Thứ ba, 19/07/2022 14:27

Những tiến bộ của khoa học thực vật góp phần thúc đẩy an ninh lương thực

Mới đây, Liên hợp quốc đã công bố báo cáo về “An ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới” (SOFI) năm 2022. Báo cáo SOFI 2022 cho thấy những thách thức trong việc nuôi sống thế giới hiện đang trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19... Các tác động này đã dẫn đến hệ luỵ đáng kể lên nguồn cung lương thực toàn cầu, cũng như làm ảnh hưởng đến tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng tại nhiều quốc gia một cách trực tiếp lẫn gián tiếp.

SOFI 2022 cũng ước tính trong năm 2021 đã có 702-828 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Nạn đói tiếp tục gia tăng ở các khu vực như châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và Caribe, trong đó châu Á có số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói lớn nhất thế giới (425 triệu người). Tỷ lệ suy dinh dưỡng cũng tăng từ 9,3% vào năm 2020 lên 9,8% vào năm 2021. SOFI 2022 cũng ước tính có gần 3,1 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh vào năm 2020, trong đó gần 2 tỷ người đến từ khu vực châu Á. Theo dự báo của SOFI 2022, gần 670 triệu người sẽ phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030, tương đương khoảng 8% dân số thế giới.

Đánh giá về SOFI 2022, TS Tan Siang Hee - Giám đốc Điều hành CropLife châu Á cho biết, các số liệu mới nhất từ SOFI năm 2022 của Liên hợp quốc như một hồi chuông cảnh tỉnh rằng có quá nhiều người ở châu Á và trên thế giới phải đối mặt với nạn đói, suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực mỗi ngày. TS Tan Siang Hee kêu gọi các bên liên quan trong hệ thống thực phẩm và tất cả chúng ta cần phải có trách nhiệm đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với nguồn cung thực phẩm an toàn, bổ dưỡng với giá cả phải chăng. CropLife châu Á và các công ty thành viên tiếp tục cam kết vai trò của mình trong việc theo đuổi mục tiêu vô cùng quan trọng này.

Theo TS Tan Siang Hee, những tiến bộ khoa học thực vật, bao gồm các sản phẩm bảo vệ cây trồng và công nghệ sinh học thực vật đang ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh lương thực ở châu Á và trên toàn cầu. Trong số các công nghệ đột phá giúp cải thiện dinh dưỡng trong thực phẩm, PBI (Plant Breeding Innovation) - “Cải tiến chọn tạo giống cây trồng” là một ví dụ điển hình. Công nghệ này cũng là một trong những con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe toàn cầu khi có thể cải thiện chế độ dinh dưỡng tốt hơn cho tất cả chúng ta. Cụ thể, công nghệ chỉnh sửa gen cho phép các nhà chọn tạo giống làm việc ngay trong chính hệ gen sẵn có của mỗi loại cây trồng, thử nghiệm và cho ra hiệu quả tương đương với phương pháp lai tạo giống truyền thống nhưng với độ chính xác và hiệu quả cao hơn.

Việc mở rộng các biện pháp can thiệp dinh dưỡng đã được chứng minh, như những công nghệ cải tiến trong chọn tạo giống cây trồng để cải thiện hàm lượng dinh dưỡng, có thể làm giảm hơn 1 triệu ca tử vong ở trẻ em mỗi năm. Các loại cây trồng như gạo vàng được tăng cường vitamin A có thể bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi bệnh mù lòa do thiếu vitamin A. Cây trồng được lai tạo để cải thiện hàm lượng dầu bao gồm axit béo Omega-3 có thể có tác dụng tích cực và tốt cho bệnh tim mạch… Ngoài ra, việc sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm bảo vệ thực vật giúp nông dân sản xuất được nhiều thực phẩm với diện tích đất canh tác ít hơn bằng cách bảo vệ cây trồng khỏi sự tấn công của sâu bệnh, cỏ dại và dịch bệnh cây, đồng thời nâng cao năng suất canh tác. Do đó, sự sẵn có của nguồn thực phẩm an toàn, bổ dưỡng với giá cả phải chăng phụ thuộc vào khả năng tiếp cận của nông dân với các sản phẩm bảo vệ thực vật quan trọng này.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)