Thứ tư, 26/10/2022 15:33

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Việt Nam: Thực trạng và hàm ý chính sách

Ngày 25/10/2022, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức tọa đàm công bố nghiên cứu "Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA)”. Với những phân tích chuyên môn, nhóm nghiên cứu đã giải đáp về thực trạng thu hút vốn FDI từ EU trong thập kỷ vừa qua, chỉ ra những nhân tố ảnh hưởng tới dòng FDI của EU vào Việt Nam từ hai bên, phân tích cơ hội và thách thức từ EVFTA và EVIPA trong bối cảnh biến động mới của EU và nền kinh tế thế giới để từ đó đưa ra các phân tích, đánh giá đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả thu hút nguồn vốn này trong thời gian tới.

Thực trạng FDI từ EU vào Việt Nam

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả VEPR, có thể thấy xu hướng gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp EU trong suốt giai đoạn từ 2010 đến nay. Mặc dù từ năm 2020, số lượng và giá trị các dự án FDI vào Việt Nam có sự sụt giảm do Vương quốc Anh chính thức rút khỏi EU, cũng như những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng kể từ năm 2021, số lượng các dự án FDI từ EU vào Việt Nam lại trên đà tăng trở lại và đã gần đạt được đỉnh cũ trong năm 2019. Lũy kế đến tháng 8/2022, EU có tổng cộng 2.378 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng giá trị 27,59 tỷ USD. Sự phục hồi này cho thấy những tín hiệu tích cực trong nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, bất chấp những bất ổn chiến sự tại khu vực châu Âu giữa Nga và Ukraine. Trong đó, phần lớn dòng FDI này đến từ Hà Lan.

Xét về quy mô vốn đăng ký trung bình của các dự án, con số này cao nhất là vào năm 2012 (14,62 triệu USD/dự án) và 2015 (13,35 triệu USD/dự án). Trong các năm khác, giá trị này có phần nhỏ hơn, chỉ từ hơn 9 triệu USD tới dưới 12 triệu USD. Nhất là giai đoạn năm 2021, quy mô trung bình 1 dự án FDI sụt giảm chỉ còn xấp xỉ 9,87 triệu USD, nhưng tính đến tháng 8/2022 quy mô vốn đăng ký đã tăng mạnh mẽ trở lại, đạt mức xấp xỉ 11,6 triệu USD/dự án. Đây là dấu hiệu tích cực cho việc các dự án giá trị cao, quy mô lớn đã xuất hiện tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022.

Phân tích theo ngành và lĩnh vực, tương ứng với xu hướng FDI nói chung vào Việt Nam, đầu tư của doanh nghiệp EU cũng chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp EU đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân vào Việt Nam. Ba lĩnh vực được quan tâm đầu tư nhiều chính là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.

Gần đây, các doanh nghiệp EU có xu hướng quan tâm tới các ngành dịch vụ (như logistics, bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ), hay lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp, công nghệ cao, dược phẩm… Đây là dấu hiệu đáng mừng trong bức tranh thu hút FDI của Việt Nam. Về lĩnh vực logistics, do lợi thế nằm trong khu vực ASEAN năng động và có khả năng kết nối cao với nền kinh tế toàn cầu nên Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn logistics từ EU đăng ký đầu tư, chẳng hạn: Tập đoàn Vận chuyển Địa Trung Hải - MSC của Ý; Tập đoàn CMA-CGM, tập đoàn vận hành cảng biển, logistics có trụ sở tại Marseille (Pháp) và là hãng vận tải container lớn thứ ba trên thế giới… Đặc biệt, thời gian gần đây, Việt Nam đã thu hút được lượng lớn đầu tư của các doanh nghiệp EU vào lĩnh vực điện gió gần bờ và ngoài khơi, chẳng hạn như Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP (Đan Mạch); Tập đoàn Orsted của Đan Mạch; Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Na Uy - Equinor (nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi hàng đầu trên thế giới); Tập đoàn PNE (CHLB Đức); Công ty Pondera (Hà Lan); Công ty EAB (CHLB Đức)…

Phân tích quy mô dự án, nhóm nghiên cứu nhận thấy một điểm đáng lưu ý là sự chênh lệch về quy mô dự án của các đối tác trong khối EU là khá rõ rệt. Số lượng các dự án của Đức vào Việt Nam là tương đối nhiều nhưng giá trị mỗi dự án là không lớn; trong khi đó, Luxembourg chỉ có 57 dự án nhưng tổng vốn đầu tư lại cao hơn. Tính tới tháng 8/2022, quy mô dự án lớn nhất là của một số quốc gia gồm có như Luxembourg (trung bình 45,49 triệu USD/dự án), Hà Lan (33,91 triệu USD/dự án), Síp (19,54 triệu USD/dự án). Còn lại hầu hết đều có quy mô nhỏ từ 1-6 triệu USD như Pháp (5,64 triệu USD), Đức (5,37 triệu USD) hoặc dưới 1 triệu USD. Điều này cho thấy có một sự đa dạng về mặt quy mô của từng dự án đầu tư tại Việt Nam, đồng thời, vẫn còn dư địa để để thu hút vốn FDI trên quy mô lớn hơn trong tương lai.

Trong giai đoạn từ 2010 đến 2022, tình hình FDI của EU vào Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: thứ nhất, hầu hết các quốc gia EU đều tham gia đầu tư tại Việt Nam; thứ hai, sự tăng dần về giá trị và số lượng vốn trong suốt giai đoạn 2010-2022 và đặc biệt tăng vọt vào nửa đầu năm 2022 thể hiện sự phục hồi nhanh chóng của khu vực FDI Việt Nam giai đoạn hậu Covid -19; thứ ba, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư triển vọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giúp tăng số lượng việc làm, và ngành năng lượng sạch, giúp cải thiện môi trường. Tuy đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực trong vòng hơn 10 năm gần đây, khu vực FDI từ EU vẫn còn cho thấy một số hạn chế, đòi hỏi Chính phủ cần quan tâm để đưa ra những giải pháp phù hợp như: 1) tuy số lượng và giá trị của các dự án FDI của EU vào Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU, điều này cho thấy dòng FDI vào Việt Nam từ EU chưa tương xứng với tiềm năng mà các nhà đầu tư EU có thể mang lại; 2) quy mô của các dự án do EU đầu tư vẫn còn rất chênh lệch; 3) xét về lĩnh vực đầu tư, có thể thấy chất lượng các dự án FDI của EU vào Việt Nam vẫn còn thấp trong tương quan so sánh với các nước ASEAN khác; 4) số lượng dự án FDI có quy mô lớn trong các lĩnh vực là lợi thế của các nước EU, đồng thời là lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm thu hút, như các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng... còn khiêm tốn; 5) FDI từ EU chưa khai thác được hết tiềm năng của những địa bàn có quỹ đất rộng.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Thông qua nghiên cứu về cơ hội thách thức của EVFTA và EVIPA đến FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách như sau:

Một là, tăng cường công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến về EVFTA và EVIPA. EVFTA là một Hiệp định rộng và phức tạp, tác động tới luồng vốn FDI thông qua nhiều kênh đan xen lẫn nhau. Để tận dụng triệt để cơ hội và hạn chế các thách thức mà EVFTA mang lại, việc tăng cường nhận thức, tuyên truyền và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu tác động của EVFTA đối với FDI là vô cùng quan trọng. Điều này giúp Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có hiểu biết cặn kẽ về các tác động của EVFTA, từ đó có sự chuẩn bị kỹ càng về chính sách, chiến lược, điều chỉnh hoạt động…

Hai là, cải cách thể chế. Hiện nay, chất lượng thể chế ở Việt Nam vẫn bị đánh giá là thấp và là điểm nghẽn trong thu hút FDI của EU vào Việt Nam, trong khi chất lượng thể chế là yếu tố then chốt ảnh hưởng tới sự lựa chọn đầu tư của doanh nghiệp. Các giải pháp cải cách thể chế gồm có: (i) Bảo đảm quyền tài sản; (ii) Cải cách về điều kiện kinh doanh, (iii) Sửa đổi các quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường; và (iv) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định, chính sách.

Ba là, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, những chính sách ưu tiên/đãi ngộ trực tiếp về thuế sẽ không còn là thế mạnh trong tương lai, đặc biệt là đối với doanh nghiệp FDI tìm kiếm tài sản chiến lược và phân tán FDI tại một địa điểm vì mục tiêu dài hạn. Trên thực tế, các khung chính sách mở cửa đã trở nên quá phổ biến và không còn đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Môi trường kinh doanh là yếu tố then chốt. Chính phủ cần phải có các giải pháp để cải cách về khởi sự kinh doanh do thủ tục thực hiện khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, cải cách hệ thống tư pháp, cải thiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành…

Bốn là, cải cách thị trường tài chính. Để thu hút nhanh chóng và sử dụng có hiệu quả cả vốn trong nước và vốn nước ngoài thì một điều cần thiết là phải tạo ra được một thị trường vốn ổn định, một hệ thống ngân hàng hoàn chỉnh do đó cần thiết phải có luật quản lý thị trường chứng khoán, đào tạo con người có đủ khả năng và trình độ hoạt động tốt trên thị trường và hệ thống tài chính, nhanh chóng có biện pháp đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp.

Năm là, hoàn thiện hơn các loại hình dịch vụ tư vấn và tạo thuận lợi đầu tư. Việt Nam nên hoàn thiện các loại hình dịch vụ này để tham gia tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước biết các thông tin về đầu tư như: lĩnh vực nào Nhà nước cho phép đầu tư, lĩnh vực nào hạn chế và lĩnh vực nào không cho phép đầu tư. Ngoài ra, còn cung cấp cho các nhà đầu tư biết hiện tại lĩnh vực nào đang có lợi nhuận, hoặc các thông tin khác về tài chính, thuế, phí… để làm cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn.

Sáu là, đào tạo nguồn nhân lực. Lợi thế nguồn lao động giá rẻ là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tạo ra lợi thế so sánh đối với các quốc gia khác trong khu vực; tuy nhiên những lợi thế này sẽ nhanh chóng mất đi khi kinh tế Việt Nam phát triển. Việt Nam cần chú trọng tới chất lượng lao động.

Bảy là, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Đầu tư cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng trong việc thu hút FDI của doanh nghiệp EU. Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể về kết cấu hạ tầng, tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư vào nâng cấp kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chuẩn bị quỹ đất trống, đất sạch trong và ngoài khu công nghiệp để sẵn sàng cho các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam.

MN

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)