Thứ hai, 12/12/2022 11:09

Thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững

Ngày 10/12/2022, tại Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Hòa Lạc, ĐHQGHN phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 của ĐHQGHN.
 

Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy đầu tư của khối tư nhân trong việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam một cách hiệu quả, góp phần kiến tạo chính sách mới về huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc và đạt được thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các ngành chế biến, đồ gồ, thủy sản, viễn thông và công nghệ thông tin. Xếp hạng về đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng ở vị trí 48/132 quốc gia. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) được ứng dụng nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN đối với nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp giảm dần sự phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế truyền thống, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, KH&CN hiện nay chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các quỹ như Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đi vào hoạt động bước đầu đã phát huy hiệu quả, nhưng nhìn chung đầu tư cho KH&CN còn hạn chế, kết quả chưa cao như kỳ vọng.

“Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) diễn biến sôi động, chúng ta đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức phát triển đan xen. Để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần huy động tổng lực cả ngân sách và nguồn lực tư nhân để đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, lấy doanh nghiệp làm trung tâm được nhấn mạnh trong các nghị quyết của Đảng. Trong 35 năm đổi mới đất nước, khu vực tư nhân đã phát triển rộng khắp, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng khoảng 40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, cho đến nay đã đầu tư vào nhiều dự án phục vụ xã hội và ngày càng khẳng định vai trò của mình trong sự phát triển của đất nước.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu tại Hội thảo.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp được Đảng và Nhà nước quan tâm, định hướng các cơ sở giáo dục đại học trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. “Mặc dù các cơ sở giáo dục đại học có nguồn lực KH&CN mạnh và tiềm năng để phát triển đột phá về chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm KH&CN, tuy nhiên, các trường đại học cũng đang vấp phải những rào cản, vướng mắc chung khi đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, chuyển giao và thương mại hóa, dẫn tới hiệu quả hoạt động thương mại không được như kỳ vọng, cản trở khả năng hiện thực hóa mô hình đổi mới sáng tạo” - Giám đốc Lê Quân chia sẻ về một số khó khăn của các trường đại học khi chuyển giao các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước.

Giám đốc ĐHQGHN bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, hoạch định chính sách và doanh nghiệp đề xuất những cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam một cách hiệu quả. Ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, nhà khoa học tại hội thảo sẽ cung cấp các phân tích chuyên sâu và góc nhìn đa chiều về thực trạng, rào cản và thách thức cần vượt qua, từ đó đề xuất các kiến nghị về giải pháp trong việc thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án khoa học, công nghệ ở Việt Nam một cách hiệu quả; tạo dựng tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường kết nối và chia sẻ nguồn lực phát triển các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và xã hội.

Tại hội thảo, đại diện UNDP Việt Nam đã chia sẻ về tác động và tầm nhìn của các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs); Bản đồ cơ hội đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Theo đó, bản đồ nhà đầu tư SDG là phương pháp để Văn phòng Quốc gia của UNDP có thể sử dụng nhằm tìm ra các cơ hội đầu tư cụ thể. Nhu cầu phát triển của Việt Nam được xác định dựa trên báo cáo về Chỉ số thực hiện SDG 2021 và các mục tiêu ưu tiên đặt ra trong Lộ trình SDG của Việt Nam 2030. Đại diện UNDP cũng chỉ ra các ngành và phân ngành ưu tiên đầu tư gồm: giáo dục; chăm sóc sức khỏe; thực phẩm và đồ uống; hạ tầng; năng lượng tái tạo và thay thế; tài chính.

Chia sẻ về hiện trạng thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án KH&CN, ông Vũ Văn Tích - Trưởng ban KH&CN, ĐHQGHN cho biết, ĐHQGHN đang từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực với đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế có khả năng triển khai các nghiên cứu đột phá, các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lớn. Các phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu trọng điểm của ĐHQGHN đã được đầu tư chiều sâu, đủ điều kiện tham gia triển khai các nhiệm vụ KH&CN lớn, phát triển mạnh các sản phẩm KH&CN trọng điểm của ĐHQGHN. Trưởng ban Vũ Văn Tích cho rằng, thời gian qua, hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN đang tăng dần theo thời gian, việc hợp tác với các doanh nghiệp đã và đang giải quyết được những yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển các hoạt động nhằm thu hút đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đồng đều giữa các đơn vị trong ĐHQGHN. Trưởng ban Vũ Văn Tích đề xuất, Nhà nước cần sớm tháo gỡ những điểm nghẽn nhằm giải phóng nguồn lực của các trường đại học cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời, cần có nguồn lực tài chính thỏa đáng để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo một cách bài bản, mang lại hiệu quả cao.

Các đại biểu đã thực hiện nghi thức công bố “Bản đồ cơ hội đầu tư SDG tại Việt Nam”.

Tại hội thảo, đại diện Lãnh đạo Bộ KH&CN, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, UNDP tại Việt Nam và ĐHQGHN đã thực hiện nghi thức công bố “Bản đồ cơ hội đầu tư SDG tại Việt Nam” - một công cụ quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thiết kế chiến lược, kế hoạch lồng ghép hoạt động KH&CN, hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư tư nhân và một số lĩnh vực ưu tiên.

Đăng An, Quốc Toản

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)