Thứ tư, 13/07/2022 10:20

NASA đưa công nghệ “từ không gian xuống trái đất”

Với chương trình chuyển giao công nghệ được thiết lập bài bản, NASA đang hỗ trợ tích cực cho các công ty khởi nghiệp cũng như nhiều doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sáng chế của mình một cách thuận lợi, để phục vụ tốt hơn cho cộng đồng. Những sáng chế “trên trời” đang được ứng dụng trong các sản phẩm rất đời thường như thiết bị y tế, xe đạp, giải trí...

Những công nghệ “đến từ không gian”

Năm 2022, một công ty khởi nghiệp của Mỹ có tên The SMART Tire Company tung ra một loại lốp hoàn toàn mới dành cho xe đạp leo núi. Loại lốp này được làm bằng hợp kim niken-titan, không có không khí và siêu đàn hồi, nó sẽ bền hơn nhiều so với lốp cao su thông thường và không bao giờ bị xẹp. Tuy nhiên, công nghệ đằng sau lốp xe không đến từ một nhà sản xuất lốp hoặc ô tô mà nó được phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu Glenn của NASA. Công nghệ này cũng đang được phát triển để sử dụng trên sao Hỏa vào năm 2026. Năm 2020, những người sáng lập The SMART Tire Company là Brian Yennie và Earl Cole đã giành chiến thắng trong chương trình Studio khởi nghiệp của NASA và được sử dụng giấy phép sáng chế của NASA để sản xuất lốp xe đạp.

Darryl Mitchell (Chánh văn phòng Chuyển giao công nghệ tại Trung tâm Không gian Goddard) cho biết: Luật Hàng không và Vũ trụ quốc gia 1958 của Mỹ quy định, tất cả các phát triển khoa học và kỹ thuật phải được cung cấp vì lợi ích công cộng. Hiện tại, NASA có chương trình chuyển giao công nghệ lớn ở cả 10 trung tâm trực thuộc. Với tổng số 11.000 nhà khoa học và kỹ sư, NASA là một trong những tổ chức nghiên cứu, đổi mới hiệu quả nhất trên thế giới. Chương trình chuyển giao công nghệ xác định khoảng 1.600 công nghệ mới mỗi năm với các ứng dụng đa dạng. Ví dụ, tại Goddard, rất nhiều nghiên cứu về cảm biến và máy dò, sau đó có thể được chuyển sang phục vụ ngành y tế - ông Mitchell cho biết.

NASA là cơ quan liên bang duy nhất của Hoa Kỳ cung cấp thông tin chi tiết về toàn bộ danh mục tài sản trí tuệ của mình trên website. Có khoảng 1.500 bằng sáng chế đang hoạt động, trong đó có khoảng 1.100 bằng sáng chế có sẵn để cấp phép (số còn lại hầu hết được cấp phép theo các điều khoản độc quyền). Trong năm tài chính 2021, NASA đã ký hơn 200 thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế.

Một số công nghệ tiêu biểu khác của NASA có thể kể đến như:

- Máy ảnh điện thoại: máy ảnh kỹ thuật số trên mọi điện thoại thông minh cuối cùng bắt nguồn từ việc nhà khoa học NASA - Eugene Lally phát triển một cảm biến vào năm 1965, chuyển đổi các photon thành các electron để có thể chuyển thành hình ảnh. Công nghệ này ban đầu được sử dụng trên vệ tinh, sau đó được cấp phép cho Nokia và các nhà sản xuất điện thoại khác.

- Kính râm: kính lọc tia cực tím được phát triển để bảo vệ nhân viên NASA khỏi các tia chớp, tia laser và tia lửa hàn trong không gian và trên Trái đất.

- Máy thở: khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các kỹ sư của NASA tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực đã phát triển một công nghệ có tên gọi là VITAL để sản xuất máy thở, sau này đã được cấp phép miễn phí cho trên 30 công ty, trong đó có một số công ty ở Brazil và Ấn Độ.

Kể từ những chuyến thám hiểm đầu tiên của con người trong không gian, các phi hành gia luôn mang theo máy ảnh để ghi lại trải nghiệm cho mọi người trên mặt đất. Trong ảnh là một phi hành gia đang tự chụp chân dung trong một chuyến đi bộ ngoài không gian. (Ảnh: NASA).

Giấy phép Khởi nghiệp

Một trong những sáng kiến giúp thúc đẩy việc chuyển giao sáng chế là sự ra đời của chương trình Giấy phép Khởi nghiệp dành cho những công ty khởi nghiệp muốn thương mại hóa công nghệ của NASA. Với giấy phép này, các công ty không phải trả phí lần đầu và các phí khác trong 3 năm đầu tiên. Khi công ty bắt đầu bán sản phẩm mới phải trả 4,2% tiền bản quyền tiêu chuẩn.

Trong 5 năm qua, chương trình Giấy phép Khởi nghiệp cấp phép cho hơn 100 công ty khởi nghiệp trên khắp Hoa Kỳ. Chương trình làm cho quá trình chuyển giao công nghệ đơn giản hơn, có nghĩa là các công ty không bị sa lầy vào các cuộc đàm phán và được hưởng lợi từ các điều khoản phù hợp với hoàn cảnh của họ. Tại Goddard, đã có 21 giấy phép mới trong năm tài chính 2021, và 6 trong số này là Giấy phép Khởi nghiệp. Ông Mitchell cho biết: “Đó không chỉ là việc tiếp cận với công nghệ đã được cấp bằng sáng chế, mà còn là việc giúp các doanh nhân có được các kỹ năng để thành công”.

Một mẫu máy thở dựa trên công nghệ của NASA (Ảnh: Trường Y Icahn Mount Sinai, New York và NASA/JPL-Caltech).

Ngoài chương trình Giấy phép khởi nghiệp, NASA còn có một loạt các hoạt động khác để tiếp cận các doanh nhân như: NASA Startup Studio và Trại huấn luyện Thương mại hóa... Không giống như nhiều chương trình chuyển giao công nghệ khác, NASA không chú trọng vào doanh thu (mặc dù thu nhập từ tiền bản quyền có trả lại cho cơ quan và cho các nhà phát minh riêng lẻ) mà thay vào đó, NASA ưu tiên tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ. Điều đó mang lại nhiều lợi ích như phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống và môi trường cho cộng đồng.

Xuân Quỳnh (theo Wipo)

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)