Thứ tư, 28/12/2022 10:23

Hướng tới chính sách thông minh

Hoàng Xuân Long, Hoàng Lan Chi

Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ

Từ trước đến nay, nước ta đã có nhiều bước phát triển về chính sách, những phát triển này gắn liền với đổi mới mô hình quản lý Nhà nước, đổi mới phương thức hoạch định chính sách, tăng cường sự tham gia của các thành phần xã hội vào xây dựng và thực thi chính sách… Tuy nhiên, những bước tiến về chính sách đã không vượt qua được giới hạn là phụ thuộc một cách thụ động và tuyệt đối vào bộ máy quản lý Nhà nước, trở nên thiếu tính linh hoạt, mất khả năng tự điều chỉnh để phù hợp hơn với cuộc sống. Bản thân Nhà nước có cả điểm mạnh, điểm yếu và chính sách phải thể hiện được vai trò cả trong phát huy điểm mạnh cũng như khắc phục điểm yếu. Một loại chính sách mới - tạm gọi là chính sách thông minh sẽ giúp khắc phục những hạn chế trong phát triển chính sách và phát huy bước tiến về công nghệ.

Ý nghĩa của chính sách thông minh

Ý nghĩa của chính sách thông minh được thể hiện nổi bật trên các mặt: khắc phục hạn chế trong phát triển chính sách, phát huy bước tiến về công nghệ - cụ thể là công nghệ số, và đồng bộ với thay đổi của đối tượng chính sách. Việc số hóa chính sách giúp khắc phục tính chủ quan của các thành phần riêng rẽ trong bộ máy quản lý Nhà nước. Ở mức độ thấp, chính sách sẽ hình thành các căn cứ, tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch giúp tăng cường sự thống nhất giữa các thành phần khác nhau. Với mức cao hơn, nội dung chính sách được đa dạng hóa, tích hợp nhiều kịch bản, tình huống ứng với nhiều bối cảnh thực tế. Tại mức độ cao hơn nữa, chính sách sẽ tự điều chỉnh theo biến đổi của môi trường thực thi. Có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa nội dung trong văn bản chính sách và hệ thống kỹ thuật thu thập thông tin, tính toán và ra quyết định. Như vậy, vẫn là công cụ của Nhà nước, nhưng chính sách đã biết ứng dụng công nghệ làm công cụ của mình, vừa để chủ động phát huy điểm mạnh, vừa khắc phục điểm yếu.

Chính sách thường thay đổi theo yêu cầu của đối tượng được tác động. Dựa trên công nghệ số, thực tế đang hình thành một số đối tượng chính sách mang tính thông minh như thành phố thông minh, doanh nghiệp thông minh… Các đối tượng mới này đòi hỏi chính sách can thiệp phải linh hoạt hơn, chính xác hơn, thân thiện hơn. Theo đó, bản thân chính sách phải thay đổi theo hướng tăng tính chủ động và tự điều chỉnh thay vì phụ thuộc và trông cậy nhiều vào điều khiển của bộ máy quản lý Nhà nước.

Một số yêu cầu cụ thể đối với chính sách thông minh

Cùng với các ý nghĩa nêu trên, cũng có một số yêu cầu cụ thể đối với chính sách thông minh như: nâng cao năng suất của hoạt động chính sách; ngăn chặn sai phạm chủ quan trong thực thi chính sách; mở rộng can thiệp chính sách vào những quan hệ tinh vi và có chiều sâu của cơ chế thị trường; đáp ứng yêu cầu từ hoạt động kinh tế, xã hội được số hóa.

Vấn đề năng suất của hoạt động chính sách ngày càng được chú ý bởi nhiều lý do: phạm vi chính sách mở rộng, khối lượng hoạt động chính sách tăng lên thì năng suất hoạt động chính sách càng nổi bật; tăng năng suất hoạt động chính sách sẽ góp phần giải quyết mâu thuẫn giữa đòi hỏi tăng cường can thiệp của Nhà nước và hạn chế về lực lượng trong bộ máy Nhà nước... Áp dụng công nghệ số vừa hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động vừa loại trừ một bộ phận yếu kém của bộ máy quản lý Nhà nước. Áp dụng công nghệ số tạo điều kiện cho đối tượng chính sách tham gia vào hoạt động chính sách. Thông qua đó, sự tham gia của đối tượng chính sách đối với bộ máy quản lý và chủ thể chính sách, năng suất hoạt động của chính sách sẽ được tăng lên đáng kể. Công nghệ số còn giúp kiểm soát hoạt động của các cá nhân, tập thể trong thực hiện chính sách như: tạo điều kiện để đối tượng chính sách tham gia giám sát hoạt động của chủ thể chính sách, giảm thiểu một phần phạm vi hoạt động và thành phần trong bộ máy thực thi chính sách.

Khuyết tật của cơ chế thị trường có thể tồn tại ở nhiều phạm vi, trong đó có cả những quan hệ tinh vi và mang tính chiều sâu… Sự can thiệp của Nhà nước thường khó tiếp cận đến những phạm vi này. Với hỗ trợ của công nghệ số, năng lực của bộ máy quản lý Nhà nước sẽ được nâng cao, đủ sức nhận biết và xử lý nhiều mối quan hệ tinh vi, có chiều sâu của cơ chế thị trường. Công nghệ số được áp dụng cũng làm thay đổi hoạt động kinh tế, xã hội. Trong các quan hệ kinh tế, xã hội nổi bật lên mối quan hệ mang tính công nghệ. Phần quan hệ công nghệ tăng lên đòi hỏi và cho phép áp dụng công nghệ số trong chính sách can thiệp của Nhà nước. Quản lý vi mô ở các đơn vị kinh tế, xã hội ngày càng phát triển với bộ máy quản lý chuyên nghiệp, hình thành các chiến lược và giải pháp của đơn vị để chủ động xử lý các mối quan hệ có liên quan. Phát triển quản lý vi mô đòi hỏi và cho phép mở rộng sự tham gia của đối tượng chính sách vào xây dựng và thực thi chính sách của Nhà nước.     

Đặc điểm của chính sách thông minh

Thao tác chính sách và ra quyết định chính sách

Vận hành chính sách bao gồm 2 hoạt động chính là thao tác chính sách và ra quyết định. Thao tác chính sách là các hoạt động tạo đầu vào cho ra quyết định chính sách (thu thập thông tin, sàng lọc thông tin…) và các hoạt động đầu ra của quyết định chính sách (cung cấp thông tin chính sách đến đối tượng chính sách, tiến hành các ưu đãi, xử phạt đối với đối tượng chính sách…). Ra quyết định chính sách cần tập trung vào việc xác định rõ mục tiêu, đối tượng và công cụ chính sách. Với hai loại hoạt động này sẽ có các trạng thái sau:

Một là, thao tác chính sách và ra quyết định chính sách dựa vào bộ máy quản lý Nhà nước và chủ thể chính sách. Không có sự tác động đáng kể của công nghệ số và đối tượng chính sách.

Hai là, thao tác chính sách có sự tác động đáng kể của công nghệ số và đối tượng chính sách; trong khi ra quyết định, chính sách vẫn dựa vào bộ máy quản lý Nhà nước và chủ thể chính sách.

Ba là, thao tác chính sách và ra quyết định chính sách dựa vào tác động đáng kể của công nghệ số và đối tượng chính sách.

Ba trạng thái trên là các tầng khác nhau và chính sách thông minh ứng với trạng thái thứ ba. Trong chính sách thông minh, hoạt động ra quyết định chính sách của bộ máy quản lý Nhà nước được hỗ trợ đáng kể và phần nào thay thế bởi công nghệ số, hoạt động của chủ thể chính sách hỗ trợ đáng kể và phần nào thay thế bởi hoạt động của đối tượng chính sách.

Nội dung chính sách

Tác động của công nghệ số vào hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước và tác động của đối tượng chính sách vào hoạt động của chủ thể chính sách không chỉ thể hiện trong hoạt động vận hành chính sách (như đã nêu ở trên) mà cả trong nội dung văn bản chính sách.

Nội dung chính sách có ý nghĩa như những kịch bản chi phối hành động thực thi chính sách, đảm bảo thực thi chính sách diễn ra theo đường dẫn nhất định. Trong nội dung chính sách thông minh hàm chứa các tình huống xử lý mối quan hệ giữa công nghệ số và hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước, giữa đối tượng chính sách và chủ thể chính sách. So với nội dung chính sách thông thường, trong chính sách thông minh còn có thêm quy định cách thức thực hiện thông qua công nghệ số và sự tham gia của đối tượng chính sách. Nội dung của chính sách thông minh không chỉ nêu rõ ai làm, nhằm mục tiêu gì, hướng tới đối tượng điều chỉnh nào và bằng công cụ can thiệp gì, mà còn nói tới cả cách thức thực hiện các công cụ can thiệp như thế nào.

Thay đổi trong chủ thể chính sách, mục tiêu chính sách, đối tượng chính sách và công cụ chính sách

Quy mô bộ máy quản lý liên quan tới chủ thể chính sách được thu gọn lại trên cơ sở loại bớt phần bổ sung, thay thế từ công nghệ số và tác động của đối tượng chính sách. Bộ máy quản lý Nhà nước được tăng tính tập trung trong thực hiện chính sách và tăng tính phân cấp trong xây dựng chính sách. Những xu hướng trái chiều này gắn với tác động của công nghệ số và tác động của đối tượng chính sách. Có thể thấy, dưới ánh hưởng của công nghệ số và đối tượng chính sách, bộ máy quản lý Nhà nước được cơ cấu lại khá cơ bản để đảm nhiệm vai trò chủ thể của chính sách thông minh.

Phạm vi của mục tiêu chính sách mở rộng hơn, một phần nhờ hỗ trợ của công nghệ số và tham gia của đối tượng chính sách nên nhận dạng rõ phạm vi cần sự can thiệp của Nhà nước. Mục tiêu chính sách có thể nhằm tới những can thiệp của Nhà nước vào các phạm vi phức tạp mà chỉ bằng công nghệ số, sự vào cuộc của đối tượng chính sách mới có thể nhận biết rõ và thể hiện chính xác. Mục tiêu này bao gồm nhiều loại phạm vi can thiệp của Nhà nước được trình bày cụ thể, rõ ràng, thậm chí theo những tình huống khác nhau.

Tác động bổ sung, thay thế chủ thể chính sách làm thay đổi vị thế của đối tượng chính sách. Không chỉ là thay đổi vai trò từ thấp đến cao, mà còn chuyển từ bị động sang chủ động, từ độc lập sang liên kết với chủ thể chính sách… Bổ sung và thay thế một phần hoạt động của chủ thể chính sách là điểm mới của đối tượng chính sách, tuy nhiên đây không phải là chuyển dịch vị trí từ đối tượng sang chủ thể, không phải là thêm một chức năng mới bên trong đối tượng chính sách. Trong bổ sung, thay thế hoạt động chủ thể chính sách, đối tượng chính sách vẫn đứng trên lợi ích của bản thân, khai thác thế mạnh của bản thân… Điểm mới chỉ là tiềm năng sẵn có về hiểu biết nhu cầu, giám sát chính sách, có cơ hội thể hiện trong điều kiện áp dụng công nghệ số vào chính sách.

Công cụ chính sách thông minh có thêm chức năng: tác động vào bộ máy quản lý Nhà nước nhằm thay đổi hoạt động theo hướng số hóa; tác động vào chủ thể chính sách nhằm phục vụ lợi ích của đối tượng chính sách. Phần bổ sung, thay thế hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước từ công nghệ số và phần bổ sung, thay thế hoạt động của chủ thể chính sách từ đối tượng chính sách cũng được bao gồm trong công cụ chính sách. Chính nhờ sự tăng thêm của chức năng và phần hoạt động này mà bên trong công cụ chính sách có nhiều quan hệ tương tác và khả năng tự điều chỉnh.

*

*        *

Công nghệ số và sự tham gia của đối tượng chính sách đã tạo nên dấu ấn khác biệt trong can thiệp của Nhà nước vào cơ chế thị trường. Nếu như cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp xử lý các vấn đề bằng mệnh lệnh hành chính, chính sách gắn với cơ chế thị trường xử lý vấn đề bằng cảm giác thị trường, thì chính sách thông minh xử lý các vấn đề bằng tính toán từ những thông tin thị trường. Dựa trên nền tảng công nghệ số, chính sách đã có chuyển đổi khá toàn diện, cơ bản và sâu sắc để trở thành thông minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. IBM Centre for the Business of Government (2018), The future has begun: Using artificial intelligence to transform government, The Partnership for Public Service, 22pp.

2. http://www.icdk.us/aai/public_administration.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)