Thứ ba, 01/11/2022 15:24

Nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo để cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ

Nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại ra hội thảo: “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo” do Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Samsung Việt Nam đồng tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng đã có nhiều khởi sắc trong những năm qua cả về số lượng và chất lượng, chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp, đơn cử ngành điện tử chỉ 5-10%, ngành ô tô 7-10%, ngành dệt may - da giày 45-50%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp, đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo báo cáo khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2021 về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận quản lý chất lượng (ISO 9000), 9% doanh nghiệp có chứng nhận quản lý môi trường (ISO 14000), khoảng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp, trong khi các công cụ khác như Lean, 6 Sigma hay TQM, TPM… thì số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng 1-2%.

Tăng cường hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, thì tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị. Điều quan trọng và mấu chốt là đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới có ý nghĩa quết định mà các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới.

Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6/8/2022 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, cụ thể: tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, tận dụng lợi thế về thị trường thuộc các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua hợp tác chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, thời gian qua, Cục Công nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong nước cũng như quốc tế, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn tại Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại, Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa và tăng cường kết nối, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, Cục Công nghiệp và Samsung Việt Nam đã phối hợp triển khai một số dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, điển hình như: Chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam, Chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam, Dự án hợp tác đào tạo nhân lực khuôn mẫu Việt Nam, Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam... Các chương trình/dự án này bước đầu đã đạt được những kết quả khá ấn tượng. Thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2021, tổng số doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng là 752 doanh nghiệp, trong đó 51 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một, 203 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai và 498 doanh nghiệp là nhà cung ứng dịch vụ…

Để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian tới, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động hợp tác song phương và đa phương, ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Lê Huyền Nga

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)