Đặc điểm thực vật và ứng dụng trong y học cổ truyền
Thìa canh, tên khoa học là Gymnema sylvestre (Retz) R.Br.ex Schult., thuộc chi Gymnema, họ thiên lý (Asclepiadaceae). Đây là loài dây leo, chiều cao 6-10 m, nhựa mủ vàng, thân có lông dài 8-12 cm, to 3 mm, có lỗ bì thưa… Lá Thìa canh chứa một số thành phần chính, bao gồm: albumin, chlorophyll, carbohydrates, tartaric acid, formic acid, butyric acid, các anthraquinone, inositol alkaloid, acid hữu cơ (5,5%), parabin, calcium oxalate (7,3%), lignin (4,8%), cellulose (22%). Các nghiên cứu về thành phần hóa học chỉ ra rằng, các saponin triterpenoid là thành phần thứ cấp phổ biến nhất trong Thìa canh với phần aglycone có khung oleane hoặc dammarane. Các hợp chất điển hình cho nhóm hợp chất này là các gymnemic acid. Công dụng của cây Thìa canh đã được ghi nhận trong y học cổ truyền Ấn Độ. Trong Ayurveda, một hệ thống y học Hindu truyền thống của người Ấn Độ, Thìa canh được sử dụng để điều trị nhiều chứng bệnh như khó tiêu, táo bón, vàng da, trĩ, suy thận, mụn nước, các bệnh về tim, hen suyễn, viêm phế quản. Các bộ phận của cây như rễ, cành, lá của loài cây này cũng được sử dụng để điều trị một số chứng bệnh đường ruột, suy thận và tiểu đường.
Hình ảnh và cấu trúc của một số saponin triterpenoid từ cây Thìa canh.
Một số nghiên cứu gần đây còn chỉ ra rằng, trong cây Thìa canh và một loài ở cùng chi là Thìa canh lá to (Gymnema inodorum) chứa một số hợp chất saponin steroid với phần aglycone mang khung pregnane. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, cao chiết cũng như các hoạt chất phân lập từ các bộ phận của loài Gymnema sylvestre có nhiều tác dụng sinh học quý như hạ đường huyết, trị đái tháo đường, gây độc tế bào ung thư, hạ mỡ máu, chống khuẩn, chống oxi hóa kháng viêm, chống viêm khớp, tăng cường miễn dịch. Trong số đó, giảm đường huyết và trị đái tháo đường là hoạt tính nổi bật nhất của các sản phẩm thiên nhiên từ Thìa canh G. sylvestre.
Thử nghiệm trên chuột bị gây tiểu đường bằng alloxan cho thấy, đường huyết cũng như cholesterol tổng số và triglyceride trong máu của nhóm chuột được ăn bột khô Thìa canh giảm rõ rệt. Trên mô hình chuột bị gây tiểu đường do tổn thương tuyến tụy bởi streptozotocin (STZ), việc sử dụng các chế phẩm từ cây Thìa canh cho hiệu quả giảm đường huyết, giảm AST (chỉ số men gan), triglyceride, cholesterol tổng số, đồng thời kích thích sản sinh insulin. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng các hợp chất saponin có tác dụng kích thích tế bào β của tuyến tụy để tăng cường sản sinh insulin...
Một số thử nghiệm lâm sàng về tác dụng trị bệnh đái tháo đường
Không dừng lại trên các mô hình tế bào hoặc động vật, khả năng điều trị bệnh tiểu đường của các chế phẩm từ cây Thìa canh đã được thử nghiệm lâm sàng. Theo một nghiên cứu trên 58 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 được chia làm 2 nhóm, nhóm thử nghiệm (39 bệnh nhân) sử dụng chế phẩm chứa 250 mg cao chiết từ lá Thìa canh (2 lần/ngày) trong 90 ngày; nhóm chứng (19 bệnh nhân) sử dụng giả dược với thời gian và liều lượng tương ứng. Kết quả cho thấy, các bệnh nhân thuộc nhóm thử nghiệm có chỉ số đường huyết giảm trước khi ăn và sau khi ăn 2 giờ lần lượt 14,3 và 21,5%, trong khi chỉ số HbA1C giảm khoảng 1% so với trước khi điều trị và các chỉ số về mỡ máu ở nhóm được điều trị cũng được cải thiện đáng kể. Công bố năm 2021 của nhóm tác giả Suneel Devangan, tổng hợp lại kết quả của 10 nghiên cứu trên 419 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đã chỉ ra rằng, các chế phẩm từ Thìa canh làm giảm một cách có ý nghĩa thống kê với các chỉ số về lượng đường trong huyết tương của bệnh nhân được điều trị khi đói và 2 giờ sau bữa ăn, cũng như chỉ số HbA1c so với mức tiêu chuẩn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, song song với việc làm giảm đường huyết, các chỉ số về mỡ máu như triglyceride hay cholesterol tổng số cũng giảm ở nhóm bệnh nhân sử dụng chế phẩm từ Thìa canh.
Nhìn chung, các nghiên cứu về cây Thìa canh (Gymnema sylvestre) cho tới nay vẫn hết sức đa dạng, từ nghiên cứu thành phần hóa học tới nghiên cứu tác dụng sinh học và trên lâm sàng. Tại Việt Nam, nhiều công trình nghiên cứu trên đối tượng thực vật này đã được tiến hành và cho ra các kết quả rất tích cực về chất lượng khoa học; đồng thời trên thị trường hiện nay cũng có không ít những sản phẩm chiết xuất từ Thìa canh được bày bán. Tuy nhiên, hiệu quả của các sản phẩm này tới người tiêu dùng thực sự tới đâu vẫn là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, Nxb Y học.
2. Farzana Khan, Md Moklesur Rahman Sarker, Long Chiau Ming, Isa Naina Mohamed, Chao Zhao, Bassem Y. Sheikh, Hiew Fei Tsong and Mohammad A. Rashid (2019), "Comprehensive review on phytochemicals, pharmacological and clinical potentials of Gymnema sylvestre", Frontiers in Pharmacology, 10(1223), DOI: 10.3389/fphar.2019.0122.
3. Xin Liu, Wencai Ye, Biao Yu, Shouxun Zhao, Houming Wu and Chuntao Che (2004), "Two new flavonol glycosides from Gymnema sylvestre and Euphorbia ebracteolata", Carbohydrate Research, 339(4), pp.891-895.
4. R. Mary Sujin, R. Mary Subin, R. Mahesh and R. Vinolyia Josephine Mary (2008), "Anti-Diabetic Effect of Gymnema sylvestre (Asclepiadaceae) powder in the stomach of ats", Ethnobotanical Leaflets, 12, pp.1158-1167.
5. Vijayanand R. Aralelimath and Satish B. Bhise (2012), "Anti-diabetic effects of Gymnema sylvestre extract on streptozotocin induced diabetic rats and possible β-cell protective and regenerative evaluations", Digest Journal of Nanomaterials and Biostructures, 7(1), pp.135-142.
6. Aziza A. M. El Shafey, Magda M. El-Ezabi, Moshira M. E. Seliem, Hannen H.M. Ouda and Doaa S. Ibrahim (2013), "Effect of Gymnema sylvestre R. Br. leaves extract on certain physiological parameters of diabetic rats", Journal of King Saud University - Science, 25(2), pp.135-141.
7. Prem Kumar, Sudha Rani, B. Arunjyothi, Chakrapani Pullagummi and A. Rojarani (2017) "Evaluation of antidiabetic activity of Gymnema sylvestre and andrographis paniculata in streptozotocin induced diabetic rats", International Journal of Pharmacognosy and Phytochemical Research, 9(1), pp.22-25.
8. George P. Dateo and Louis Long (1973), "Gymnemic acid, the antisaccharine principle of Gymnema sylvestre (1973) isolation and heterogeneity of gymnemic acid A1", Journal of Agricultural and Food Chemistry, 21(5), pp.899-903.
9. Yumiko Nakamura, Yukari Tsumura, Yasuhide Tonogai and Tadashi Shibata (1999), "Fecal steroid excretion is increased in rats by oral administration of gymnemic acids contained in Gymnema sylvestre leaves", The Journal of Nutrition, 129(6), pp.1214-1222.
10. Smriti Nanda Kumar, Uliyar Vitaldas Mani and Indirani Mani (2010), "An open label study on the supplementation of Gymnema sylvestre in type 2 diabetics", Journal of Dietary Supplements, 7(3), pp.273-282.
11. Suneel Devangan, Bincy Varghese, Ebin Johny, Surender Gurram and Ramu Adela (2021), The effect of Gymnema sylvestre supplementation on glycemic control in type 2 diabetes patients: A systematic review and meta-analysis, Phytotherapy Research, pp.1-11.