Thứ năm, 22/12/2022 15:43

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam

Đây là chủ đề của Hội thảo quốc gia do Học viện Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN Việt Nam) phối hợp với Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức ngày 21/12/2022 tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, bộ/ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và ngân hàng thương mại trong nước.

Tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN) kéo theo sự gia tăng về số lượng và phong phú về loại hình các tổ chức cung ứng, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, ứng dụng công nghệ hiện đại. Theo đó, người tiêu dùng dịch vụ tài chính cũng là đối tượng rất dễ vướng vào các tranh chấp.

TS Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN Việt Nam) cho biết, tại Việt Nam, theo quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011, phạm vi khiếu nại chỉ áp dụng đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại. Như vậy, Luật Khiếu nại năm 2011 chỉ giới hạn trong cơ quan hành chính và không áp dụng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Nhà nước. Do đó, các tổ chức cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính đều không thuộc phạm vi áp dụng của Luật khiếu nại này. Điều 8, Điều 48, Điều 49 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng đã quy định người tiêu dùng được quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền. Đồng thời, phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án cũng được quy định chi tiết tại Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN Việt Nam mới chỉ ban hành quy định chi tiết về việc tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tranh chấp liên quan đến hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016); quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán (Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 và Thông tư 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020 sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN); dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán (Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 và Thông tư 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-NHNN); và hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 và Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN).

Trong lĩnh vực bảo hiểm, Khoản 10 Điều 20 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000 đã quy định nội dung quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm có bao gồm thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Trong lĩnh vực chứng khoán, Luật Chứng khoán năm 2019 dành hẳn 1 chương (Chương IX - thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại gồm 5 điều) để quy định cụ thể về cơ chế tiếp nhận và xử lý tranh chấp, khiếu nại về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

TS.LS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Công ty Luật Gattaca cho rằng, hòa giải thương mại và trọng tài thương mại là các phương thức có nhiều ưu điểm trong giải quyết tranh chấp thương mại, nhất là trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại số vụ việc thực tiễn được giải quyết thông qua các phương thức này vẫn còn khá hạn chế. Điển hình cho hạn chế trên là thói quen khá phổ biến khi giao kết hợp đồng của các chủ thể kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là còn chưa quan tâm thấu đáo đến các điều khoản hợp đồng. Bên cạnh đó, sự thiếu thông tin về phương thức giải quyết thông qua hòa giải thương mại và trọng tài thương mại; bên cạnh đó là sự e ngại, thiếu tin tưởng vào tính bảo đảm thực thi của kết quả hòa giải, phán quyết trọng tài thương mại. Đây được coi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phương thức hòa giải, trọng tài chưa được phổ biến tại Việt Nam.

Giải quyết tranh chấp bằng cơ chế và chính sách

Với sự ra đời của các thể chế toàn cầu, khu vực và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ theo cả chiều rộng và chiều sâu trên hầu hết các phương diện thương mại, tài chính đầu tư và ngân hàng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, Việt Nam đứng trước rủi ro tranh chấp, khiếu nại từ các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư song phương và đa phương. Điều này đòi hỏi các nhà lập chính sách cần phải lưu tâm trong quá trình lập và điều hành chính sách, hoàn thiện cơ chế để phòng ngừa rủi ro phát sinh và tránh các hệ lụy trong lĩnh vực ngân hàng.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Bùi Hữu Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cho rằng, nền kinh tế nước ta trong những năm trở lại đây đang phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau. Các quan hệ kinh tế được thực hiện với tốc độ nhanh chóng chưa từng có, cùng với đó, nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang dần được khẳng định trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng dẫn đến nhiều hệ quả khác nhau, đặc biệt là nảy sinh nhiều tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Thực tế, tranh chấp kinh doanh thương mại phát sinh mang tính tất yếu, vấn đề đặt ra là cần kịp thời giải quyết một cách hiệu quả và toàn diện nhất. Để thực hiện được yêu cầu này, pháp luật Việt Nam đã quy định nhiều phương thức giải quyết tranh chấp, gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Xét trên thực tiễn, hai phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại là những phương thức giải quyết mang nhiều tính ưu việt so với những phương thức giải quyết khác. Hai phương thức giải quyết này dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện và vẫn bảo đảm tính thực thi trong thực tiễn. Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài, hòa giải thương mại diễn ra thường xuyên nếu như các bên không thể tự thương lượng được. Những ưu điểm nổi bật của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hoà giải thương mại có thể kể đến như sự nhanh chóng, bảo đảm uy tín và bí mật trong kinh doanh. Theo đó, hành lang pháp lý điều chỉnh về các phương thức giải quyết tranh chấp này đều được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó, đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể trong tranh chấp.

Ở Việt Nam, các quy định của pháp luật điều chỉnh về trọng tài, hòa giải thương mại mặc dù đã được hình thành, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Điều này dẫn đến hệ quả là quá trình áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hoà giải thương mại cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong nhiều trường hợp, phán quyết của trọng tài hoặc kết quả hòa giải thương mại chưa được thực thi triệt để, đây trở thành vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, với riêng các tổ chức tài chính, tín dụng là những chủ thể chịu ảnh hưởng đáng kể trong các tranh chấp kinh doanh thương mại, Vì vậy, sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại hiện được các tổ chức tài chính, tín dụng đặc biệt quan tâm vì những ưu điểm mà nó mang lại. Đồng thời, sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại sẽ đảm bảo được tối đa quyền lợi của các tổ chức tài chính, tín dụng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

ThS Vũ Minh Châu - Trưởng phòng Hợp tác đa phương, Thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định CPTPP, Vụ Hợp tác Quốc tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực của việc phải nâng cao hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như hòa giải và thương lượng vốn chưa phát triển và phổ biến ở Việt Nam. Chính điều này sẽ đặt ra những khó khăn không hề nhỏ nếu Việt Nam không chuẩn bị kỹ lưỡng và thiếu các chuyên gia, nguồn nhân lực cũng như năng lực và bộ máy để giải quyết tranh chấp theo các phương thức không mang tính tài phán này. Do vậy, NHNN Việt Nam cần tiến hành đào tạo chuẩn bị đội ngũ chuyên gia, luật sư nắm được quy định của các tổ chức trọng tài quốc tế về thủ tục và quy trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, đề phòng các trường hợp phát sinh kiện tụng tại quốc tế.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)