Thứ sáu, 09/12/2022 16:08

Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam

Cùng với xu hướng phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số (KTS) là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu hội nhập, việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực KTS; phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chuyển đổi chiến lược công nghệ số để phát triển KTS… là đóng vai trò quan trọng. Đây là chia sẻ của nhiều chuyên gia tại hội thảo khoa học quốc gia: “Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam” do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Khoa Hệ thống Thông tin Kinh tế và Thương mại Điện tử (Trường Đại học Thương mại) tổ chức ngày 9/12/2022 tại Hà Nội.

Xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế

TS Nguyễn Trần Hưng - Trưởng khoa Khoa Hệ thống Thông tin Kinh tế và Thương mại Điện tử cho biết, Báo cáo kinh tế số khu vực Đông Nam Á 2021 của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy, KTS và thương mại điện tử của Việt Nam đang có sự tăng trưởng thần kỳ dựa trên những lợi thế về dân số trẻ, sự phổ cập của các thiết bị di động thông minh, cùng với đó là sự hoàn thiện của các nền tảng hạ tầng luật pháp, công nghệ, thanh toán và logistics. Thực tế này đã khiến Việt Nam trở thành quốc gia có nền KTS và thị trường thương mại điện tử có sự phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% hàng năm trong giai đoạn từ 2020-2030. Thông qua việc phát triển một loạt các chính sách, chương trình về phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, sự nhận thức của toàn xã hội về vai trò, lợi ích thiết thực của phát triển KTS và thương mại điện tử tại Việt Nam đã có những bước tiến dài. Nếu giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn Việt Nam nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về thương mại điện tử, giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn thương mại điện tử đi vào cuộc sống của mỗi người dân cũng như chiến lược của các doanh nghiệp, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn mà thương mại điện tử giúp doanh nghiệp của Việt Nam đẩy mạnh phát triển thị trường  trong nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế, thì giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn thương mại điện tử sẽ trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền KTS, định hướng chuyển đổi số cho toàn quốc gia, thúc đẩy hoạt động thương mại dựa trên những nền tảng công nghệ mới nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển kinh doanh trong bối cảnh mới.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và KTS cho cho rằng, thương mại điện tử đã dần được toàn cầu hóa; công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Các mô hình thương mại điện tử đang ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền KTS. Trong 2 năm 2020-2021, Việt Nam trải qua đại dịch Covid-19 với những tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử vẫn tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Năm 2021, thương mại điện tử nước ta giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong bốn năm 2022 - 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai của thương mại điện tử.

Bà Lại Việt Anh cho biết thêm, nghiên cứu mới nhất của Google nhận định, với gần 70 triệu người dùng Internet, nền kinh tế Internet Việt Nam dự tính sẽ đạt 220 tỷ về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai Đông Nam Á. Những con số với 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam. Đánh giá của Google về thị trường nước ta cho thấy các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cũng đang trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng với 95% doanh nghiệp hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số và 67% chấp nhận cho vay kỹ thuật số. Bên cạnh đó, 70% doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng cường sử dụng các công cụ tiếp thị kỹ thuật số của họ trong 5 năm tới. Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% (lên mức 21 tỷ USD) nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử. Ngoài ra, một trong những yếu tố đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền KTS Việt Nam đó là nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử từ các trường đại học trên cả nước. Báo cáo đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học 2022 của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy những bước tiến rất lớn của lĩnh vực này trong những năm gần đây.

Trước hết, số trường đào tạo ngành thương mại điện tử trình độ đại học liên tục tăng nhanh và tới nay đã lên tới 36 trường, có tới 53 trường đã giảng dạy học phần thương mại điện tử tại nhiều ngành liên quan như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin, tiếp thị số, tài chính - ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh thương mại hay du lịch. Thứ hai, chương trình đào tạo TMĐT càng ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Thứ ba, đội ngũ giảng viên thương mại điện tử đông đảo và chất lượng cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước.

Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, nền KTS của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như hạ tầng viễn thông mặc dù là điểm mạnh nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của KTS. Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số an toàn an ninh thông tin ở mức thấp, đặc biệt là ở khối doanh nghiệp. Theo Báo cáo chỉ số hiệu quả đổi mới sáng tạo năm 2018, Việt Nam đã đạt kết quả trong việc tiếp cận với kiến thức KH&CN của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện; hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho ứng dụng phát triển KH&CN; KH&CN chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu hoặc nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao; thiếu sự kết nối hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh, dịch vụ công.

ThS Nguyễn Thế Sơn - Trường Đại học Thương mại cho biết, để phát triển thương mại điện tử, trước hết, Nhà nước cần hoàn thiện các thể chế, khung pháp lý, tạo cơ sở để thương mại điện tử phát triển một cách đúng hướng, tránh tình trạng các văn bản hiện không theo kịp với thực tiễn. Tiếp theo, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số, KTS, bắt kịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuối cùng cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng KH&CN, phát huy tích cực đổi mới sáng tạo. Tạo điều kiện và huy động mọi nguồn lực trong xã hội nhằm xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ quốc gia. Trong đó, cần chú trọng đến quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ ở Việt Nam…

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)