Thứ năm, 22/12/2022 10:20

Một số chính sách khoa học và công nghệ nổi bật ban hành năm 2022

Năm 2022, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một số văn bản liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST). Những văn bản này thể hiện vai trò đột phá chiến lược của KH,CN&ĐMST; đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với hệ thống KH,CN&ĐMST; góp phần hội nhập/thực hiện các cam kết quốc tế về kinh tế, thương mại…

Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật đo lường

Ngày 21/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật đo lường. Nội dung chính của Nghị định 13/2022/NĐ-CP được thể hiện qua 2 điều:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (1. Sửa đổi, bổ sung điểm k khoản 7 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; 2. Sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 7 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; 3. Bổ sung Mục 8 Chương II “Quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa” tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và bổ sung Điều 19 đ trong Mục 8; 4. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; 5. Sửa đổi điểm l khoản 2 Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; 6. Sửa đổi điểm g khoản 3 Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; 7. Bổ sung điểm h khoản 3 Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP).

Điều 2. Bãi bỏ một số điều và thay thế một số biểu mẫu Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP (1. Bãi bỏ khoản 2 Điều 19b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; 2. Bãi bỏ Điều 19 d Nghị định số 132/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; 3. Bãi bỏ Mẫu số 15, Mẫu số 16, Mẫu số 17, Mẫu số 18 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; 4. Bãi bỏ khoản 2 Điều 17 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường; 5. Thay thế Mẫu số 12, Mẫu số 14 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 74/2018/NĐ-CP bằng Mẫu số 12, Mẫu số 14 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030

Ngày 11/05/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (KH,CN&ĐMST) theo Quyết định số 569/QĐ-TTg. Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) mà còn với toàn thể hệ thống chính trị bởi vai trò của KH,CN&ĐMST trong 10 năm tới, là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các nội dung của Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở khoa học, có căn cứ thực tiễn và đồng bộ với những nội dung có liên quan trong các văn bản của Đảng và Nhà nước đã ban hành về định hướng phát triển kinh tế (KT-XH) và KH,CN&ĐMST, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; kế thừa có chọn lọc các nội dung của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; bổ sung nội hàm “đổi mới sáng tạo” để phù hợp với bối cảnh mới và tham khảo Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST của một số quốc gia… Chiến lược thể hiện xuyên suốt, đồng bộ trong 5 nội dung chính, gồm: (i) Quan điểm phát triển KH,CN&ĐMST; (ii) Mục tiêu phát triển KH,CN&ĐMST; (iii) Định hướng chủ yếu phát triển KH,CN&ĐMST; (iv) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KH,CN&ĐMST; (v) Tổ chức thực hiện.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) (sau đây gọi tắt là Luật SHTT 2022) đã được Quốc hội thông qua. Luật SHTT 2022 có phạm vi khá rộng, với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Khác với 2 lần sửa đổi trước đây, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT 2022 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển KT-XH của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa vào KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số.

Nội dung sửa đổi của Luật SHTT 2022 tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, gồm: 1) Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; 2) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; 3) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 4) Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT; 5) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; 6) Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền SHTT; 7) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập.

Một trong những nội dung quan trọng, nổi bật nhất của Luật SHTT 2022 là quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả. Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền SHTT do Nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 17/11/2022, tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã nêu lên tình hình, đưa ra quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu (trong đó có nhiệm vụ, giải pháp thứ hai và thứ năm của Nghị quyết có đề cập đến những vấn đề liên quan đến KH,CN&ĐMST).

Một trong những nội dung của nhiệm vụ, giải pháp thứ hai của Nghị quyết (xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) nêu rõ: Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển KH,CN&ĐMST phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Có chính sách ưu đãi phù hợp về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai... cho nghiên cứu KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai; tạo thuận lợi cho trích lập và sử dụng hiệu quả quỹ đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Ban hành cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn thông qua tăng cường chính sách đặt hàng đào tạo và thực hiện hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với cơ sở đào tạo và người học. Rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo hướng không ưu đãi theo diện rộng, dàn trải đến các phân ngành công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực được xác định theo tiêu chí phù hợp cho từng giai đoạn; bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu, công nghệ, vốn đầu tư, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp... Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để khắc phục chồng chéo, bất cập không phù hợp trong chính sách ưu đãi thuế theo ngành, lĩnh vực đầu tư và theo địa bàn; có các chính sách thuế nhằm khuyến khích phát triển KH,CN&ĐMST phù hợp với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới, các công nghệ ưu tiên phát triển, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Nội dung nhiệm vụ, giải pháp thứ năm của Nghị quyết (phát triển KH,CN&ĐMST và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa) yêu cầu:

- Đẩy nhanh thể chế hóa và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KH,CN&ĐMST. Ưu tiên đầu tư cho KH,CN&ĐMST đi trước một bước; có lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước tính trên GDP cho nghiên cứu và phát triển, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, tiệm cận tỷ lệ bình quân chung của các nước thuộc khối OECD.

- Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu, các cụm liên kết ngành với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, tập trung vào các ngành có giá trị xuất khẩu và doanh thu lớn như dệt may, da giày, điện tử, thiết bị, máy móc, chế biến gỗ, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản, dược phẩm... Phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu. Triển khai mạnh mẽ các vườn ươm công nghệ, nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo.

- Thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù về KH,CN&ĐMST tại một số địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Rà soát, cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Rà soát, nâng cấp và đổi mới cơ chế vận hành hệ thống các phòng thí nghiệm do Nhà nước đầu tư. Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như toán học, vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển... làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

- Rà soát, hoàn thiện các chiến lược về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về KH,CN&ĐMST trong các trường phổ thông. Hình thành các chương trình cấp quốc gia và cấp địa phương, ngành, lĩnh vực về đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, lao động có kỹ năng, chuyên môn cao. Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ lao động nông thôn; tăng số lượng lao động kỹ thuật có tay nghề; phát triển nhân lực nghiên cứu, chuyên gia trong nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, các mô hình đại học mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số.

VH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)