Bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Trên đà phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ số, việc sản xuất các thiết bị internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, học máy, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và các trang mạng xã hội đang hàng ngày, hàng giờ thay đổi thế giới mà chúng ta đang sống khiến thực tế xã hội ngày càng phức tạp. Sự thay đổi này dẫn đến việc các cá nhân tương tác với nhau, hay nói cách khác, các mối quan hệ giữa con người với con người trong hoạt động giao tiếp đời thực có xu hướng giảm và gia tăng các hoạt động giao tiếp ảo. Không những vậy, con người chủ yếu tương tác với các máy móc, thiết bị mà quên đi những gì đang diễn ra thực xung quanh mình.
Bối cảnh ứng dụng công nghệ số đã giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới cho phép gia tăng hiệu quả cuộc sống cá nhân của chúng ta trong vai trò là người tiêu dùng, với chi phí gần như bằng không. Hầu hết các công việc giờ đây đều có thể được thực hiện từ xa, chẳng hạn như gọi taxi, tìm kiếm chuyến bay, mua sản phẩm, thực hiện thanh toán, nghe nhạc hay xem phim... Nhìn chung, internet, điện thoại thông minh và hàng ngàn ứng dụng đã và đang làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Hiện nay, một thiết bị đơn giản như chiếc máy tính bảng dùng để đọc sách, lướt web và giao tiếp, sở hữu khả năng xử lý tương đương 5.000 máy tính để bàn của 30 năm trước, trong khi chi phí lưu trữ thông tin rất rẻ so với trước đây (chi phí lưu trữ 1GB hiện nay trung bình ở mức dưới 0,03 đô la mỗi năm, so với hơn 10.000 USD thời điểm cách đây 20 năm).
Nhìn một cách tổng thể, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số là cơ hội cho Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu. Nói về cách mạng chính là nói về sự thay đổi mạnh mẽ để kiến tạo tương lai, mà thanh niên chính là tương lai và tương lai là để cho thanh niên. Trong cuộc Cách mạng này, thanh niên vừa là chủ thể vừa là đối tượng chính thụ hưởng các thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số. Chuyển đổi số là cơ hội cho thanh niên tham gia tích cực vào việc kiến tạo ra một môi trường sống và làm việc mới, đồng thời xây dựng một tương lai tốt đẹp cho bản thân, gia đình và đất nước.
Vấn đề ứng dụng chuyển đổi số của thanh niên trong bối cảnh hiện nay
Bối cảnh số hóa việc sử dụng các công nghệ số của đối tượng thanh niên tạo ra một thế giới mà ở trong đó, các hệ thống sản xuất ảo và vật lý trên toàn cầu có thể liên kết với nhau một cách linh hoạt. Đây là sự dung hợp giữa các ứng dụng công nghệ và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học khác với những sự thay đổi về công nghệ thông tin trước đó. Điều này cho phép chúng ta kết nối internet đối với tất cả mọi thứ như sử dụng điện thoại thông minh có thể biết được tình hình diễn ra ở nhà, ở trường học của con cái… thông qua kết nối internet với thiết bị camera.
Ở Việt Nam, thanh niên là lực lượng lao động lớn của xã hội và là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lực lượng thanh niên có vị trí to lớn trong các hoạt động sản xuất, nghề nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh mới khi các ứng dụng công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ thì sự tham gia của lực lượng thanh niên lại càng cần thiết và quan trọng hơn cả. Thanh niên được đánh giá là lực lượng nòng cốt và đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất và đời sống, nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện sống cho đại bộ phận các tầng lớp xã hội trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ hiện nay.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhóm dân số sử dụng internet nhiều nhất là trong độ tuổi từ 20-24 tuổi (chiếm hơn ¼ dân số), đa số nhóm sử dụng đều là thanh niên… Tỷ lệ thanh niên theo giới tính sử dụng Internet tương đối cân bằng ở nhóm tuổi từ 15-19 tuổi, nhưng khi tuổi càng cao thì tỷ lệ nữ thanh niên dùng internet càng giảm. Theo một báo cáo của Data Reportal1, Việt Nam có số lượng người sử dụng internet ngày càng tăng, tính đến hết tháng 1 năm 2022, đã có hơn 73,1 triệu người sử dụng, tương đương với khoảng 73,2% tổng dân số và đứng đầu các nước ASEAN về số lượng người dùng internet. Trong đó, gần 2/3 số người sử dụng internet tại các thành phố lớn ở độ tuổi dưới 30 tuổi.
Có thể thấy, ở Việt Nam, số lượng người sử dụng internet trong độ tuổi thanh niên là nhiều hơn cả. Bởi lẽ nhóm tuổi thanh niên có khả năng tiếp cận các công nghệ mới, các thông tin mới trên mạng internet nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác. Theo Phạm Hồng Tung (2008), thanh niên là thế hệ của những người trẻ tuổi, là sản phẩm đích thực của thời đại mà họ đang sống. Họ là lớp người vô cùng năng động, không bị động mà luôn luôn chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị hành trang cho tương lai của bản thân mình và của quốc gia - dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập hóa, thanh niên thường có xu hướng thử nghiệm nhiều khả năng, nhiều lựa chọn, ngay cả khi họ còn chưa được chuẩn bị đủ tốt cho những thử nghiệm đó.
Việt Nam hiện có gần 160 trường có đào tạo chuyên ngành về công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hàng năm, số sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm chuyên môn này vào khoảng 50.000 người. Nếu tính cả bậc đào tạo nghề ở cao đẳng, trung cấp thì con số này hơn 62.000 người. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%). Để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được không ít hơn 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay. Không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo lại chưa theo kịp. Về khía cạnh ứng dụng công nghệ số trong việc làm, xã hội phải hiểu được 2 ảnh hưởng cạnh tranh của công nghệ số đối với việc làm như sau: 1) có một hiệu ứng phá hoại như sự kích thích do công nghệ gây ra và tự động thay thế vốn cho lao động, buộc người lao động phải thất nghiệp hoặc tái phân bổ kỹ năng của họ ở nơi khác; 2) hiệu ứng phá hoại này được đi kèm với hiệu quả vốn hóa, trong đó nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ mới tăng lên và dẫn đến việc tạo ra các nghề mới, các doanh nghiệp và thậm chí cả các ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một đất nước với dân số tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp cao, nhiều thanh niên nông thôn đã nhanh chóng bắt nhịp với thời đại, tập trung vào việc nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới có ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất. Điển hình như dự án “Nông trại cờ đỏ”. Đây là dự án sử dụng men vi sinh cải tạo đất, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu để sản xuất lúa sinh thái đạt tiêu chuẩn chất lượng. Lúa giống và quy trình sản xuất mới không chỉ giúp giảm rủi ro cho người sản xuất, nâng cao hiệu quả năng suất cây trồng mà còn hướng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Cuộc cách mạng kỹ thuật số mở ra nhiều cơ hội việc làm hàng đầu cho một số lao động nhưng cũng đặt ra thách thức cho bộ phận còn lại nếu không bắt kịp xu thế mới. Thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để nắm bắt, định vị và hoà mình được vào một không gian kinh tế - xã hội mới, đã và đang được tạo ra bởi bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định, sự phát triển của khoa học và công nghệ sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người sống, làm việc và giao tiếp với nhau. Thế giới định nghĩa cơ sở hạ tầng thay đổi bao gồm thông tin, internet, các phương thức vận chuyển mới, máy bay không người lái và các mô hình nhà ở mới. Chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế là tài năng, bí quyết, kỹ năng và năng lực của con người - vốn con người của xã hội. Và đội ngũ thanh niên chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa bước vào quá trình chuyển đổi số của một quốc gia, dân tộc.
*
* *
Có thể nói, thanh niên vừa là lực lượng đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, vừa là lực lượng dẫn dắt người dân tham gia vào các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó hình thành các hoạt động số thay đổi cách thức con người làm việc và tương tác với nhau. Chính vì vậy, việc nhận định rõ vấn đề này, vận dụng và điều chỉnh linh hoạt để mang lại các tác động tích cực cho hoạt động sản xuất cũng như hoạt động trong đời sống của người dân là việc làm cần thiết. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số nhằm phục vụ cho việc định hướng các hoạt động về công nghệ số trong thời gian sắp tới.
1 Cổng thông tin của Công ty tư vấn chiến lược Kepios, có trụ sở chính tại Singapore.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://socialeurope.eu/here-are-the-new-social-risks-of-the-fourth-industrial-revolution.
2. Klaus Schwab (2016), The fourth industrial revolution, Portfolio Penguin.
3. https://thanhnien.vn/chuyen-doi-so-gap-kho-vi-thieu-nhan-luc-chuyen-mon-post1452958.html.
4. Phạm Hồng Tung (2008), "Văn hóa và lối sống của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế: một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận", Tạp chí Khoa học đại học quốc gia Hà Nội, Khoa học xã hội và nhân văn, 24, pp.148-156.
5. World Economic Forum (2016), Values and the Fourth Industrial Revolution Connecting the Dots Between Value, Values, Profit and Purpose.