Thứ sáu, 13/05/2022 16:57

Cơ hội để phát triển các tạp chí khoa học

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đến năm 2030. Giải pháp thứ sáu của Chiến lược đề cập đến việc phát triển các tạp chí khoa học; giải pháp thứ 9 đề cập đến việc đẩy mạnh truyền thông về KHCN&ĐMST. Đây là cơ hội để các tạp chí khoa học có thêm nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế.

KHCN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưng

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: đến năm 2030, KHCN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ KHCN&ĐMST đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực KH&CN đạt trình độ quốc tế.

Các mục tiêu cụ thể: 1) Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; 2) Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; 3) Đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7; 4) Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới; 5) Đến năm 2025, đầu tư cho KH&CN đạt 1,2-1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8-1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60-65%; đến năm 2030, đầu tư cho KH&CN đạt 1,5-2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1-1,2% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65-70%; 6) Đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người/10.000 dân, đến năm 2030 đạt 12 người/10.000 dân; trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp; 7) Đến năm 2025, có 25-30 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới, đến năm 2030 có 40-50 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới; 8) Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp; 9) Số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%/năm, 10-12% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; phát triển được hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới.

Phát triển hệ thống tạp chí khoa học trong nước đạt trình độ quốc tế

Nhiệm vụ, giải pháp thứ 6 của Chiến lược (phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng KHCN&ĐMST) khẳng định: “Phát triển hệ thống tạp chí KH&CN trong nước đạt trình độ quốc tế. Đầu tư thỏa đáng hệ thống tạp chí trong nước trên cơ sở cân đối giữa các lĩnh vực KH&CN, các đối tượng phục vụ, khuyến khích áp dụng công nghệ số, liên kết với các nhà xuất bản, tạp chí có uy tín trên thế giới. Nâng cao trình độ của đội ngũ biên tập, tăng tính đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập; thu hút, khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước đăng tải các bài báo có chất lượng ở tạp chí trong nước. Có các quy định bắt buộc các đề tài từ ngân sách nhà nước phải có công bố trên các tạp chí trong nước".

Như vậy, đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng, là cơ hội để các tạp chí khoa học có thêm nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng, định hướng hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, trong nhiệm vụ, giải pháp thứ 9 (tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về KHCN&ĐMST) cũng đã đề cập nhiều khía cạnh mà Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2010-2021 chưa đề cập đến. Cụ thể là:

Một là, tiếp tục duy trì và phát triển các giải thưởng nghiên cứu quốc gia dành cho các nhà nghiên cứu có thành tích xuất sắc. Hình thành thêm các giải thưởng dành cho hoạt động đổi mới sáng tạo, cho doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hai là, khuyến khích, hỗ trợ thanh, thiếu niên nâng cao hiểu biết về khoa học và công nghệ và định hướng nghề nghiệp vào lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Đầu tư một số kênh truyền hình, ấn phẩm, kênh truyền thông xã hội chuyên đề về KHCN&ĐMST, đặc biệt cho trẻ em, thanh thiếu niên. Mở rộng, nâng cao chất lượng và tăng cường truyền thông, khuyến khích đầu tư xã hội cho các cuộc thi, sân chơi về KHCN&ĐMST cho trẻ em, thanh thiếu niên.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về KHCN&ĐMST. Đa dạng hóa các loại hình truyền thông trên nền tảng số và mạng xã hội; quy định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước phải truyền thông, phổ biến rộng rãi kết quả trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về doanh nghiệp có doanh thu tạo ra từ sản xuất - kinh doanh hình thành từ kết quả hoạt động khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị thương hiệu, tạo uy tín đối với người tiêu dùng, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh truyền thông và hỗ trợ của nhà nước đối với các hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người dân. Xây dựng các hình thức trưng bày, bảo tàng KHCN&ĐMST phục vụ rộng rãi các đối tượng trong xã hội trên cả nước.

Vũ Hưng

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)