Vài năm trở lại đây, Pháp đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu trung thực và đáng tin cậy như công bố hiến chương quốc gia về liêm chính nghiên cứu năm 2015, thành lập Văn phòng Liêm chính Nghiên cứu Pháp (Office Français de l’Intégrité Scientifique - OFIS) vào tháng 3/2017, đưa các vấn đề liên quan đến liêm chính nghiên cứu thành luật năm 2020.
Mặc dù một số nhà khoa học cho rằng, bản thân lời thề liêm chính ít có khả năng ngăn chặn các hành vi sai trái trong nghiên cứu, nhưng cũng có những người xem đây là hành động mang tính biểu tượng có thể tạo cảm hứng cho những thay đổi lớn hơn. Bản dự thảo lời thề liêm chính của Pháp vẫn đang được hoàn thiện. Một phần nội dung dự thảo lời thề như sau: “Tôi cam kết, bằng hết khả năng của mình, tiếp tục giữ vững liêm chính trên hành trình khám phá tri thức, trong các phương pháp và kết quả nghiên cứu của tôi”.
Lời thề liêm chính cũng sẽ được nhắc đến trong hiến chương quốc gia Pháp về liêm chính nghiên cứu mà tất cả nghiên cứu sinh cũng như người hướng dẫn và cơ sở đào tạo của họ đều phải ký kết.
Stéphanie Ruphy - Giám đốc Văn phòng Liêm chính Nghiên cứu Pháp cho biết, lời thề liêm chính không giống như Lời thề Hippocrates khi các bác sỹ bắt đầu nghề nghiệp chuyên môn, cũng không mang tính cách ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có thể viện dẫn lời thề liêm chính để chống lại các hành vi đáng ngờ. Lời thề liêm chính cũng sẽ giúp buổi lễ bảo vệ luận án tiến sỹ trở nên trang nghiêm hơn. “Lời thề liêm chính là một hành động biểu tượng nhằm khẳng định các giá trị chung và những gì tạo nên một nhà nghiên cứu tốt” - Sylvie Pommier - Chủ tịch Hội Nghiên cứu sinh Pháp cho biết.
Hugh Desmond, nhà triết học về khoa học và đạo đức tại Đại học Antwerp (Vương quốc Bỉ) cho rằng, lời thề liêm chính có thể mang lại sự tự tin cho những người làm nghiên cứu ở các tầng dưới của hệ thống khoa bảng, cũng như giải phóng các nhà khoa học ở những tầng trên - những người cảm thấy bị mắc kẹt bởi những động lực bất hợp lý và đòi hỏi số lượng công bố khoa học thay vì chất lượng.
Trong khi đó, nhà sinh thái học Josefin Sundin tại Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển, người đã từng báo cáo một trường hợp gian lận nghiên cứu cho biết, cô ủng hộ lời thề liêm chính nhưng kèm theo hoài nghi. “Cách duy nhất để cải thiện liêm chính nghiên cứu là khuyến khích và thưởng cho những nghiên cứu chặt chẽ, chính xác, minh bạch và có khả năng tái lập thay vì dựa vào hệ số ảnh hưởng và số lượng bài báo” Josefin Sundin nói.
Dương Tú - Đại học Purdue, Hoa Kỳ (theo www.science.org)