Bất cập trong việc thanh toán điện tử liên ngân hàng
Trong xu thế phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin và thanh toán, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) của Việt Nam mặc dù đã được nâng cấp thường xuyên về công nghệ nhưng căn bản thiết kế vẫn dựa trên nền tảng công nghệ của những năm 2000 nên không tránh khỏi một số tồn tại, hạn chế sau:
Vấn đề thời gian thanh toán end-to-end: hệ thống IBPS của Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý, vận hành hiện nay được thiết kế để kết nối rộng khắp tới đầu cuối là toàn bộ các ngân hàng trên cả nước. Hàng ngày, hệ thống xử lý trung bình 600.000 lệnh thanh toán với giá trị khoảng 500.000 tỷ đồng, thời gian xử lý trung bình khoảng 30 giây/giao dịch đối với giao dịch giá trị thấp và 10 giây/giao dịch đối với giao dịch giá trị cao (tính từ khi trung tâm xử lý nhận được yêu cầu thanh toán tới khi trả ra kết quả). Với tốc độ xử lý này, về lý thuyết, hệ thống có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu về tốc độ giao dịch liên ngân hàng. Tuy nhiên, do quy trình xử lý từ hệ thống IBPS đế ngân hàng không cho phép kết nối trực tiếp đến khách hàng của ngân hàng nên trên thực tế thời gian từ khi người gửi ra lệnh chuyển tiền cho đến khi người nhận nhận được tiền trên tài khoản có thể kéo dài 5-40 phút. Trong đó, thời gian xử lý tại ngân hàng gửi dao động 1-2 phút và thời gian xử lý tại ngân hàng nhận khoảng 1-40 phút. Hiện tại, cũng chưa có một cơ chế nào để liên kết cung cấp đầy đủ thông tin về các tình trạng xử lý của giao dịch từ người gửi đến người nhận.
Vấn đề về tính sẵn sàng cao: hầu hết các hệ thống trên toàn thế giới đều được thiết kế, vận hành trên cơ sở hạ tầng tập trung. Kiến trúc này có điểm yếu là các hoạt động chính đều phụ thuộc vào trung tâm xử lý. IBPS của Việt Nam hiện tại cũng được thiết kế theo nguyên tắc tất cả các giao dịch đều thông qua trung tâm xử lý. Với thiết kế này, vì lý do nào đó nếu trung tâm xử lý không thể vận hành thì toàn bộ các giao dịch sẽ bị ách tắc. Mặc dù các tổ chức vận hành trên thế giới đã có nhiều biện pháp để hạn chế rủi ro này như tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm các sự cố tiềm tàng hay xây dựng các trung tâm dự phòng nhưng cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các sự cố có thể làm ngừng hoạt động của các hệ thống thanh toán.
Vấn đề nghẽn cổ chai: một trong các khó khăn của các hệ thống IBPS là khối lượng và giá trị thanh toán cao tập trung trên một số ít tài khoản. Để giải quyết có thể áp dụng cơ chế hàng đợi và bù trừ, tuy nhiên cơ chế này cũng có những hạn chế về tính liền mạch do bộ đệm của hàng đợi.
Chìa khóa để các ngân hàng chuyển đổi số
Hiện nay, làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đem đến nhiều công nghệ mang tính đột phá trong phần lớn các lĩnh vực. Blockchain là một trong những công nghệ tiên phong, được coi là “chìa khóa” trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin cho tương lai. Ứng dụng tiêu biểu nhất của công nghệ Blockchain là xây dựng nền tảng thanh toán phi tập trung nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật thông qua việc sử dụng sổ cái phân tán mã hóa. Công nghệ Blockchain đầu tiên được sử dụng hỗ trợ cho đồng tiền số Bitcoin, tuy nhiên theo thời gian thì tiềm năng của công nghệ này ngày càng được khám phá nhiều hơn và phạm vi ứng dụng phát triển vượt ra ngoài biên giới của tiền kỹ thuật số.
Nối tiếp internet và công nghệ điện toán đám mây, Blockchain được cho là một công cụ tiếp theo giúp các doanh nghiệp xóa bỏ nhiều rào cản để giao dịch nhanh hơn, giảm chi phí. Lợi thế lớn nhất của Blockchain là giúp các bên tham gia một giao dịch không cần phải tin tưởng nhau mà mọi thứ vẫn trơn tru, bảo đảm bảo mật, không có nguy cơ lừa đảo hay tội phạm tài chính. Sự khác biệt của blockchain so với những công nghệ bảo mật, lưu trữ thông thường là nó không tồn tại ở một địa điểm cụ thể. Dữ liệu sẽ được Blockchain phân tán trên hàng nghìn máy tính khắp thế giới. Khi cần khai thác và sử dụng dữ liệu, người dùng thông qua các thuật toán phức tạp và quá trình mã hóa có sự tham gia đồng bộ của nhiều máy tính sẽ nhóm các bản ghi số hóa thành từng chuỗi khối.
Bên cạnh đó, Blockchain cũng được xem là hình thức lưu trữ minh bạch tuyệt đối. Mọi thành phần tham gia lưu trữ đều có quyền truy cập phiên bản đầy đủ. Dữ liệu một khi đã được cập nhật, nó không thể bị thay đổi hoặc xáo trộn mà chỉ có thể bổ sung và quá trình cập nhật diễn ra đồng thời trên tất cả máy tính trong mạng lưới. Nếu các dữ liệu gốc về giao dịch được thay đổi sau khi mã hóa thì chỉ cần có một chữ ký điện tử khác để nhắc nhở toàn mạng lưới về nội dung cần sửa.
Với bản chất phân tán của dữ liệu theo chuỗi khối, các hacker rất khó có thể truy cập tất cả phiên bản cùng lúc do quá trình mã hóa chỉ diễn ra một chiều. Dữ liệu như "cuộn chỉ rối" không thể bị giải mã ngược thành dữ liệu ban đầu. Nhờ vậy, Blockchain bảo đảm độ an toàn và tính riêng tư gần như tuyệt đối, việc đánh sập hệ thống công nghệ Blockchain là điều cực kỳ khó thực hiện. Mặt khác, một đặc thù của các ngân hàng là những quy trình thường bị chậm do phải chờ hoạt động kiểm tra của bên thứ ba. Nhưng khi được ứng dụng, blockchain loại bỏ yêu cầu sử dụng của một tổ chức trung gian nên sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ thanh toán, hạ thấp chi phí trong các giao dịch. Thay vì phải đợi nhiều ngày để thanh toán một tấm séc, một khoản thanh toán, blockchain cho phép kiểm tra, xác thực tấm séc, tài khoản đó trong vòng vài giây. Do đó, sẽ không còn tình trạng "tạm ứng trước" bởi các khoản ghi có và ghi nợ vào tài khoản là tức thời.
Từ thực tiễn trên cho thấy, việc áp dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang là xu thế phát triển mạnh trên thế giới, thu hút được sự quan tâm lớn từ phía các tổ chức tài chính, công ty Fintech, công ty khởi nghiệp… cùng tham gia.
Trong thời gian tới, công nghệ blockchain có thể được ứng dụng vào nhiều hoạt động khác nhau trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như: thanh toán và chuyển tiền; tài trợ thương mại, bao thanh toán; tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành; giao dịch ngoại hối; giao dịch chứng khoán; bảo hiểm; các dịch vụ hỗ trợ khác (nhận biết khách hàng, phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố).
Tại thị trường Việt Nam, hiện chưa có tổ chức tài chính ngân hàng nào công bố công khai chính thức áp dụng công nghệ blockchain cho kinh doanh, hoạt động nghiệp vụ. Tuy nhiên, không nằm ngoài xu thế của thế giới, một số ngân hàng đã và đang có những nghiên cứu ban đầu đối với công nghệ này, hứa hẹn khả năng áp dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực ngân hàng tại thị trường Việt Nam trong tương lai gần.
Công Hùng