
Chia sẻ và bảo vệ công trình đã công bố luôn là vấn đề được các nhà khoa học quan tâm (nguồn: Davide Bonazzi/Salzmanart).
Theo chính sách mới của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) nhiều bài báo nghiên cứu y sinh có thể sắp được đọc ngay và sử dụng miễn phí. Chính sách này nhằm thúc đẩy việc phổ biến nhanh chóng các phát hiện khoa học. Tuy nhiên, một khảo sát mới cho thấy, nhiều tác giả chưa sẵn sàng đối mặt với những hệ quả kéo theo và lo ngại rằng, các chính sách như vậy có thể làm gia tăng nguy cơ bị lạm dụng hoặc xuyên tạc kết quả nghiên cứu.
Theo quy định mới, bất kỳ bài báo nào được tài trợ bởi NIH, sau khi được bình duyệt, phải được đăng tải trên một kho lưu trữ công cộng miễn phí ngay khi công bố - thay vì được trì hoãn tối đa 12 tháng như trước đây. Tác giả có thể tuân thủ yêu cầu này bằng cách trả phí để xuất bản theo hình thức truy cập mở, giúp bài báo được đọc miễn phí ngay lập tức; mức phí trung bình khoảng 2.000 USD mỗi bài. Hiện nay, một số nhà xuất bản, bao gồm cả AAAS - Hiệp hội vì sự Tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ, đơn vị xuất bản Tạp chí Science, cho phép tác giả đăng phiên bản bài báo đã được chấp nhận nhưng chưa định dạng cuối cùng lên kho lưu trữ mà không cần trả phí truy cập mở. NIH cũng khẳng định quy định của họ cho phép tác giả làm vậy, ngay cả khi nhà xuất bản không đồng ý. Mục Tin tức của Science hoạt động độc lập về mặt biên tập.
Với các bài báo nằm sau “bức tường phí”, quyền tái sử dụng thường bị hạn chế. Ngược lại, khi bài báo được xuất bản theo hình thức truy cập mở, nó thường đi kèm giấy phép Creative Commons (CC), cho biết người khác có thể sử dụng nội dung bài báo như thế nào. Loại phổ biến nhất là CC-BY (viết tắt của “By attribution” - ghi công tác giả), cho phép sử dụng rộng rãi miễn là người dùng ghi rõ nguồn. Một số biến thể khác có thể giới hạn việc sử dụng vào mục đích thương mại hoặc cấm chỉnh sửa, phái sinh nội dung.
Tuy nhiên, chỉ khoảng một nửa trong số 224 nhà khoa học tham gia khảo sát của AAAS (2/3 làm việc tại Hoa Kỳ) cho biết họ hiểu rõ các điều khoản của giấy phép truy cập mở. Khoảng 1/3 số người được hỏi bày tỏ lo ngại rằng, các giấy phép này có thể cho phép sử dụng công trình của họ theo cách họ không đồng tình - chẳng hạn như dùng để huấn luyện chatbot trí tuệ nhân tạo (AI).
Để làm rõ những lo ngại và hiểu lầm xung quanh các giấy phép này, Tạp chí Science đã trao đổi với Dave Hansen - Giám đốc điều hành của Authors Alliance - một tổ chức phi lợi nhuận vận động cho quyền lợi của tác giả thông qua việc chia sẻ rộng rãi các tác phẩm nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng. Theo đó, tổ chức này ủng hộ việc sử dụng giấy phép CC-BY. Cuộc phỏng vấn đã được biên tập để đảm bảo tính rõ ràng.
Giấy phép CC-BY cho phép và giới hạn những hình thức sử dụng lại nào?
Theo Dave Hansen, CC-BY cho phép người khác tạo ra các tác phẩm phái sinh dựa trên công trình của bạn, nhưng họ không được phép trình bày rằng những tác phẩm phái sinh đó là của bạn. Họ bắt buộc phải ghi rõ nếu có chỉnh sửa hoặc thay đổi và không được ngụ ý rằng bạn ủng hộ hoặc chấp thuận những nội dung mới đó. Ngoài ra, nếu ai đó không ghi công đúng theo yêu cầu của giấy phép CC-BY, nhà xuất bản có thể can thiệp. Tuy nhiên, rất hiếm khi thấy trường hợp nhà xuất bản hành động nếu không có sự thúc đẩy từ chính tác giả. Thông thường, các nhà xuất bản chỉ thực thi quyền bản quyền khi họ cần bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình - như trong vụ một số nhà xuất bản kiện ResearchGate (một mạng xã hội dành cho giới khoa học, nơi nhiều người đăng tải bài báo có bản quyền để người khác đọc miễn phí).
Nếu một nhà khoa học công bố bài nghiên cứu theo giấy phép CC-BY và sau đó bị xuyên tạc, liệu tác giả gốc có thể làm gì để ngăn chặn không?
Về vấn đề này, Dave Hansen đã làm việc với khá nhiều tác giả gặp rắc rối khi người khác sử dụng lại công trình của họ theo cách mà họ không mong muốn. Trong đó, các công ty dược phẩm thường làm điều này - họ tái sử dụng các bài báo và sau đó đưa ra những tuyên bố dựa trên đó. Tuy nhiên, Dave Hansen không thể nghĩ ra trường hợp nào mà giấy phép truy cập mở thực sự tạo ra khác biệt đáng kể. Người đọc không cần giấy phép bản quyền để trích dẫn chọn lọc hay diễn giải lại nội dung theo ý mình. Các nhà xuất bản cũng không kiểm soát chặt chẽ việc các công ty có đang diễn giải sai kết quả nghiên cứu từ bài báo hay không.
Nếu tác giả chọn giấy phép giới hạn mục đích thương mại, như CC-NC (phi thương mại) thì sao?
Khi chọn giấy phép đó, Dave Hansen cho rằng, phần lớn tác giả tin rằng họ đang giữ quyền kiểm soát việc khai thác thương mại công trình của mình. Nhưng thực tế, nếu nhìn vào các thỏa thuận mà nhà xuất bản yêu cầu tác giả ký, thì cùng lúc đó tác giả cũng đang trao cho nhà xuất bản giấy phép độc quyền về mọi quyền thương mại. Điều này được ghi rõ ràng trong hợp đồng xuất bản, nhưng chắc chắn không phải điều mà đa số tác giả hình dung.
Vậy giấy phép cấm sử dụng thương mại có ngăn được các công ty dùng bài nghiên cứu để huấn luyện thuật toán AI không?
Dave Hansen cho rằng việc này không hiệu quả lắm. Các công ty AI không thật sự quan tâm đến việc có giấy phép rõ ràng để sử dụng tác phẩm của bạn - họ chỉ đơn giản là quét (scrape) các bài báo trên mạng. Hiện có nhiều vụ kiện đang diễn ra tại Hoa Kỳ để xem liệu nguyên tắc “sử dụng hợp lý” (fair use) - một ngoại lệ đối với quyền tác giả trong một số mục đích công cộng - có được áp dụng không. Ngay cả khi bạn áp dụng giấy phép CC-NC nhưng lại trao quyền khai thác thương mại cho nhà xuất bản, thì họ vẫn có thể ký hợp đồng cấp phép với các công ty AI như thường. Nếu chúng ta áp dụng những giấy phép hạn chế hơn cho các tác phẩm khoa học, hệ quả dễ thấy là các tập đoàn AI lớn (vốn có đội ngũ luật sư hùng hậu) vẫn sẽ tiếp tục làm điều họ muốn. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu học thuật với ngân sách eo hẹp, lại phải thông qua cố vấn pháp lý đại học, những người thường e ngại rủi ro cho quỹ trường, sẽ dè dặt hơn nhiều trong việc phát triển AI.
Tác giả có thể làm gì nếu cho rằng việc sử dụng lại công trình của họ là sai trái?
Theo Dave Hansen, các tổ chức, viện nghiên cứu cần đóng vai trò tích cực hơn, có nghĩa họ phải lắng nghe giảng viên và nghiên cứu sinh của mình muốn gì, sau đó xây dựng kế hoạch để hỗ trợ và đàm phán thay cho họ. Bởi vì một cá nhân đơn lẻ thì ít có quyền lực, nhưng một tổ chức thì lại có… Khi xảy ra đạo văn, cách xử lý phù hợp thường là liên hệ với tổ chức nơi tác giả kia làm việc và gửi đơn khiếu nại về hành vi sai phạm học thuật. Bản quyền nhìn chung không phải là công cụ phù hợp để giải quyết những vấn đề về đạo đức học thuật hay đạo văn - những điều mà hầu hết giới học thuật thực sự quan tâm.
LB (theo Science)