thù hoạt động của từng nhóm chủ thể trong chuỗi giá trị của từng nhóm đối tượng nuôi có các hoạt động tiềm ẩn tác động đến môi trường và ĐDSH.

Thứ ba, phát triển các mô hình nuôi/tiến bộ công nghệ nuôi sử dụng hiệu quả, hợp lý nguyên liệu/tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, ít tác động đến môi trường, ĐDSH, các mô hình nuôi sinh thái, hữu cơ, thân thiện với môi trường, tái sử dụng đầu vào/dinh dưỡng trong quá nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt chú ý đẩy mạnh chuyển đổi áp dụng các mô hình, tiến bộ công nghệ đem lại hiệu quả nuôi, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (mô hình nuôi nhiều giai đoạn, mô hình nuôi sử dụng vi khuẩn có lợi, nuôi tuần hoàn, nuôi tôm rừng ngập mặn, nuôi tôm lúa cải tiến, nuôi cá lồng công nghệ cao, nuôi cá tra theo mô hình tuần hoàn, không thay nước…).

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển NTTS đáp ứng các tiêu chuẩn, chứng nhận hướng tới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, ĐDSH và các phúc lợi khác. Sử dụng các phụ phẩm từ sản phẩm thủy sản để sản xuất xuất các sản phẩm có giá trị cao, nhằm nâng cao hiệu quả đồng thời giảm phát thải chất gây ô nhiễm tới môi trường. Phát triển chuỗi giá trị để tăng cường hiệu quả hoạt động trong chuỗi, nâng cao sức cạnh tranh và tiếp cận tốt hơn các thị trường tiêu thụ (trong đó chú trọng nâng cao nhận thức và ý nghĩa, trách nhiệm của các bên có liên quan, xác định cơ chế và chế tài đảm bảo liên kết, các cơ quan quản lý làm tốt hơn nữa vai trò trung gian,…); đẩy mạnh phát triển năng lực của các hợp tác xã và hệ thống logistic để hỗ trợ sự phát triển bền vững của các bên liên quan trong chuỗi; hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu quy mô lớn, tập trung tại các vùng có điều kiện thuận lợi có thể tích tụ ruộng đất để kêu gọi xã hội hóa đầu tư tư các doanh nghiệp lớn nhằm tạo thuận lợi cho áp dụng hiệu quả tiến bộ công nghệ và quản lý về môi trường.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)