Một nghiên cứu của các nhà khoa học Israel lần đầu tiên sử dụng phương ghép phân (FMT) để tăng hiệu quả của liệu pháp miễn dịch - phương pháp điều trị ung thư rất hiệu quả hiện nay. Thuật ngữ “ghép phân” nghe có vẻ lạ lùng và kém sang nhưng nó là một trong những liệu pháp y tế mới nổi gần đây với tên gọi chính xác hơn là ghép vi sinh vật có trong phân (Fecal microbiota transplantation - FMT). Ghép phân là việc chuyển phân từ một người hiến tặng khỏe mạnh đến một người nhận, giúp thay đổi trực tiếp thành phần hệ vi sinh vật đường ruột của người nhận và mang lại lợi ích sức khỏe. Kết quả của nghiên cứu đầu tiên này có vẻ không được như mong đợi, nhưng nó mở đường cho các nghiên cứu cùng phương pháp theo sau đó. Ngày nay, có ít nhất 30 thử nghiệm FMT đang được tiến hành trên khắp thế giới, do các phòng thí nghiệm học thuật và các công ty dược phẩm điều hành và đang công bố kết quả ban đầu.
Tế bào ung thư (màu cam) được đồng nuôi cấy với vi khuẩn (màu xanh lá cây): nhiều khối u có hệ vi sinh vật của riêng chúng, có thể tương tác với vi khuẩn ở các bộ phận khác của cơ thể ( ảnh: Nature).
Cách đây hơn 10 năm, Boursi - tác giả chính của nghiên cứu trên và còn đang là một sinh viên y khoa, trong một chuyến đi bộ đường dài ông đã suy ngẫm về sự phát triển giống của những khối u trên cây (được gọi là burrs) có thể là kết quả phản ứng của cây với vi khuẩn gây bệnh. Ông bắt đầu nghĩ về điều tương tự giữa các khối u và vi khuẩn có thể tương tác trong cơ thể con người. Tuy nhiên, các đồng nghiệp lại khuyên ông không nên theo đuổi ý tưởng này và “hãy tập trung vào di truyền học”. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục với các nghiên cứu dịch tễ học tìm mối liên kết giữa ung thư và hệ vi sinh vật hoặc khám phá cách kháng sinh có thể thay đổi nguy cơ ung thư cũng như cách chế độ ăn uống có thể thay đổi vi khuẩn đường ruột.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy, hệ vi sinh vật đường ruột có thể có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự tiến triển của các khối u ở xa và tác dụng phụ của phương pháp điều trị cũng như khả năng của hệ thống miễn dịch trong việc loại bỏ các tế bào ung thư. Một số nghiên cứu đã chỉ ra các vi khuẩn cụ thể với các tác dụng có lợi, điều này có thể ứng dụng vào phương pháp điều trị phù hợp. Hơn nữa, các nhà khoa học đang khám phá vai trò của chế độ ăn uống và sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột, cũng như sự tương tác giữa các sinh vật cư trú trong ruột và những thành phần của khối u có khả năng mở ra các hướng điều trị mới.
Đặng Xuân Thắng (theo https://www.nature.com)