Thứ tư, 05/10/2022 15:00

Kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư

TS Lê Vũ Vân Anh

Đại học Oxford, Vương quốc Anh

Giữa tháng 9/2022, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin, GS Michiko Yoshi yêu cầu nhà sản xuất bộ phim Em và Trịnh xin lỗi vì lý do “tiết lộ bí mật đời tư khi chưa nhận được sự đồng ý” của bà. Vụ việc đặt ra hai câu hỏi pháp lý quan trọng: (1) Một thông tin như thế nào sẽ được xem là riêng tư; (2) Khi nào thì một thông tin từ bỏ lãnh thổ riêng tư để đi vào khu vực công cộng (public domain)? Liệu kỳ vọng quyền riêng tư của GS Michiko có hợp lý không, khi một thực tế không thể chối cãi là cuộc sống cá nhân của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng như các mối quan hệ của ông đã được phơi bày với công chúng từ rất lâu thông qua báo chí, ấn phẩm xuất bản, các chương trình âm nhạc, trò chuyện, ngay từ trước khi bộ phim ra đời?

Nhà sản xuất bộ phim Em và Trịnh bị yêu cầu xin lỗi vì tiết lộ bí mật đời tư (ảnh: Báo Người lao động).

Kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư

Đối với sự việc nêu trên, đã có nhiều viện dẫn đến Hiến pháp Việt Nam 2013 để chỉ ra rằng, GS Michiko Yoshi được đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư tại Điều 21. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng, các nhà sản xuất phim cũng được trao quyền sáng tạo văn học nghệ thuật tại Điều 40. Như vậy, đã có sự xung đột giữa hai quyền hiến định mà Hiến pháp Việt Nam không quy định quyền nào có vị trí pháp lý cao hơn. Vậy làm thế nào để cân bằng cả hai lợi ích này? Vì Việt Nam chưa phát triển một án lệ về vấn đề này, bài viết sẽ sử dụng pháp luật và thực tiễn từ Vương quốc Anh như một nguồn tham khảo.

Tại Vương quốc Anh, quyền riêng tư và sự giao thoa của quyền này với các quyền cơ bản khác (đa phần là quyền tự do báo chí và tự do biểu đạt) đã được phát triển khá toàn diện thông qua các án lệ. Vụ việc mang tính bước ngoặt trong số các phán quyết là việc người mẫu Naomi Campbell kiện tờ Daily Mirror1 vì đã công bố hình ảnh cô rời khỏi một trung tâm chữa trị cho những người nghiện ma túy. Thay vì kiện tờ báo vì đã công bố thông tin Naomi Campbell nghiện ma túy, cô đã khởi kiện Daily Mirror trên cơ sở bài báo tiết lộ địa điểm của trung tâm mà cô đang điều trị. Phán quyết cuối cùng nghiêng về Naomi Campbell với tỷ lệ sít sao (3-2) trong viện Nguyên lão. Lord Nicholls, một trong hai người đứng về phía Daily Mirror đã tuyên bố: “Nền tảng của đời sống riêng tư là liệu người bị tiết lộ thông tin có kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư hay không”. Kỳ vọng này không được xem xét từ tâm thế của người tiếp nhận thông tin bị phơi bày (trong trường hợp bộ phim Em và Trịnh là khán giả xem phim) mà là chủ nhân của thông tin đó. Câu hỏi đặt ra là liệu “một người hợp lý” (a reasonable man) với một sự nhạy cảm bình thường (ordinary sensibilities) sẽ cảm thấy như thế nào khi thông tin riêng tư bị tiết lộ và “công khai”.

Naomi Campbell đã khởi kiện tờ Daily Mirror vì công bố hình ảnh đời tư của cô khi chưa được cho phép.

Đánh giá liệu một hành vi có vi phạm quyền riêng tư, Tòa án Anh thường trải qua hai bước. Đầu tiên, đó là liệu người khởi kiện có “kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư” hay không. Câu hỏi này đặc biệt quan trọng trong thời đại kỹ thuật số không chỉ vì tốc độ phát tán thông tin, mà còn vì nhiều cá nhân cố gắng đạt được sự nổi tiếng một cách nhanh nhất bằng cách tiết lộ những khía cạnh riêng tư nhất trong cuộc sống của họ thông qua mạng xã hội. Tòa án Anh giả định rằng, khi một người sử dụng thông tin cá nhân để đạt được sự nổi tiếng, người đó không đặc biệt nhạy cảm đối với các hành vi xâm phạm quyền riêng tư2. Tuy nhiên, ngay cả khi những người này đã cố phơi bày thông tin cá nhân, họ vẫn có một số mong đợi nhất định về sự riêng tư.

Sau khi xác định rằng một kỳ vọng như vậy tồn tại, tòa án sẽ chuyển sang bước thứ hai - thực hiện bài kiểm tra cân bằng tối thượng (ultimate balancing test). Bước này nhằm mục đích xem xét liệu có các yếu tố khác cho phép một người tiết lộ thông tin cá nhân của một người khác bất chấp sự tồn tại của quyền riêng tư hay không.

Thông tin riêng tư

Tòa án Anh chấp nhận rất nhiều thông tin được xem là riêng tư. Đó có thể là thông tin liên quan đến tình trạng y tế, sức khỏe, quan điểm về chính trị, tôn giáo, tình hình tài chính, mức đóng thuế, thậm chí cả trạng thái cảm xúc của một người tại một thời điểm đau buồn (McKennit v. Ash [2006] EMLR (10) 178 [80]) hay hình ảnh khỏa thân của người yêu cầu bồi thường (AMP v. Person Unknown [2011] EWHC 3454 (TCC); Rocknroll v. News Group Newspapers Ltd [2013] EWHC 24 (Ch).) Thông tin riêng tư còn bao gồm cả “tình trạng mối quan hệ” của một người (độc thân hay đang hẹn hò), các mối quan hệ liên quan đến hôn nhân - dù là ngoại tình, thoáng qua hay mang tính “thương mại” hoặc dị tính hay đồng tính. Nhìn chung, các án lệ của Anh thống nhất rằng, những thông tin đó là riêng tư trừ khi có liên quan đến tội phạm trong những mối quan hệ như vậy3.

Xác định “kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư”

Người khởi kiện chỉ có thể có kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư đối với thông tin liên quan đến bản thân họ chứ không phải của người khác. Vấn đề trở nên phức tạp, khi có sự kết hợp giữa các dữ kiện đã được biết, với các dữ kiện có thể chưa xác định liên quan đến người khởi kiện, như trong sự việc GS Michiko Yoshi.

Thêm vào đó, kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư của một người sẽ thay đổi nếu thông tin đã nằm trong miền công cộng (public domain). Một người không thể sở hữu một thông tin nếu nó đã thuộc về công chúng một cách hợp pháp. Chẳng hạn như đời sống cá nhân của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã được người thân, bạn bè và người quen nhắc đến rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông. Kết quả của việc này là thông tin của những người liên quan khác, dù vô tình hay cố ý, đều đã được bộc lộ với công chúng khá đầy đủ, nên rất khó để kết luận những thông tin này mang đủ tính riêng tư.

Tuy nhiên, án lệ ở Anh không phải lúc nào cũng nhất quán về vấn đề này. Chẳng hạn trong vụ việc Mosley v. News Group Newspapers, đoạn video ghi lại cảnh nguyên đơn thực hiện các hành vi bạo dâm đã được xem hơn 1,5 triệu lần trên internet đã được thẩm phán Eady kết luận thuộc phạm vi công cộng. Ngược lại, trong một trường hợp khác, ông cho rằng việc xuất bản trên một tờ báo quốc gia không phải lúc nào cũng đủ để đưa thông tin đó vào phạm vi công cộng (KGM v. News Group Newspapers [2010] EWHC 3145, [22]). Lý giải cho sự khác biệt này đến từ chính sự khác biệt giữa thông tin được cung cấp trên internet và thông tin mà công chúng có thể truy cập được4.

Khi xem xét tổng thể về kỳ vọng hợp lý, các thẩm phán còn tính đến việc ngăn chặn sự xâm nhập và quấy rối đời tư của một người, ngay cả khi thông tin riêng tư đã được phát tán. Vụ việc CTB v. News Group Newspaper là một ví dụ điển hình. Ở vụ việc này, thẩm phán Eady đã ban hành lệnh ngăn chặn tờ báo The Sun tiết lộ tên một cầu thủ bóng đá nổi tiếng (được đặt tên là CTB trong vụ việc) có quan hệ ngoài hôn nhân với một cựu thí sinh của chương trình truyền hình thực tế Big Brother. Phán quyết của tòa dựa trên Điều 8 của Công ước châu Âu về quyền con người, trong đó bảo đảm "quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư và gia đình".

Tuy nhiên, tên của người cầu thủ này sau đó đã được nhắc đến công khai trên Twitter. Thậm chí tờ The Sunday Herald đã đăng một bức ảnh của anh ta trên trang nhất nhưng được ngụy trang theo kiểu “có cũng như không”, chỉ duy nhất với từ "CENSORED" (kiểm duyệt) che mắt nhân vật gây tranh cãi. Tờ The Sun - bị đơn trong vụ kiện mỉa mai rằng, lệnh cấm là vô dụng và yêu cầu tòa án dỡ bỏ lệnh ngăn chặn. Tuy nhiên, thẩm phán Eady không đồng ý. Ông lập luận rằng: “Nếu mục đích của lệnh cấm là để giữ bí mật, nó đã thất bại. Nhưng nó không thất bại khi ngăn chặn sự xâm nhập hoặc quấy rối. Việc hàng chục nghìn người trên internet đã xác định danh tính người khởi kiện cũng đồng thời xác nhận một sự thật rằng, anh ta và gia đình cần được bảo vệ khỏi sự xâm nhập vào cuộc sống riêng tư.”

Bài kiểm tra cân bằng tối thượng

Một khi kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư được thiết lập, bước thứ hai tòa án sẽ cân bằng lợi ích đối kháng của những người khác, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trong các án lệ của Anh, hay ở vụ việc hiện tại là quyền sáng tạo nghệ thuật theo Hiến pháp Việt Nam. Vì tất cả các quyền đều là quyền cơ bản, nên sẽ không có bất cứ ưu tiên đối với loại quyền nào, mà vấn đề chính tòa án cần cân nhắc là sự xung đột giữa chúng.

Kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư phụ thuộc vào loại thông tin được tiết lộ (thông tin về y tế của một người thông thường sẽ nhận được sự bảo vệ cao hơn), mức độ công bố (thông tin tiết lộ càng mang tính thân mật bao nhiêu, lý do cần thiết để công bố thông tin đó càng phải lớn bấy nhiêu ) và cách thức công bố (thông tin được công bố trên các phương tiện nghe nhìn có tính “sát thương” lớn hơn nhiều so với việc mô tả sự việc bằng ngôn từ).

Trong vụ việc Cambell nêu trên, Lord Hope (người ủng hộ siêu mẫu) đã khẳng định rằng, những hạn chế đối với quyền tự do báo chí hay tự do biểu đạt (trong trường hợp Việt Nam là quyền sáng tạo văn học nghệ thuật) phải “hợp lý, công bằng và không được tùy tiện, không được làm tổn hại đến quyền nhiều hơn mức cần thiết”. Án lệ Anh sử dụng nhiều yếu tố để thực hiện bài kiểm tra tối thượng này. Tuy nhiên bài viết chỉ đề cập đến hai yếu tố sau đây:

Một là, tổn hại tiềm ẩn đối với người bị tiết lộ thông tin: Tòa án sẽ cân nhắc nếu việc tiết lộ có khả năng gây tổn hại về mặt thể chất hoặc tâm lý cho chủ nhân thông tin. Ở vụ việc Campbell, câu hỏi đặt ra là liệu việc tiết lộ thông tin liên quan đến việc cô tham gia Narcotics Anonymous (một tổ chức dành cho những người nghiện ma túy) có xâm phạm Điều 8 của Công ước châu Âu về quyền con người hay không. Đa số cho rằng mặc dù báo chí có thể sửa chữa những phát ngôn của Campbell về việc cô ấy không sử dụng ma túy, thông tin về phương pháp điều trị mà Campbell đang tiếp nhận phải được đối xử theo một cách khác. Phần đông thành viên cho rằng, tiết lộ chi tiết điều trị của Campbell tại Narcotics Anonymous tương đương với việc tiết lộ một tình trạng y tế. Vì vậy, Viện Nguyên lão đồng ý với yêu cầu khởi kiện của cô.

Hai là, hình mẫu (role models) và “đạo đức giả” (hyprocrisy): Thông thường khi một người được xem là “nhân vật của công chúng” hoặc thậm chí là “hình mẫu” thì tòa án có xu hướng cho phép báo chí tiết lộ hành vi sai trái của họ. Đặc biệt, khi nhiều người nổi tiếng có những bình luận mang tính “đạo đức giả”. Trường hợp Campbell là một ví dụ. Là một siêu mẫu nổi tiếng thế giới, cô không chỉ phủ nhận việc mình không sử dụng ma túy mà còn tuyên bố với công chúng rằng cô là một trong số ít người mẫu hoàn toàn không dùng ma túy. Do đó, báo chí được quyền sửa chữa phát ngôn của Campbell bằng cách chứng minh cô có vấn đề về ma túy.

Hay một ví dụ khác là Ferdinand v. MGN. Cầu thủ Rio Ferdinand mang tiếng có đời sống khá phóng khoáng trước năm 2006, nhưng trong năm đó, anh nhiều lần tuyên bố rằng mình đã thay đổi. Tuy nhiên, báo chí phát hiện rằng Rio Ferdinand vẫn duy trì liên lạc với bạn gái cũ và cố gắng gặp cô gái này trong phòng khách sạn. Tòa án cho phép báo chí đăng tải sự thật về Ferdinand, bất chấp sự phản đối của anh. Một yếu tố quan trọng trong vụ việc là Rio Ferdinand là đội trưởng của đội bóng đá Anh và vì vậy anh ta được kỳ vọng tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn, trên cũng như ngoài sân cỏ.

Thay lời kết

Quay trở lại vụ việc GS Michiko, vì không có điều kiện tiếp cận thông tin đầy đủ, tác giả không thể bình luận một cách cặn kẽ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu tâm đó là quyền riêng tư không phải là một quyền cơ bản tuyệt đối, đặc biệt là khi nhiều thông tin đã đi vào khu vực công cộng trước khi việc tiết lộ được diễn ra. Trong những trường hợp như vậy, kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư đã giảm đi ít nhiều. Việt Nam có thể tham khảo Vương quốc Anh trong các tranh chấp về quyền riêng tư, rằng quyền này cần phải được thực hiện một cách "hợp lý", cân nhắc đến các quyền hiến định khác để không ưu tiên bất cứ một quyền nào. Đối xử quyền riêng tư một cách tuyệt đối có thể làm lệch đi cán cân lợi ích mà Hiến pháp Việt Nam mong muốn đạt được.

 

 

1 Campbell v Mirror Group Newspapers Ltd [2004] UKHL 22.

 

2 Terry v. Persons Unknown [2010] EMLR (16) 400, [127].

 

3 Bently, Sherman, Gangjee, and Johnson, Intellectual Property Law (5th ed. 2018 OUP) 1266.

4 Bently, Sherman, Gangjee, and Johnson, Intellectual Property Law (5th ed. 2018 OUP) 1269.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)