Tiêu chí hội nhập của các tạp chí từ kết quả khảo sát các chuyên gia
Hiện nay, tạp chí khoa học của những quốc gia phát triển đều hướng tới các chuẩn mực được nhiều người thừa nhận. Tạp chí được gọi là tạp chí chuẩn quốc tế hay tạp chí quốc tế là tạp chí được trích dẫn trong các cơ sở dữ liệu (CSDL) KH&CN uy tín, bao gồm CSDL của Clarivate Analytics - trước đây thuộc sở hữu của Thomson Reuters (Web of Science - thường gọi là ISI) và Scopus. Web of Science là một sản phẩm của Thomson Reuters, công cụ mạnh và đầy đủ để tìm kiếm, theo dõi, đo lường và hợp tác trong khoa học [1]. Tạp chí đạt bộ tiêu chuẩn của Web of Science sẽ được liệt kê vào danh mục Master Journal List [2]. Sau đó, tạp chí sẽ được chọn tiếp vào các CSDL của Web of Science Core Collection và/hoặc một số CSDL liên kết với Web of Science khác như Biological Abstract [3], Zoological Record [4]…
Tạp chí được gọi là tạp chí chuẩn quốc tế hay tạp chí quốc tế là tạp chí được trích dẫn trong các CSDL KH&CN uy tín.
Scopus cũng là một nguồn dữ liệu uy tín đối với các nghiên cứu khoa học. Đối với Scopus, các tạp chí mới liên tục được thẩm định để được đưa vào CSDL [1]. Nhằm đảm bảo chính sách, nội dung minh bạch và rộng mở, Hội đồng cố vấn, thẩm định nội dung của Scopus (Content Selection and Advisory Board - CSAB) được thành lập năm 2005, bao gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý thư viện chuyên ngành từ mọi ngành khoa học, vùng lãnh thổ. Chức năng chính của Hội đồng này là hỗ trợ ban lãnh đạo Scopus trong tuyển chọn, thẩm định nội dung và xây dựng chiến lược. Scopus sử dụng hệ thống tính điểm STEP nhằm thẩm định các tạp chí khoa học dựa trên 5 tiêu chí chính [5]: 1) Chính sách tạp chí (35% số điểm); 2) Nội dung (20% số điểm); 3) Mức độ được trích dẫn (25% số điểm); 4) Tính kịp thời, đúng kỳ hạn (10% số điểm); 5) Nội dung của tạp chí nằm trong hệ thống dữ liệu trực tuyến (10% số điểm).
Trong khuôn khổ của đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học Việt Nam hướng tới chuẩn mực quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế về KH&CN hiện nay”, Tạp chí KH&CN Việt Nam đã tiến hành khảo sát 200 chuyên gia (lãnh đạo các tạp chí khoa học, nhà khoa học, nghiên cứu sinh) đánh giá về các tiêu chí của một tạp chí định hướng hội nhập quốc tế. Cụ thể là các tiêu chí sau: 1) Sự thừa nhận, 2) Sự chuyên sâu, 3) Ngôn ngữ xuất bản, 4) Sự đa dạng của tác giả trên tạp chí, 5) Sự đa dạng của hội đồng biên tập, 6) Cần thực hiện kiểm tra sự trùng lặp của bài báo (đạo văn), 7) Bài báo cần được phản biện bởi các chuyên gia, 8) Nên phản biện theo hình thức nào, 9) Nên phản biện qua kênh phản biện nào, 10) Sự đa dạng của các chuyên gia phản biện, 11) Cần xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia phản biện, 12) Cần hiệu đính bài báo nếu là ngôn ngữ nước ngoài, 13) Có website, 14) Có công cụ nhận, phản biện bài báo trực tuyến. Kết quả khảo sát được thể hiện ở bảng 1.
Bảng 1. Đánh giá của các chuyên gia về tiêu chí của tạp chí khoa học định hướng hội nhập quốc tế.
Tiêu chí
|
Tỷ lệ phần trăm các chuyên gia đồng ý (%)
|
1. Sự thừa nhận
|
Được cộng đồng khoa học trong nước đánh giá cao
|
15,0
|
Được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm cao
|
20,5
|
Có tên trong các CSDL uy tín của thế giới
|
65,5
|
2. Sự chuyên sâu
|
Đa ngành
|
20,5
|
Chuyên ngành
|
79,5
|
3. Ngôn ngữ xuất bản
|
Tiếng Việt
|
20,0
|
Tiến Anh
|
78,5
|
Ngôn ngữ khác
|
1,5
|
4. Sự đa dạng của tác giả trên tạp chí
|
Tác giả ở trong nước là chủ yếu
|
33,5
|
Tác giả ở nước ngoài là chủ yếu (bao gồm cả Việt kiều)
|
66,5
|
5. Sự đa dạng của hội đồng biên tập
|
Thành viên hội đồng biên tập chỉ cần là những nhà khoa học trong nước
|
17,5
|
Thành viên hội đồng biên tập là những nhà khoa học thuộc nhiều quốc tịch khác nhau
|
82,5
|
6. Cần thực hiện kiểm tra sự trùng lặp của bài báo (đạo văn)
|
Cần thiết
|
98,5
|
Không cần thiết
|
1,5
|
7. Bài báo cần được phản biện bởi các chuyên gia
|
Cần thiết
|
0,0
|
Không cần thiết (không cần trả lời nội dung liên quan đến phản biện bên dưới)
|
100,0
|
8. Nên phản biện theo hình thức phản biện
|
Phản biện kín (tác giả và chuyên gia phản biện không biết nhau)
|
64,5
|
Phản biện mở (tác giả và chuyển gia phản biện biết nhau)
|
2,5
|
Cả hai hình thức đều được
|
33,0
|
9. Nên phản biện qua kênh phản biện nào
|
Bằng thư qua bưu điện
|
4,0
|
Bằng email, công cụ chat của mạng xã hội
|
26,0
|
Hệ thống/công cụ/phần mềm trực tuyến của tạp chí
|
70,0
|
10. Sự đa dạng của các chuyên gia phản biện
|
Chỉ cần chuyên gia trong nước
|
13,5
|
Gồm cả chuyên gia nước ngoài
|
86,5
|
11. Cần xây dựng CSDL chuyên gia phản biện
|
Cần thiết
|
97,0
|
Không cần thiết
|
3,0
|
12. Cần hiệu đính bài báo nếu là ngôn ngữ nước ngoài
|
Cần thiết
|
98,0
|
Không cần thiết
|
2,0
|
13. Có website
|
Cần thiết
|
99,5
|
Không cần thiết
|
0,5
|
14. Có công cụ nhận, phản biện bài báo trực tuyến
|
Cần thiết
|
97,5
|
Không cần thiết
|
2,5
|
Kết quả khảo sát từ bảng 1 cho thấy, các chuyên gia đánh giá về tiêu chí của một tạp chí định hướng hội nhập quốc tế đều phù hợp với thông lệ của một tạp chí khoa học quốc tế nói chung và tạp chí uy tín quốc tế nói riêng.
Thực trạng hội nhập của các tạp chí khoa học
Hiện nay, số lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế còn rất hạn chế. Đánh giá định tính của các nhà khoa học (kết quả phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm tập trung của đề tài) cho thấy thực trạng và các yếu tố tác động đối với các tạp chí thể hiện trên một số khía cạnh:
Thứ nhất, hầu hết các tạp chí khoa học của Việt Nam vẫn hoạt động theo một mô hình chung là thực hiện nhiệm vụ xuất bản các bài báo khoa học thuộc lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo của cơ quan chủ quản, tác giả của các bài báo phần lớn cũng là các nhà khoa học thuộc cơ quan chủ quản đó (rất ít tác giả là người nước ngoài).
Thứ hai, các tạp chí chưa có sự đổi mới mạnh mẽ để phát triển theo chuẩn mực/thông lệ chung của quốc tế: số tạp chí xuất bản bằng tiếng Anh chưa nhiều; nhiều tạp chí chưa định dạng bài báo theo thông lệ chung; chưa có sự đa dạng hóa thành viên hội đồng biên tập từ nhiều quốc gia trên thế giới hoặc có cũng chỉ là hình thức; chưa có nhiều tác giả của bài báo là người nước ngoài; chưa có kiểm tra đạo văn, phản biện, hiệu đính…; chưa số hóa và xuất bản trực tuyến…
Thứ ba, các tổ chức tài trợ cho nghiên cứu hiện nay thường yêu cầu đầu vào và đầu ra là các bài báo được đăng tải trên các tạp chí thuộc hệ thống Web of Science hoặc Scopus mà chưa có sự khuyến khích đối với các tạp chí trong nước (dù là có chất lượng).
Thứ tư, còn bất cập trong việc đánh giá và quản lý chất lượng các tạp chí khoa học Việt Nam hiện nay. Cụ thể là: 1) Việc đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học còn theo cảm tính, chưa có công cụ đánh giá một cách khách quan, theo thông lệ của quốc tế; 2) tồn tại một khoảng trống trong việc quản lý chất lượng các tạp chí khoa học (hệ thống báo chí, trong đó có các tạp chí khoa học hiện nay đang được cấp phép và quản lý nội dung bởi Bộ Thông tin và Truyền thông; trên thực tế, đối với các tạp chí khoa học, việc quản lý như hệ thống báo chí chung sẽ không phù hợp vì nội dung các tạp chí khoa học mang tính đặc thù, chất lượng phải được đánh giá thông qua các chuyên gia, công cụ hữu hiệu).
Kết quả khảo sát định lượng các tạp chí khoa học (300 tạp chí) của đề tài cũng nêu lên bức tranh hạn chế về hội nhập quốc tế của các tạp chí khoa học của Việt Nam hiện nay. Cụ thể là: tạp chí đa ngành chiếm 22,7%, chuyên ngành chiếm 77,3%; tạp chí có xuất bản bằng tiếng Anh chiếm 49%; 56% các tạp chí thừa nhận tác giả là người nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ 5-10%; 89,5% có hội đồng biên tập; 37,2% có kiểm tra sự trùng lặp (đạo văn); 75,4% tạp chí có phản biện; gần 30% không được hiệu đính đối với các tạp chí xuất bản bằng ngôn ngữ nước ngoài; 74,3% tạp chí có website, trong đó có 82,3% website được xây dựng trên mã nguồn mở OJS; 47,8% có phần mềm, phản biện trực tuyến… Có thể nói, việc phát triển các tạp chí khoa học Việt Nam hiện nay đang có những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức nhất định (bảng 2).
Bảng 2. Thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đối với các tạp chí khoa học của Việt Nam.
Thuận lợi
|
Khó khăn
|
- Nhà nước có chính sách phát triển báo chí nói chung.
- Nguồn nhân lực KH&CN dồi dào.
- Điều kiện, môi trường học hỏi theo thông lệ quốc tế thuận tiện.
|
- Chưa có chính sách cụ thể để phát triển các tạp chí khoa học.
- Còn tồn tại khoảng trống trong việc quản lý chất lượng các tạp chí khoa học.
- Hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là tài chính.
- Hạn chế về công cụ đánh giá, đo lường tạp chí.
|
Cơ hội
|
Thách thức
|
- Thông tin mở, mang tính toàn cầu.
- Công nghệ xuất bản phát triển.
- Các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ đang quen và thích nghi với việc công bố quốc tế.
|
- Nền KH&CN nước nhà chưa thực sự phát triển nên không có nhiều bài báo khoa học chất lượng cao được công bố.
- Các tạp chí khoa học chưa chủ động đổi mới hoạt động xuất bản theo thông lệ quốc tế.
- Nhiều cơ quan tài trợ cho nghiên cứu yêu cầu đầu vào, đầu ra phải có bài báo khoa học công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế.
|
Thay lời kết
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 đã xác định giải pháp quan trọng để phát triển hệ thống tạp chí khoa học và công nghệ trong nước đạt trình độ quốc tế là: “Đầu tư thỏa đáng đối với hệ thống tạp chí trong nước trên cơ sở cân đối giữa các lĩnh vực KH&CN, các đối tượng phục vụ, khuyến khích áp dụng công nghệ số, liên kết với các nhà xuất bản, tạp chí có uy tín trên thế giới. Nâng cao trình độ của đội ngũ biên tập, tăng tính đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập; thu hút, khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước đăng tải các bài báo có chất lượng ở tạp chí trong nước. Có các quy định bắt buộc các đề tài từ ngân sách nhà nước phải có công bố trên các tạp chí trong nước”. Có thể nói, đây là những hàm ý khái quát nhất về các giải pháp phát triển tạp chí khoa học theo định hướng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự quan tâm ban hành chính sách của các cơ quan quản lý, sự quan tâm đầu tư thỏa đáng của cơ quan chủ quản, sự vào cuộc quyết liệt của bản thân các tạp chí và sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học đối với tạp chí khoa học trong nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] http://yhoccotruyenqd.vn/news/Phan-vien-YHCTQD/NANG-CAO-CHAT-LUONG-TAP-CHI-KHOA-HOC-CUA-VIET-NAM-TRUOC-YEU-CAU-HOI-NHAP-QUOC-TE-299.
[2] https://mjl.clarivate.com/home.
[3] http://ips.clarivate.com/support/faq/wok3new/BiologicalAbstracts.
[4] https://mjl.clarivate.com.
[5] https://www.scopus.com.