Thứ tư, 26/10/2022 14:35

Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam

Từ nhiều thập kỷ qua, việc sáng tạo, chuyển giao tri thức và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ (TSTT) từ các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công lập đến doanh nghiệp đã góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của các quốc gia. Để thúc đẩy hoạt động này, ngày 25/10/2022, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Tọa đàm “Kinh nghiệm của Trung Quốc, Hoa Kỳ và Australia trong việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, TSTT”. Tọa đàm đã thu hút nhiều chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học uy tín trong và ngoài nước.

Vai trò của thương mại hóa kết quả nghiên cứu, TSTT

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN nêu rõ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, TSTT có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia. Chuyển giao tri thức và thương mại hóa kết quả nghiên cứu bao trùm một phạm vị rộng lớn, trong đó tri thức từ các trường đại học và viện nghiên cứu có thể được khai thác bởi các công ty hay thậm chí bởi chính các nhà nghiên cứu để tạo ra những giá trị kinh tế và xã hội, thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp công nghệ mới, tạo ra các làn sóng kinh doanh mới và nhiều việc làm hơn.

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, TSTT là chìa khóa thành công của nhiều quốc gia phát triển. Thông qua việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, TSTT để từng bước thay đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ sang tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu chúng ta phải đi khi thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Rào cản chuyển giao tri thức và thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại Việt Nam

Tại buổi làm việc, PGS.TS Don Scott-Kemmis - chuyên gia về chính sách thương mại hóa, Đại học Quốc gia Australia đã chia sẻ kinh nghiệm và mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu quốc tế. Theo ông Don Scott-Kemmis, các rào cản chính đối với việc chuyển giao tri thức của các quốc gia trên thế giới phát sinh từ nút thắt về cơ chế, chính sách chuyển giao tri thức và cấp bằng sáng chế. Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức KH&CN chưa đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thiếu cơ chế khuyến khích các nhà nghiên cứu đăng ký bằng sáng chế và tham gia tích cực vào việc chuyển giao tri thức cũng như thiếu hụt nhu cầu từ ngành đối với sở hữu trí tuệ từ các tổ chức nghiên cứu và công nghệ cũng làm hạn chế hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và TSTT.

PGS.TS Don Scott Kemmis - chuyên gia về chính sách thương mại hóa, Đại học Quốc gia Australia chia sẻ tại Tọa đàm

Cùng chia sẻ quan điểm với phần tham luận của PGS.TS Don Scott Kemmis, GS Andy Hall đến từ “Tổ chức khoa học và nghiên cứu công nghiệp Khối thịnh vượng chung - CSIRO” cho rằng, điều duy nhất nhà nước nên quan tâm là làm thế nào để hỗ trợ một cách tốt nhất nhà khoa học có thể thương mại hóa được kết quả nghiên cứu của mình; việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu với các quốc gia đang phát triển là rất khó và không nhìn thấy ngay lợi ích kinh tế, nhưng cần kiên trì vì lợi ích to lớn cho toàn bộ nền kinh tế sau đó. Nhà nước không nên chú ý đến lợi ích trực tiếp từ việc hỗ trợ nghiên cứu hay thương mại hóa kết quả nghiên cứu, mà hãy quan tâm tạo điều kiện để con đường thương mại hóa của nhà khoa học được dễ dàng thuận lợi nhất. Để thúc đẩy thành công việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu và TSTT hiệu quả, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, hữu ích giữa trường đại học và doanh nghiệp. Đồng thời, cần quan tâm nhiều hơn đến tính ứng dụng thực tế, gắn với nhu cầu kinh tế của các đề tài nhiệm vụ KH&CN.

Nguyên nhân dẫn đến không thương mại hóa được, một phần là do các nghiên cứu có tiềm năng khai thác ứng dụng còn ít; nhiều kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng nhưng chưa hoàn thiện nên không đáp ứng được yêu cầu thương mại hóa; nhà khoa học chưa chủ động và tích cực trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu; năng lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ còn thấp; môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà sáng chế đã có tác dụng bước đầu nhưng hiệu quả chưa cao; khó khăn trong đàm phán thương mại...

Các chuyên gia trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm quốc tế.

Trong không khí sôi nổi của tọa đàm, các chuyên gia trong vào ngoài nước cùng nhau thảo luận và đưa ra những kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy chuyển giao tri thức và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, TSTT. Theo kết quả nghiên cứu về cách thức phát triển các hoạt động KH&CN đổi mới sáng tạo đối với các trường đại học quốc tế trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại hóa kết quả nghiên cứu là 1 trong 4 giải pháp quan trọng, bên cạnh các giải pháp theo xu thế phát triển và quốc tế hóa, hợp tác trường đại học - doanh nghiệp và phát triển giáo dục khởi nghiệp.

Các chuyên gia thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm tại Tọa đàm.

Về nhóm chính sách liên quan đến tài chính, cần quy định mức trần phù hợp về tỷ lệ vốn (trong spin-off) và phần phí nhận được (khi chuyển giao) để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nguồn từ viện nghiên cứu, trường đại học để thương mại hóa nghiên cứu; Nhà nước cần trao quyền tự chủ cho các tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN định giá bán/chuyển giao kết quả nghiên cứu, TSTT trên cơ sở tham vấn ý kiến của tổ chức tư vấn có chức năng, uy tín trong thẩm định giá, cung cấp thêm thông tin liên quan cần thiết để làm cơ sở đối chiếu; trường đại học cần định hướng kết quả nghiên cứu theo nhu cầu thị trường, nhận dạng cơ hội thương mại hóa để huy động các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.

Về nhóm chính sách liên quan đến cơ sở dữ liệu và thông tin truyền thông, cần tăng cường truyền thông về TSTT, tiềm năng thương mại hóa, ví dụ thông qua nền tảng môi giới; các bên cần tổ chức sự kiện xây dựng và phát triển mạng lưới hoặc thông qua các sáng kiến của nền tảng môi giới; điều chỉnh cơ chế đánh giá cơ hội thương mại hóa dựa trên thông tin công bố, số liệu trích dẫn, các nghiên cứu khoa học cho các trường hợp cụ thể; cần có cơ sở dữ liệu về sản phẩm KH&CN để các bên liên quan có thể truy cập, tìm kiếm thông tin một cách thuận lợi nhất.

Về nhóm chính sách hỗ trợ từ chính các trường đại học, cần chủ động tìm giải pháp tăng cường lợi ích cho nhà khoa học: chia sẻ tỷ lệ phân chia lợi ích hợp lý, có chính sách về khen thưởng, ghi nhận. Trường đại học cần có chiến lược dài hạn liên quan đến thúc đẩy thương mại hóa KH&CN, trong đó quyền quyết định vấn đề thương mại hóa dựa trên thỏa thuận giữa trường học và doanh nghiệp.

Nhóm chính sách thứ tư về hỗ trợ từ nhà nước, là xây dựng biểu mẫu, hướng dẫn, quy trình cho trường đại học và đối tác để đơn giản hóa, tăng tốc quy trình thương mại hóa. Cần xây dựng chính sách sinh viên đầu tư nghiên cứu công nghệ và đầu tư lâu dài, nhà nước thu nhận thành quả đầu tư bằng những biện pháp gián tiếp như tạo công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho xã hội thông qua thu thuế… Hỗ trợ trường đại học xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với cơ sở hạ tầng mạnh hỗ trợ thành lập spin-out và đối tác nhận chuyển giao.

Một số khuyến nghị và giải pháp

Từ thực tiễn nói trên, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, thảo luận trong tọa đàm và đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, TSTT đối với Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, xem nguồn kinh phí KH&CN của nhà nước là ngân sách mang tính hỗ trợ phát triển và sản phẩm KH&CN là hàng hóa công ích chứ không phải là tài sản công.

Thứ hai, có ưu đãi nguồn vốn vay và thuế cho phát triển công nghệ cao, công nghệ xanh hoặc công nghệ cao kết hợp công nghệ xanh để thúc đẩy phát triển công nghệ lõi nội tại.

Thứ ba, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ cao và công nghệ xanh. Thực trạng hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghệ cao đã và đang nhận được nhiều ưu đãi hơn so với doanh nghiệp trong nước. Việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra sức kéo của thị trường khiến hoạt động thương mại hóa sôi động hơn.

Thứ tư, cho phép xây dựng, triển khai đề án thí điểm chính sách đủ mạnh và xuyên suốt trong giai đoạn trung hạn nhằm tháo gỡ các rào cản, vướng mắc đang ghi nhận trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay. Từ đó, tiến tới khai thông chính sách nhà nước nhằm tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ trường đại học mạnh mẽ hơn nữa. Các thủ tục, quy trình hướng dẫn thực hiện của đề án thí điểm cần được triển khai một cách đồng bộ và cơ chế thí điểm đủ độ rộng để các bên tham gia có động lực và lợi ích xuyên suốt quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo kinh nghiệm quốc tế.

Thứ năm, đẩy mạnh chính sách phát triển đại học tự chủ gắn với chuyển giao tri thức. Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã cho phép các trường đại học được tự chủ. Tuy nhiên, việc tự chủ vẫn chưa được như mong muốn do còn nhiều vướng mắc với các quy định từ các cơ quan ban ngành khác.

Cuối cùng, tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia đi trước như Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc… giai đoạn đầu hình thành thị trường KH&CN rất cần vai trò bà đỡ của Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng nguồn cung thông qua hỗ trợ các dự án hoàn thiện công nghệ, kích cầu doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua chính sách ưu đãi thuế, tín dụng và chính sách mua sắm công, nâng cao chất lượng dịch vụ thị trường thông qua hỗ trợ năng lực cho tổ chức trung gian và minh bạch thông tin thị trường thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao và các chương trình đánh giá xếp hạng các tổ chức theo tiêu chí về thương mại hóa.

Mai Văn Thủy

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)