Thứ năm, 29/12/2022 15:09

Trung tâm lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao - giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Những năm gần đây, các tiến bộ về khoa học và công nghệ (KH&CN) đã mang đến những thay đổi lớn trên nhiều lĩnh vực và góp phần quan trọng tới mọi mặt đời sống của con người. Một trong những tiến bộ đó là việc các thiết bị phần cứng ngày nay đang trở nên hoàn hảo và đáp ứng được khả năng tính toán mạnh mẽ trước những yêu cầu phức tạp mà con người đề ra. Tính toán hiệu năng cao (High Performance Computing-HPC) trên cơ sở các hệ thống siêu máy tính là một trong những thành phần cốt lõi trong sự phát triển đó, đánh dấu cho sự thay đổi trong bước chuyển hóa về nghiên cứu dựa trên những công cụ tính toán lớn. Đây cũng là chủ đề của Hội thảo khoa học: Trung tâm lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao - Định hướng ứng dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức ngày 29/12/2022 tại Hà Nội.

Xu thế tiếp cận mới

Ngày nay, việc sử dụng máy tính hiệu năng cao trong các ngành khoa học và kỹ thuật đã và đang thay đổi cơ bản tiến trình nghiên cứu khoa học. Các ngành khoa học cơ bản trước đây dần đã chuyển đổi với thành phần không thể thiếu là “tính toán” như “sinh học tính toán”, “hoá học tính toán”, “vật lý tính toán”, “vật liệu tính toán”, “cơ học tính toán”, “địa vật lý tính toán”... Các ngành khoa học này có điểm chung là xử lý thông tin, phân tích và dự báo kết quả bằng tính toán, mô phỏng sử dụng nền tảng tính toán hiệu năng cao. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các trung tâm HPC cũng là hạ tầng số để triển khai các nền tảng xử lý dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng trong công nghiệp.

Hiện nay, quá trình sử dụng và tiếp cận hệ thống HPC vẫn có những hạn chế nhất định do người dùng vẫn phải cần tới một số kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin, đặc biệt là kiến thức về mạng máy tính và hệ điều hành. Quá trình sử dụng HPC thông thường sẽ làm việc trên các dòng lệnh phức tạp mà hệ điều hành Linux đặt ra từ việc kết nối đến hệ thống thông qua giao thức SSH tới việc đẩy bài toán và thực hiện tính toán trên các tài nguyên được chỉ định. Một số dòng lệnh có thể phức tạp và cần sự linh hoạt để triển khai một số bài toán cụ thể trên máy chủ HPC, điều này sẽ dẫn tới việc tốn thời gian và không hiệu quả khi sử dụng. Phần lớn người sử dụng đã quá quen với việc thao tác trên một máy tính có giao diện đồ họa người dùng (Graphical User Interface-GUI) như window và khi phải làm việc trên cửa sổ dòng lệnh sẽ gây ra những trải nghiệm khó khăn. Một nhược điểm nữa có thể nói tới là việc không thể hiển thị được quá trình mô phỏng cũng như tính toán trong giai đoạn xử lý bài toán, cùng với đó, người dùng phải tải kết quả từ máy chủ về máy tính cá nhân để có thể trực quan hóa quá trình tính toán và mô phỏng cho bài toán của mình.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, ngày 26/01/2021 Chỉnh phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030. Chiến lược đặt ra một số mục tiêu cụ thể như đưa Việt Nam lên top 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực, phát triển 3 trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và HPC; kết nối với các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm HPC trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI.

Tìm lời giải cho bài toán khó

Để đạt được các mục tiêu đề ra Chính phủ đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giao cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện theo từng giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030, trong đó Chính phủ giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xây dựng 1 trong 3 trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và HPC, tính toán đám mây, tính toán sương mù, cùng với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

PGS.TS Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, để triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác xây dựng Đề án “Xây dựng trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và HPC trực thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam” tại Quyết định số 1914/QĐ-VHL và Quyết định số 1915/QĐ-VHL ngày 15/11/2021. Nhiệm vụ xây dựng đề án là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Viện đòi hỏi sự hợp tác giúp đỡ, sự đóng góp của tất cả các đơn vị, đặc biệt là sự ủng hộ, hợp tác của nhiều bộ/ngành có liên quan.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, việc thành lập một trung tâm dữ liệu lớn về HPC là việc làm rất cần thiết. Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam mà còn của cả quốc tế. Vấn đề hiện nay của chúng ta là cần đẩy nhanh tiến độ, có sự tham gia vào cuộc của nhiều đơn vị khác nhau. Ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh, 3 trung tâm dữ liệu lớn của quốc gia phải có sự liên kết với nhau, có tầm nhìn nhất định để giải quyết các bài toán quốc gia gắn với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Lý Hoàng Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Cao (Bộ KH&CN) cho biết, trong bối cảnh AI có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi sự phát triển kinh tế - xã hội của  tất cả các quốc gia trên thế giới. Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển AI tại Việt Nam trong thời gian qua. Công nghệ AI đã ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam, được ứng dụng mạnh mẽ, tích cực, nhất là trong các lĩnh vực như: ngân hàng, thương mại điện tử, đô thị thông minh, y tế - bảo hiểm, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, hiện trạng phát triển AI của chúng ta còn hết sức khiêm tốn so với các nước phát triển trên thế giới. Theo Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ (Government AI Readiness Index) năm 2022" do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện, Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN. Để tiếp tục duy trì sự phát triển trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục triển khai các nội dung và 05 định hướng của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, bao gồm (Xây dựng hành lang pháp lý; xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán; phát triển hệ sinh thái AI; thúc đẩy ứng dụng AI; thúc đẩy hợp tác quốc tế) và đặc biệt triển khai 5 đề án đã được ban hành trong phụ lục của Chiến lược và một trong 5 đề án đó là xây dựng 3 trung tâm dữ liệu lớn và HPC tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Trong đó Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cần tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu lớn phục vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng và triển khai công nghệ và phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại Việt Nam. 

Cũng liên quan đến lĩnh vực AI, thời gian gần đây Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Một trong số đó là Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) được tổ chức thường niên để thảo luận xây dựng chính sách, bàn các giải pháp thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về AI tại các trường đại học, viện nghiên cứu; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài như Australia, Phần Lan… để đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến sự phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Phượng - Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)