Nhận thức số
Theo báo cáo, có 30/30 bộ/ngành và 63/63 địa phương đã lựa chọn ngày CĐS, trong đó 03 bộ/ngành và 05 địa phương chọn ngày CĐS riêng. Ngày 10/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Ngày CĐS quốc gia năm 2022 với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS đã tham dự và phát biểu Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nhân Ngày CĐS quốc gia. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số" để hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia, hướng tới để người dân được thụ hưởng những lợi ích của CĐS; để doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng. 59 doanh nghiệp tham gia Chương trình đã có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp và công bố 72 bài toán CĐS của các bộ, ngành và địa phương tại địa chỉ: https://c63.mic.gov.vn và đưa các bài toán CĐS này thành đầu bài trong Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp CĐS Quốc gia - Viet Solutions năm 2022. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp và công bố 21 câu chuyện CĐS Việt Nam từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để lan toả những sáng kiến, cách làm, kinh nghiệm, bài học, mô hình tham khảo về CĐS tại địa chỉ: https://t63.mic.gov.vn/, đồng thời nâng cấp Cổng thông tin điện tử để các bộ, ngành, địa phương có thể chủ động đăng tải, chia sẻ câu chuyện, bài học CĐS thành công của cơ quan. Bộ đang tiếp tục tổng hợp, biên soạn và sẽ xuất bản các câu chuyện CĐS tiêu biểu trên mọi miền đất nước trong năm 2022 để tiếp tục nhân rộng các bài học thành công trong năm 2023.
Hạ tầng số
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,60% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 45 và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 71,39 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 39,48 Mbps, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021) xếp thứ 52 và cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới là 33,17 Mbps.
Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.152 thôn bản (toàn quốc đạt 99,73% thôn bản đã có sóng, tăng 1,9% so với đầu năm 2021), còn lại 266 thôn chưa phủ sóng được do một số thôn chưa có điện, dân cư thưa, địa hình khó khăn. Số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt 2.659.719 thuê bao, tăng gấp hơn 7,3 lần so với năm 2021 (362.721 thuê bao).
Nền tảng số
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 01 nền tảng số. 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch CĐS; 11/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức khóa bồi dưỡng trực tuyến về Cách tiếp cận nền tảng trong CĐS cho hơn 3.257 công chức, viên chức của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ số
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, Mạng đã kết nối đến 100% huyện; 100% xã trên toàn quốc.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tiếp tục phát huy hiệu quả để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. NDXP đã kết nối với hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; 09 cơ sở dữ liệu trong đó có 03 CSDL ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT): dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, 13 hệ thống thông tin của các bộ, ngành, doanh nghiệp để chia sẻ dữ liệu. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 đạt khoảng 860 triệu giao dịch, gấp hơn 4,8 lần so với cả năm 2021 (đạt khoảng 180 triệu). Trung bình hàng ngày có khoảng 2,36 triệu giao dịch thông qua NDXP.
Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp thử nghiệm về mặt kỹ thuật, giải pháp đối với việc xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của 05 Ngân hàng (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, PVcombank); triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại một số chi nhánh của 03 ngân hàng lớn (BIDV, Vietinbank, Vietcombank) tại TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh; tính đến ngày 28/11/2022, có thể sử dụng thẻ CCCD trong khám, chữa bệnh ở 11.923/13.506 cơ sở khám chữa bệnh (đạt tỷ lệ 91,32%); kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ ngành và 25 địa phương để làm giàu dữ liệu, đồng bộ thông tin với dữ liệu dân cư, 04 doanh nghiệp nhà nước; kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) của 03 doanh nghiệp viễn thông lớn (VNPT, Viettel, Mobiphone) với CSDL quốc gia về dân cư để xác thực 63,4 triệu dữ liệu người dùng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phát sinh hồ sơ là 80%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến là 52,80%, vượt chỉ tiêu đề ra năm 2022 (50%). Trong 11 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 63 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,62 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia:; hơn 3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,75 nghìn tỷ đồng. Từ khi khai trương (11/2019) đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.250 dịch vụ công trực tuyến; hơn 1 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 152 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 3,88 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,45 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2022, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an phát huy vai trò tham mưu tổng hợp và cơ quan thường trực trong thúc đẩy triển khai Đề án 06, đây là bước đột phá trong CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, đã triển khai tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tái cấu trúc quy trình và phối hợp triển khai phần mềm liên thông 02 nhóm dịch vụ công; tăng cường số hóa hồ sơ, tài liệu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của bộ, ngành, địa phương.
Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công và Cổng tham vấn và tra cứu quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được đưa vào vận hành, đây là công cụ phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đánh giá nỗ lực cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và chất lượng giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch, kiểm soát thực thi "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay.
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã được xây dựng, đưa vào vận hành; là công cụ phục vụ chỉ đạo, điều hành trong cải cách, đánh giá nỗ lực của các bộ, ngành với 03 nhóm chỉ số thành phần, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Đến nay, đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh; giúp Chính phủ đánh giá nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Đồng thời, dự thảo Quyết định quy định về Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã được Bộ Tư pháp thẩm định và hiện nay Văn phòng Chính phủ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
VVH