
Hàn Quốc hiện dẫn đầu thế giới về mật độ robot công nghiệp với khoảng 1.000 robot trên mỗi 10.000 lao động.
Theo Liên đoàn Robot quốc tế, Hàn Quốc hiện dẫn đầu thế giới về mật độ robot công nghiệp với khoảng 1.000 robot trên mỗi 10.000 lao động, vượt xa cả Mỹ và Trung Quốc. Từ khoản đầu tư 1,1 tỷ USD vào năm 2021 để sở hữu 80% cổ phần Boston Dynamics, Hyundai đã đặt nền móng cho chiến lược dài hạn với tham vọng định hình vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực robot toàn cầu. Hyundai hiện phát triển hai dòng robot chủ lực: robot hình chó Spot phục vụ giám sát công nghiệp và robot hình người Atlas, dự kiến ra mắt phiên bản điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo vào năm 2028. Bên cạnh đó, thiết bị hỗ trợ cơ học X-ble cũng đã được đưa vào sử dụng thực tế, với phiên bản X-ble Shoulder giúp giảm hơn 30% áp lực lên vai công nhân trong các nhà máy sản xuất ô tô.
Không chỉ tập trung vào công nghiệp nặng, robot Hàn Quốc còn thâm nhập vào các lĩnh vực khác như y tế và dịch vụ. Doosan Robotics thương mại hóa dòng robot cộng tác Cobot cho nhiều hoạt động như: hàn, mài, chiên thực phẩm hay vận chuyển hành lý. LG Electronics phát triển robot phục vụ CLOi trong khách sạn và bệnh viện, đồng thời trình làng robot gia đình Q9 có thể nhìn, nghe, nói và kể chuyện cho trẻ nhỏ. Samsung Electronics cũng tăng cường hiện diện bằng việc trở thành cổ đông lớn nhất của Rainbow Robotics sau thương vụ đầu tư gần 186 triệu USD vào cuối năm 2024. Ở cấp độ quốc gia, Chính phủ Hàn Quốc chính thức khởi động sáng kiến K-Humanoid từ tháng 04/2025, đây là một liên minh quy tụ hơn 40 tổ chức công và tư, đặt mục tiêu phát triển mô hình AI nền tảng dùng chung cho robot hình người, tiến tới xây dựng hệ sinh thái robot hoàn chỉnh vào năm 2030. Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk Geun xác định robot hình người là lĩnh vực chiến lược, có thể tăng trưởng gấp 25 lần trong vòng 10 năm, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp tham gia.
Dưới thời tân Tổng thống Lee Jae Myung, chính phủ đã công bố gói hỗ trợ công nghệ trị giá 30.000 tỷ won (khoảng 22 tỷ USD), trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt với dấu hiệu chững lại, GDP quý I/2025 giảm 0,2% và dự báo cả năm chỉ đạt 0,8% tăng trưởng. Tuy nhiên, hành trình robot hóa của Hàn Quốc vẫn còn nhiều thách thức. Chi phí đầu tư cao và rào cản kỹ thuật đang khiến việc ứng dụng robot ở quy mô rộng gặp khó khăn, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, khi các hệ thống robot ngày càng vận hành tự động và thông minh hơn, những vấn đề về pháp lý, tiêu chuẩn an toàn và đạo đức công nghệ cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về khung quản lý mới. Việc Hàn Quốc có thể biến chiến lược robot thành lợi thế cạnh tranh quốc gia hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng phối hợp hiệu quả giữa nhà nước, khu vực tư nhân và giới nghiên cứu trong thập niên tới.
NMK