1. Bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long - sạt lở và các giải pháp phòng chống
Bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long có chiều dài trên 744 km, thuộc địa phận của 8 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Đây là khu vực có nhiều điều kiện để phát triển đa dạng sinh học, du lịch..., là chỗ dựa vững chắc cho phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn ven biển cùng hệ thống đê biển Đồng bằng sông Cửu Long hiện là tấm lá chắn để bảo vệ những thành quả lao động của người dân trước những tác động bất lợi của thời tiết và khí hậu.
Tuy nhiên thời gian gần đây, diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với tác động của việc phát triển kinh tế - xã hội đã gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, suy thoái rừng ngập mặn. Theo nhận định của các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 5 đồng bằng lớn trên thế giới dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bởi vậy, nếu tình trạng xói lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn không được ngăn chặn, hệ thống đê biển, rừng ngập mặn không còn đủ khả năng chống đỡ trước những tác động bất lợi, nguy cơ hơn 30% diện tích khu vực này sẽ bị chìm trong nước biển vào cuối thế kỷ 21 là không thể tránh khỏi.
Trước tình hình đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định số 906/QĐ-BKHCN ngày 21/4/2016 đề xuất cụm 6 đề tài khoa học, công nghệ cấp nhà nước tập trung cho mục tiêu bảo vệ bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có đề tài “Nghiên cứu đánh giá tổng thể quá trình xói lở và dự báo diễn biến bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ đề xuất giải pháp nhằm ổn định và phát triển bền vững vùng ven biển”, mã số ĐTĐL.CN-06/17. Trên cơ sở các kết quả chính của đề tài này, tập thể tác giả đã biên tập nên cuốn sách “Bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở và các giải pháp phòng chống”.
2. Ozone Vật lý - Hóa học công nghệ và ứng dụng
Từ thế kỷ 19, khí ozone đã được biết đến với khả năng sát khuẩn mạnh và được nhiều nước trên thế giới sử dụng trong khử khuẩn nước sinh hoạt. Ngày nay, theo nhiều thống kê, trên 200 nhà máy nước trên toàn cầu đang sử dụng khí ozone.
Cuốn sách “Ozone Vật lý - Hóa học công nghệ và ứng dụng” gồm 11 chương, tập trung giới thiệu các nội dung: ứng dụng đa dạng của ozone, các phương pháp và các chất diệt khuẩn, ozone trong tự nhiên và ozone nhân tạo, các vấn đề kỹ thuật trong sử dụng ozone, máy phát oxy theo phương pháp hấp phụ, máy phát ozone, cấu trúc phân tử ozone, cơ chế diệt khuẩn của ozone, clo và ozone, vi sinh vật và tế bào, quá trình oxy hóa.
Cuốn sách cung cấp những thông tin hữu ích với bạn đọc làm việc trong các lĩnh vực khử khuẩn, xử lý nước, nước thải, xử lý và bảo quản thực phẩm. Nhiều nội dung có thể sử dụng để nâng cao hiểu biết về vật lý - hóa học và công nghệ ozone, thích hợp với các bạn sinh viên, học viên sau đại học, các cán bộ nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan.