Dịch chuyển dòng vốn đầu tư diễn ra mạnh mẽ
Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu đã được lựa chọn là chủ đề cho diễn đàn năm nay trong bối cảnh xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc do chịu ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn. Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia, trong đó các cơ hội đầu tư đang càng trở nên khó khăn hơn đối với cả các doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) và các nhà đầu tư.
Theo phân tích của Crunchbase News, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý III/2022 là 81 tỷ USD, giảm 90 tỷ USD (53%) so với năm trước và 40 tỷ USD (33%) so với quý trước. Tại Đông Nam Á, thị trường đầu tư khởi nghiệp ĐMST thu hút 3,72 tỷ USD trong quý III/2022, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với quý II/2022. Mặc dù tổng giá trị đầu tư giảm sút, nhưng thị trường Đông Nam Á vẫn được đánh giá là tiềm năng do một số yếu tố chính như: tốc độ tăng trưởng của khu vực dự kiến duy trì ở mức 4-5%/năm; quy mô thị trường lớn với 680 triệu dân; mức độ phủ internet sâu rộng, tổng giá trị hàng hóa của kinh tế số dự đoán đạt 200 tỷ USD trong năm 2022, sớm 3 năm so với các dự đoán trước đó. Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng người dùng Internet với 20 triệu người dùng mới vào năm 2022, nâng tổng số người dùng Internet lên 460 triệu người.
Ông Vinnie Lauria - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures cho biết: “Trong thập kỷ đầu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu, trong đó Singapore mang đến nguồn tài chính và con người, Indonesia mang đến một thị trường nội địa khổng lồ. Đến năm 2022, Việt Nam là trụ cột thứ ba của tam giác vàng này, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu, một văn hóa khởi nghiệp vốn có của Việt Nam và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng. Khi kết hợp các yếu tố này với nhau đã giải thích được tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu đặt cược lớn vào Đông Nam Á”. Khu vực này vẫn tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu trong nước cao hơn nhờ nhiều quốc gia mở cửa, trong khi chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc và cuộc chiến Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra khủng hoảng năng lượng, từ đó tạo ra những cơ hội mới cho Đông Nam Á.
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm 2022 từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), sự xuất hiện và phát triển của châu Á được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng GDP cao nhất 4,9% vào năm 2023 trong số các khu vực trọng điểm toàn cầu, bao gồm châu Âu, Mỹ, Mỹ Latinh và Trung Đông. Sự cởi mở khu vực đối với thương mại, trình độ giáo dục ngày càng cao, lực lượng lao động cũng ngày càng lành nghề, dân số trẻ, khả năng cơ động cao kết hợp của chuỗi cung ứng khu vực đã biến Đông Nam Á trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn trong các lĩnh vực khác nhau như điện tử, ô tô, dược phẩm và dệt may, đồng thời là điểm nóng cho đổi mới kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, Đông Nam Á đã tham gia nhiều thỏa thuận thương mại và đều mang lại cơ hội lớn để vươn tới cả ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, cùng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư ASEAN ký kết gần đây được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy FDI trong khu vực bền vững hơn trong trung và dài hạn.
“Tam giác vàng khởi nghiệp” - động lực tăng trưởng mạnh mẽ
Một trong những lý do khiến Đông Nam Á tiếp tục có tiềm năng dài hạn là sự kết hợp độc đáo giữa các thị trường. Trong đó, “tam giác vàng khởi nghiệp”: Việt Nam - Singapore - Indonesia đang trỗi dậy và trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Báo cáo “Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á” của Golden Gate Ventures ghi nhận sự “cộng sinh” của các thị trường Singapore, Indonesia và Việt Nam, mở ra cơ hội tăng trưởng tiếp theo cho Đông Nam Á.
Theo Golden Gate Ventures, Singapore đóng vai trò quan trọng như một “thị trường kết nối” ở Đông Nam Á, chịu trách nhiệm tiên phong và lãnh đạo hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Đảo quốc Sư tử còn đứng thứ hai về Chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu, có khả năng lãnh đạo quốc gia ổn định với tầm nhìn dài hạn và dân số có trình độ học vấn cao. Những yếu tố này kết hợp lại khiến đất nước này nhận được dòng vốn FDI lớn nhất tại Đông Nam Á.
Với lợi thế là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, Indonesia mang đến một thị trường tiêu dùng khổng lồ đang phát triển trên nền tảng di động và có hiểu biết về kỹ thuật số, đặc biệt là trong phân khúc thương mại điện tử. Covid-19 như một chất xúc tác đã mang lại sự chuyển đổi kỹ thuật số chỉ sau một đêm, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử ở Indonesia vượt xa mức trước đại dịch, một tài sản quý giá khiến Đông Nam Á ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.
Việt Nam đã và đang tham gia “Tam giác vàng khởi nghiệp” ở Đông Nam Á bằng cách mang tới một thị trường nội địa trẻ, sôi nổi với những tài năng công nghệ lớn và sự đổi mới liên tục. Cơ hội từ tam giác vàng này khó có thể tái tạo ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới và sức mạnh của bộ ba Singapore - Indonesia - Việt Nam sẽ khiến Đông Nam Á trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Việt Nam - Một điểm sáng thu hút đầu tư
Việt Nam hiện được đánh giá là viên ngọc quý mới nhất của Đông Nam Á và sự trỗi dậy của đất nước nhỏ bé này là kết quả từ sức hấp dẫn của thị trường với các nhà đầu tư, cũng như sự hỗ trợ từ phía chính phủ với hệ sinh thái KNĐMST. Theo NIC, startups Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019. Điều này cho thấy hoạt động giao dịch trên thị trường đã được cải thiện đáng kể, lấy lại động lực sau khi sụt giảm do đại dịch Covid-19. Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục vào năm 2023 với mức GDP dự đoán là 6,7% vào năm 2023.
Một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng ĐMST… Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này. Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Trong bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu, vị thế của Việt Nam trong khu vực, những tác động của Covid-19 và xu hướng các quỹ đầu tư phát triển mạnh đã tạo ra bối cảnh thuận lợi để Việt Nam chiếm vị trí nổi bật. Tại diễn đàn, số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư trong 3 năm 2023-2025 là 1,5 tỷ USD và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.
Các startups đang trình bày các ý tưởng kinh doanh và gọi vốn với các quỹ tại Speech Matching (Ảnh NIC).
Bên cạnh những phiên tham luận chuyên đề và tọa đàm với sự đồng hành của các chuyên gia, diễn giả có tầm ảnh hưởng mang lại những giá trị và thông tin hữu ích, chương trình Speed Matching - không gian hỗ trợ các startup gặp gỡ và kết nối với hơn 30 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế cũng diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022.
Lê Huyền Trang