Thứ hai, 19/12/2022 15:37

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển KH,CN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng. Đây là ý kiến của nhiều địa phương tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần XXVI năm 2022 do  Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 15/12/2022 tại Sóc Trăng.

Những kết quả ban đầu

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ KH&CN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh/thành phố, sự chủ động, tích cực của các Sở KH&CN, hoạt động KH,CN&ĐMST vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp hiệu quả, thiết thực cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả vùng. Nhiều cơ chế, chính sách phát triển KH,CN&ĐMST được ban hành, đặc biệt là các văn bản liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Tổ chức bộ máy được kiện toàn, sắp xếp bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường tính tự chủ, sáng tạo của đơn vị sự nghiệp KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN địa phương.

Hoạt động khởi nghiệp và ĐMST, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST được các địa phương quan tâm, bước đầu hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp. Công tác bảo hộ, khai thác, phát triển và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, ứng dụng, chuyển giao công nghệ được quan tâm triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý đã có giá trị hơn rất nhiều lần so với thời điểm chưa được cấp giấy chứng nhận bảo hộ. Hạ tầng thông tin, thống kê KH&CN có bước phát triển, cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia được hình thành.

Công tác thông tin, truyền thông về KH&CN tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức thông tin phong phú, góp phần đưa cơ chế, chính sách đổi mới về KH&CN được lan tỏa nhanh chóng. Các sản phẩm chủ lực, đặc trưng được quan tâm, chú trọng đầu tư, khai thác và phát triển; nhiều sản phẩm đã phát huy giá trị kinh tế cao, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả vùng. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh, có đóng góp tích cực cho sản xuất và đời sống. Số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng được tăng lên.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng hoạt động KH&CN ở các địa phương trong vùng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: nguồn lực dành cho KH,CN&ĐMST từ ngân sách nhà nước mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế. Trong khi đó nguồn lực từ xã hội hóa huy động được rất ít, không đáng kể. Chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội (xã hội hóa) đầu tư cho phát triển KH&CN, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, đầu tư tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KH&CN. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính bức xúc trước mắt ở từng địa phương, vẫn còn thiếu các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng, triển khai ở quy mô lớn. Phần lớn kết quả nghiên cứu KH&CN đã được chuyển giao ứng dụng nhưng vấn đề thương mại hóa chưa cao. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN đã dần được đầu tư trang bị, nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ gây nhiều khó khăn trong khai thác và sử dụng. Thị trường KH&CN còn nhiều bất cập, chưa thực sự phát huy được vai trò của các tổ chức trung gian trong việc kết nối cung - cầu công nghệ. Hoạt động nghiên cứu triển khai trong các doanh nghiệp chưa thực sự được đẩy mạnh. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn chung còn yếu, số doanh nghiệp có đầu tư, đổi mới công nghệ không nhiều.

Chia sẻ với những khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị các sở KH&CN vùng ĐBSCL tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST, phục vụ phát triển bền vững cho vùng; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển KH,CN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN như hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; an toàn bức xạ và hạt nhân; đầu tư nâng cao tiềm lực; thanh tra, thông tin thống kê cơ sở dữ liệu KH&CN; đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê về KH,CN&ĐMST, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, tình hình biến đổi khí hậu và các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng và các địa phương.

Phạm Hiền

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)