Thứ sáu, 09/12/2022 15:54

Chuẩn bị nguồn nhân lực KH&CN cho kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Mekong Connect 2022 - Diễn đàn thường niên dành cho các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, chuyên gia… và các đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được tổ chức ngày 24/11/2022 tại TP Cần Thơ. Mekong Connect 2022 được điều phối bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ đồng thời được bảo trợ và cố vấn của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Nhân lực KH&CN ở ĐBSCL

Những năm qua, Ðảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển bền vững vùng ÐBSCL và đã có nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Riêng với TP Cần Thơ, Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, cũng mở ra rất nhiều triển vọng để Cần Thơ cùng với ÐBSCL cất cánh. Một trong những giải pháp chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững ÐBSCL chính là nguồn nhân lực KH&CN. Trước đó, tại Diễn đàn Phát triển bền vững ÐBSCL 2022 (SDMD 2022) do Trường Ðại học Cần Thơ tổ chức (30/10/2022), vấn đề này được bàn thảo khá nhiều. Hiện nay, hệ thống giáo dục đại học vùng ÐBSCL đang từng bước được hoàn thiện. Ở vị trí trung tâm của ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Sứ mệnh của Trường là trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của quốc gia, có đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và phát triển khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của đất nước; là nhân tố, động lực có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của vùng ĐBSCL, phấn đấu trở thành một trong những trường đại học hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được ghi nhận trong khu vực và thế giới. Hiện nay, Trường có 16 đơn vị đào tạo, thực hiện đào tạo 109 ngành bậc đại học, 48 ngành bậc cao học và 19 ngành bậc tiến sĩ, với tổng số 44.500 sinh viên và 2.500 học viên sau đại học. Đặc biệt, Trường đang hoàn thiện Dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2015-2022 (do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA hỗ trợ với sự phối hợp của 9 trường đại học đối tác Nhật Bản) nhằm nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, riêng ở TP Cần Thơ, đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ cao ngày càng tăng. Thành phố hiện có 6.768 người có hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó 970 người có học vị TS trở lên (chiếm 13,1%, tăng 2,2 lần so với năm 2015), bao gồm 23 GS, 206 PGS, hoạt động trong các cơ sở giáo dục và đào tạo (67,4%), tổ chức dịch vụ KH&CN (4,9%), tổ chức nghiên cứu và phát triển (4%), cơ quan quản lý nhà nước (1,2%) và các đơn vị sự nghiệp khác (22,4%). Hàng năm, đội ngũ cán bộ KH&CN của TP tham gia thực hiện gần 900 đề tài/dự án các cấp thuộc nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng... Ðây là lực lượng nòng cốt trong tiếp thu, làm chủ và đổi mới sáng tạo, có nhiều công trình, sáng kiến, giải pháp góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, năng suất lao động và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Bảo Anh (Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ) đang có tình trạng “chảy máu chất xám” ở vùng ÐBSCL. Tình trạng này diễn ra ở 3 cấp độ: nhỏ, trung bình và lớn. Ở phạm vi nhỏ, đó là sự dịch chuyển nguồn nhân lực trong các thành phần kinh tế, mà việc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước dịch chuyển sang khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là điển hình. Ở phạm vi trung bình, đó là sự dịch chuyển nguồn nhân lực từ địa phương này sang địa phương khác, từ đó dẫn đến hệ lụy nơi thừa nơi thiếu. Ở phạm vi lớn, tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra bởi xu thế dịch chuyển nhân lực giữa các quốc gia, khu vực. Dù diễn ra ở cấp độ nào thì “chảy máu chất xám” vẫn gây ra sự thất thoát nguồn nhân lực KH&CN, đặc biệt nhân lực chất lượng cao. Riêng với khu vực ÐBSCL, 3 nguyên nhân chính dẫn đến “chảy máu chất xám”, gồm: cơ hội việc làm chưa phong phú và chưa phù hợp; ÐBSCL chưa có chính sách thu hút nhân lực bền vững; trình độ phát triển KH&CN ở ÐBSCL còn hạn chế.

Để tiếp tục kích hoạt và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL bền vững, tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, như: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 287 ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… nhằm tập trung xây dựng quy hoạch vùng mang tính đột phá theo hướng tích hợp, đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng; xây dựng chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh...

Gợi ý từ các chuyên gia

Với đặc thù là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của cả nước, tạo nguồn nhân lực để phát triển nông nghiệp số đang là xu hướng và được nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đầu tư. TS Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Mỹ Lan cho rằng, để phát triển kinh tế ở ĐBSCL thì nông nghiệp số là xu thế tất yếu. Đầu năm 2016, Công ty Cổ phần Mỹ Lan đã thành lập RYNAN® Technologies Vietnam. Đây là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với 116 nhân viên, trong đó có 84 kỹ sư. Trong 84 kỹ sư này có 70 kỹ sư tốt nghiệp từ Trường Đại học Cần Thơ bao gồm các ngành: tự động hóa, lập trình, cơ khí, toán học, sinh học, hóa học, pháp lý. Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp số, Công ty muốn hợp tác với nhiều ngành đào tạo của Trường bao gồm tự động hóa, lập trình, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, điện toán biên, cơ khí, toán học, sinh học, hóa học, thủy sản, nông nghiệp và môi trường. Đặc biệt, Công ty đã đồng hành với Trường Đại học Cần Thơ thành lập chương trình “sinh viên vừa đi học vừa đi làm”. Theo đó, sinh viên từ năm thứ 2, mỗi năm sẽ đi làm 4 tháng có lương và về lại trường 8 tháng để học chuyên môn. Bốn năm đi học, 3 lần đi làm. Đây là chương trình mà doanh nghiệp đã có rất nhiều kinh nghiệm từ việc hợp tác với các trường đại học khác trong 16 năm qua.

Đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, các chương trình hợp tác giữa JICA và Trường Đại học Cần Thơ đã và đang trang bị để tăng cường năng lực giúp Trường đảm nhận vai trò đào tạo nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao cho ĐBSCL… Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, các chương trình thạc sĩ mới với trọng tâm là các vấn đề biến đổi khí hậu đã thu hút hàng trăm học viên là nhân viên công chức trong các cơ quan chính quyền địa phương, các công ty tư nhân và trường đại học ở khu vực ĐBSCL. Các giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ đã tốt nghiệp các chương trình tiến sĩ tại Nhật Bản cũng đang tích cực tham gia giảng dạy trong khóa học thạc sĩ về biến đổi khí hậu. JICA khuyến khích Trường Đại học Cần Thơ nuôi dưỡng mạng lưới cựu sinh viên “biến đổi khí hậu”, những người đang góp phần giải quyết các thách thức về môi trường và kinh tế mà khu vực sông Mekong đang phải ứng phó. JICA cam kết tiếp tục hỗ trợ Trường Đại học Cần Thơ trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của khu vực Mekong. Đặc biệt, JICA sẽ hỗ trợ xây dựng một trung tâm giáo dục và đào tạo quốc tế mới với vốn kết dư của dự án chưa sử dụng hết, để Trường Đại học Cần Thơ có thể tăng cường và tiếp cận các hoạt động giáo dục và nghiên cứu của trường với cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KHC&N Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, phát triển bền vững vùng ĐBSCL là nhiệm vụ chung, cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương. Bộ KH&CN cũng mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác với các bên phục vụ phát triển bền vững nhằm triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tạo lập môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành và phát triển các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh mối liên kết giữa các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN.

Hai là, phát triển thị trường KH&CN của vùng ĐBSCL nhằm tạo điều kiện thuận lợi đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào cuộc sống. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&CN tập trung thực hiện, nhằm đồng bộ thị trường KH&CN với thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường hàng hóa, tạo các điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy luật thị trường để KH&CN phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước.

Ba là, tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các dự án/chương trình KH&CN quy mô lớn, trọng điểm, tích hợp liên ngành, liên vùng, có sự tham gia nhiều bên, đáp ứng nhu cầu phát triển các lĩnh vực ưu tiên trong bối cảnh mới. Hiện nay, Bộ KH&CN đang cơ cấu lại các chương trình KH&CN cấp quốc gia, trong đó, sẽ tiếp tục triển khai Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030 với mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững ĐBSCL và đề xuất giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững.

Nguyễn Kim Anh (Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)