Na Uy - Quốc gia coi trọng phát triển sản xuất bền vững
Vương quốc Na Uy là một quốc gia ở Bắc Âu có diện tích tự nhiên 385.207 km2, dân số: 5,3 triệu người, GDP/đầu người đạt 68.000 USD (xếp thứ 4 trên thế giới). Trên nhiều phương diện, Na Uy được xếp vào hàng quốc gia phát triển, văn minh hàng đầu thế giới. Dù là một quốc gia “đất rộng, người thưa”, giàu tài, thế nhưng chính phủ Na Uy luôn coi trọng và ban hành những chính sách đắc lực khuyến khích phát triển sản xuất bền vững, khai thác tài nguyên, cùng hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách cách nghiêm khắc nhất.
Với nhận thức nguồn tài nguyên Trái đất và không gian ngôi nhà trái đất là hữu hạn, nên Na Uy luôn nỗ lực thực hiện chủ trương và các giải pháp đẩy mạnh mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực, thực phẩm nói riêng theo tôn chỉ: “Phát triển bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường trên cả đất liền và trên biển”. Vì thế, Na Uy đã ban hành Chương trình: “The food nation Norway initiative” (Chương trình sáng tạo quốc gia về lương thực, thực phẩm). Chương trình này bao gồm các chủ trương chính sách được thể chế hóa - khép kín từ việc quản lý môi trường, môi trường sinh thái, quản lý tài nguyên thiên nhiên: đất đai, khoáng sản, rừng, biển, nguồn nước, đến hệ thống khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất. Tất cả đều tuân thủ nguyên tắc: “Khai thác tài nguyên và phát triển sản xuất bền vững trên cả đất liền và biển khơi”.
Thành công mà Chương trình mang lại
Với sản xuất công nghiệp - một trong các tiêu chuẩn lựa chọn công nghệ số một mà Na Uy quan tâm là vấn đề về “Hệ quả môi trường từ công nghệ”. Đó là các vấn đề về chất thải, rác thải, khí thải và vấn đề an toàn, bảo hộ bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Chính phủ Na Uy sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ mới nhằm đáp ứng các thách thức về an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu.
Trong sản xuất nông nghiệp, Na Uy quan tâm đến việc sử dụng tiết kiệm và giữ sạch nguồn đất, nước, hạn chế đến mức cao nhất việc sử dụng các loại hóa chất vào sản xuất, kết hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ sản xuất thông minh, công nghệ thông tin, công nghệ số hóa vào sản xuất. Tất cả đều tập trung vào mục tiêu sản xuất ra nông sản, thực phẩm sạch, an toàn, giá thành thấp, đồng thời tránh gây ra những tác động xấu cho môi trường và môi trường sinh thái, đạt các tiêu chuẩn của thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hợp Quốc.
Nhờ các tiêu chí, phương châm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ như vậy, ngày nay Na Uy là một trong các quốc gia có nền sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ ứng dụng hợp lý các biện pháp cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, đặc biệt là “mô hình trang trại thông minh”... Nên đã tăng năng suất lao động, giá thành sản phẩm thấp. Sản lượng lương thực, thực sản xuất hiện đã tăng trên 200% so với những năm 1960, trong khi số lượng lao động tham gia vào quá trình sản xuất đã giảm gần 50%. Đáng chú ý, nhiều công đoạn lao động nặng nhọc, độc hại trong các quá trình sản xuất đều do robot thực hiện. Hầu hết các trang trại chăn nuôi bò sữa, đàn bò chăn thả được quản lý tự động thông qua “Hàng rào ảo thông minh”, mỗi vật nuôi được gắn chip cảm biến điện từ theo dõi nhiệt độ cơ thể vật nuôi (qua phần mềm quản lý kỹ thuật) để quản lý bệnh dịch thường gặp; đồng thời việc vắt sữa cũng đã được thực hiện bằng công nghệ robot.
Trong ngành trồng trọt, các biện pháp canh tác hữu cơ và canh tác sạch đã được đẩy mạnh ứng dụng, như việc ứng dụng công nghệ Stem để khử nấm bệnh hạt giống, nấm bệnh đất đai, côn trùng, cỏ dại và đáng chú ý là “công nghệ robot làm cỏ tự động”, nhờ đó đã loại trừ cơ bản việc dùng hóa chất diệt cỏ và hóa chất bảo vệ thực vật vào sản xuất.
Với kinh tế biển, Na Uy là nước có thế mạnh hàng đầu thế giới về kinh tế biển nhờ việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào cả lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng, đặc biệt là lĩnh vực chế biến và chế biến các phụ phẩm thủy, hải sản ra các sản phẩm và vật tư y tế có giá trị cao như như “sử dụng vỏ tôm bỏ đi để sản xuất một sản phẩm Marealis RSPC có tác dụng ứng dụng kiểm soát huyết áp, hay viên uống Omega 3 được sản xuất từ dầu trứng cá muối chiết xuất từ trứng cá trích - một nguồn sản phẩm phụ từ nghề đánh bắt cá trích.
Cùng với lĩnh vực sản xuất và chế biến, Na Uy đồng thời tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến nhất vào bảo quản nông sản thực phẩm. Việc kéo dài thời gian bảo quản dự trữ cho nông sản thực phẩm lâu bị biến chất, được xem như là một trong các công đoạn trọng yếu trong chuỗi phát triển bền vững; giúp cho việc tránh lãng phí và tiết kiệm sản xuất sản phẩm xã hội. Ví dụ, công nghệ sản xuất bao bì thông minh - loại bao bì cảm biến nhiệt độ, độ ẩm môi trường, hiển thị thông báo để người tiêu dùng nhận biết thời hạn sử dụng an toàn còn lại của sản phẩm. Đồng thời, hầu hết tất cả các nông sản thực phẩm lưu hành trên thị trường Na Uy đều có chỉ dẫn địa lý về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa sản phẩm và chế độ bảo hành.
Thời gian tới, Chính phủ Na Uy sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ mới nhằm đáp ứng các thách thức về an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, Na Uy cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu và sáng tạo bên cạnh việc triển khai các chính sách trong nước, đầu tư cho phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ để mở ra các cơ hội hợp tác, làm việc cho các nhà khoa học trên thế giới.