Thứ năm, 20/10/2022 10:35

Chỉ số công khai ngân sách bộ và cơ quan Trung ương 2021: Có sự cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp đáng quan ngại

Ngày 18/10/2022, hai tổ chức thành viên của Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã tổ chức công bố Chỉ số công khai ngân sách bộ và cơ quan Trung ương 2021 (MOBI 2021). Kết quả khảo sát MOBI 2021 cho thấy, chỉ số này có sự cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp đáng quan ngại.

Kết quả khảo sát MOBI 2021

MOBI 2021 đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 bộ, cơ quan Trung ương (gọi chung là cơ quan); trong đó có 38 cơ quan là đơn vị dự toán và 6 cơ quan được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ. Trong kỳ đánh giá năm 2021, MOBI tiếp tục khảo sát mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của các đơn vị theo Luật NSNN 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và Thông tư 90/2018/TTBTC ngày 28/9/2018 sửa đổi Thông tư 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017.

Kết quả khảo sát MOBI 2021 cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các cơ quan dù có sự cải thiện so với những năm trước đó, nhưng vẫn ở mức thấp đáng quan ngại. Cụ thể, điểm số trung bình MOBI 2021 chỉ đạt 30,9/100 điểm, tăng 9,26 điểm so với MOBI 2020. Trong xếp hạng MOBI 2021, Bộ Tài chính vẫn là đơn vị có thứ hạng cao nhất với 76,16 điểm quy đổi và là đơn vị duy nhất xếp hạng công khai ở mức đầy đủ. Xếp thứ hai là Đài Truyền hình Việt Nam với 72,09 điểm, thứ ba là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 59,09 điểm.

Về tính sẵn có, kết quả khảo sát cho thấy các cơ quan công khai chưa đầy đủ các tài liệu ngân sách theo quy định. Có 30/44 cơ quan trong kỳ khảo sát MOBI 2021 công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách (chiếm 68,2%), tăng 3 đơn vị so với kỳ khảo sát 2020. Tại thời điểm 31/3/2022, có 14 cơ quan (tương đương với 31,8%) không công khai bất cứ tài liệu ngân sách nào trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Về tính kịp thời, nhìn chung có sự cải thiện nhẹ nhưng không đáng kể, các cơ quan chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định. Trong số 23 cơ quan có công bố tài liệu về dự toán ngân sách năm 2022, chỉ có 7 cơ quan công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/12/2020. Đối với tài liệu về quyết toán ngân sách năm 2020, có 12/20 cơ quan có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định. Không có cơ quan nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2021.

Tính thuận tiện, có 33/44 cơ quan có điểm về tính thuận tiện (tương đương với 75%), tăng 1 đơn vị so với khảo sát MOBI 2020. Định dạng của các tài liệu ngân sách được công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của đơn vị chủ yếu dưới dạng pdf hoặc scan ảnh, do vậy còn hạn chế cho người dân đọc và sử dụng thông tin ngân sách từ các định dạng tài liệu này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Dân tộc là những đơn vị công khai các tài liệu có định dạng excel, dễ dàng trong việc tiếp cận và sử dụng tài liệu.

Về tính đầy đủ, kết quả khảo sát MOBI 2021 cho thấy, các tài liệu ngân sách được công khai chưa đầy đủ theo hướng dẫn của Thông tư 90/2018/TT-BTC, còn thiếu báo cáo thuyết minh hoặc không đầy đủ nội dung của các bảng biểu. Trong số 30 cơ quan có công khai ít nhất 1 trong 6 tài liệu ngân sách, Bộ Tài chính, Đài Truyền hình Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là những đơn vị dẫn đầu về tính đầy đủ của các tài liệu ngân sách.

Kết quả khảo sát MOBI 2021 cho thấy, các cơ quan cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện đúng quy định công khai ngân sách theo như Luật NSNN 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Phát biểu tại buổi công bố MOBI 2021, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - đại diện nhóm nghiên cứu nhận định: “Việc sau gần một thập niên thực hiện Luật NSNN mới, các cơ quan vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai ngân sách theo tinh thần của Luật NSNN 2015 và hướng dẫn của Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính là một thực tế đáng lo ngại trong quản trị nhà nước. Như kết quả MOBI 2021 đã chỉ ra, vào thời điểm khảo sát gần nhất (31/3/2022), có tới 14/44 đơn vị không công khai bất cứ một tài liệu nào theo quy định của pháp luật. Các đơn vị có công khai thì đại đa số mức độ còn sơ sài, không đầy đủ. Mức điểm trung bình của MOBI 2021 chỉ đạt 30,9 tiếp tục gây thất vọng. Thử so sánh với việc công khai ngân sách của địa phương, thì các cơ quan trung ương đã đi sau rất nhiều…”.

Khuyến nghị

Từ kết quả khảo sát của MOBI 2021, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị đối với các cơ quan, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước.

Đối với các cơ quan

Kết quả khảo sát cho thấy nhiều cơ quan chưa nghiêm túc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về công khai tài liệu về ngân sách. Để đảm bảo mức độ sẵn có, kịp thời, thuận tiện, đầy đủ của các tài liệu ngân sách, các cơ quan cần thực hiện các khuyến nghị sau: 1) công khai kịp thời các loại tài liệu ngân sách trong chuyên mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của mình như quy định tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư số 90/2018/TT-BTC; 2) các tài liệu ngân sách cần công khai đầy đủ nội dung, tối thiểu theo đúng bảng biểu như quy định tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư số 90/2018/TTBTC; 3) công khai bổ sung các tài liệu ngân sách dưới các định dạng dễ tiếp cận và sử dụng như Word, Excel; 4) các tài liệu ngân sách cần được công khai kèm theo quyết định công bố công khai thông tin của cơ quan có thẩm quyền và công khai kèm theo báo cáo thuyết minh; 5) các cơ quan cần duy trì việc công khai ngân sách liên tục và thường xuyên, tránh việc công khai tài liệu mới nhưng lại rút đi các tài liệu công khai ngân sách của những năm trước.

Đối với Quốc hội

Từ kết quả khảo sát của MOBI 2021, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị với Quốc hội như sau: 1) cân nhắc bổ sung nội dung giám sát tình hình thực hiện công khai ngân sách của các cơ quan vào chương trình hoạt động giám sát hàng năm của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; 2) cần xem xét hoạt động công khai NSNN của các cơ quan như một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động của các cơ quan đó; 3) Luật NSNN năm 2015 chưa quy định chế tài xử lý khi các đơn vị sử dụng ngân sách không thực hiện công khai ngân sách như quy định tại Điều 15 của Luật, do vậy, Quốc hội cần xem xét bổ sung chế tài xử lý các vi phạm về thực hiện công khai ngân sách theo quy định của pháp luật.

Đối với Chính phủ

Chính phủ cần thúc đẩy các cơ quan thực hiện công khai ngân sách theo quy định của pháp luật và ban hành chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện công khai NSNN. Chính phủ cần áp dụng biện pháp đánh giá tình hình thi hành pháp luật về công khai ngân sách và báo cáo với Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định pháp luật.

Đối với Bộ Tài chính

Đối với Bộ Tài chính, khuyến nghị được đưa ra là: 1) cần có hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn công khai một số loại tài liệu ngân sách của các cơ quan như dự toán NSNN, quyết toán NSNN và báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm theo quy định của Luật NSNN năm 2015; 2) tiếp tục rà soát và điều chỉnh lại hướng dẫn về các thông tin và định dạng tài liệu cần công khai tại Thông tư 90/2018/TT-BTC; 3) chủ động truyền thông rõ ràng về việc công khai các tài liệu thông tin về ngân sách và quá trình xây dựng ngân sách của các cơ quan để người dân có thể theo dõi thông tin và tham gia trong quá trình ngân sách; 4) cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngay hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách cho các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản như quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 1 của Thông tư 61/2017/TT-BTC để các cơ quan công khai kịp thời các thông tin này; 5) Bộ Tài chính sử dụng kết quả MOBI 2021 để thúc đẩy các cơ quan thực hiện công khai ngân sách như kinh nghiệm của Bộ trong quá trình sử dụng kết quả POBI để thúc đẩy các tỉnh, thành phố công khai ngân sách theo quy định của Luật NSNN 2015.

Đối với Kiểm toán Nhà nước

Kiểm toán việc tuân thủ các quy định hiện hành về công khai, minh bạch ngân sách của các đơn vị được kiểm toán là nội dung, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 32 của Luật Kiểm toán Nhà nước và Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước số 400 (CMKTNN 400) về các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tuân thủ. Do vậy, Kiểm toán Nhà nước cần đưa nội dung công khai minh bạch về tài liệu ngân sách của các cơ quan vào nội dung kiểm toán tuân thủ.

Vũ Hưng

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)