Thứ sáu, 13/05/2022 14:53

Chuyển dịch năng lượng: Đào tạo nhân lực, nghiên cứu và công nghệ

Chuyển dịch năng lượng là một quy luật tất yếu của xã hội và là xu hướng chung của thế giới, giúp đảm bảo an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và góp phần phát triển bền vững. Để đẩy nhanh việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nguồn nguyên/nhiên liệu truyền thống đang ngày càng cạn kiệt, điều quan trọng là phải đào tạo được đội ngũ nguồn nhân lực có năng lực và trình độ để đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo quốc tế: “Chuyển dịch năng lượng: đào tạo nhân lực, nghiên cứu và công nghệ” do Trường Đại học Điện lực (Bộ Công Thương) vừa tổ chức đầu tháng 5/2022 tại Hà Nội. Hội thảo quy tụ sự tham dự của 78 cơ quan, tổ chức với gần 300 đại biểu/nhà khoa học trong và ngoài nước.

Xu thế của thời đại

Tại họi thảo, PGS.TS Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, lịch sử loài người đã chứng kiến những bước đi của chuyển dịch năng lượng từ năng lượng thô sang năng lượng hoá thạch, năng lượng hạt nhân và đến ngày nay là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Việc khai thác và sử dụng năng lượng hoá thạch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường và gia tăng hiệu ứng nhà kính. Câu hỏi lớn đặt ra là làm sao để chuyển dịch năng lượng thành công, phục vụ phát triển bền vững, thân thiện với môi trường? Các tác động đến môi trường, xã hội và kinh tế của việc sản xuất năng lượng bền vững là gì? Chúng ta có thể làm gì để đảm bảo công bằng trong quá trình chuyển dịch năng lượng sắp diễn ra trên các bình diện kinh tế, chính trị, xã hội? Vai trò của các bên liên quan và làm sao để kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong công cuộc chuyển đổi năng lượng? Nhiều ý kiến cho rằng: nghiên cứu nhằm tạo ra công nghệ mới gắn với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cho sự thành công trong chuyển dịch năng lượng.

PGS.TS Đinh Văn Châu cũng khẳng định, Việt Nam hiện nay đang đối mặt với thách thức về nguy cơ thiếu hụt năng lượng, do đó cần có những giải pháp kịp thời để bảo đảm an ninh năng lượng. Quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam nằm trong xu thế chuyển dịch năng lượng của thế giới. Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do tác động biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Việc phát triển, chuyển dịch năng lượng thành công đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó nghiên cứu, khai thác, điều hành hệ sinh thái năng lượng đòi hỏi sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học. Nhiều nghiên cứu khác nhau đã xác định các rào cản chính đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Việt Nam như thể chế và chính sách; kinh tế và tài chính; kỹ thuật và cơ sở vật chất; đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh hiện nay chuyển dịch năng lượng là một trong những vấn đề ưu tiên thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các chính trị gia, doanh nghiệp và của toàn thể cộng đồng.

Công nghệ là chìa khóa quan trọng

TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, năng lượng, đặc biệt là điện năng là lĩnh vực vô cùng quan trọng của một quốc gia. Một quốc gia có nguồn cung cấp điện năng ổn định, bền vững, giá thành hợp lý là chìa khóa cho sự phát triển, cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công.

Trong thời gian gần đây, vấn đề năng lượng và điện năng trở nên vô cùng nóng trên thế giới. Vấn đề biến đổi khí hậu và nóng ấm toàn cầu đang trở nên vô cùng cấp bách. Tại COP26, đa số các nước đã cam kết cân bằng phát thải CO2 vào 2050 hoặc 2060 bằng việc chuyển đổi cơ cấu điện năng, cụ thể là dần loại bỏ nhiệt điện than, giảm dần nhiệt điện khí và khí hóa lòng (LNG), đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và xem điện hạt nhân là nguồn điện sạch không phát thải CO2 có thể đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện. Việt Nam cũng đưa ra cam kết cân bằng carbon vào năm 2050, đây là một thách thức lớn cho một đất nước đang phát triển, có mức tăng trưởng điện năng hàng năm cao, trong khi nguồn thuỷ điện cạn kiệt. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ 2/2022 đã đẩy giá dầu và khí lên cao, đặc biệt là khí, đồng thời cho thấy an ninh năng lượng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mỹ và các nước Phương Tây đang loại bỏ hoặc giảm dần sự phụ thuộc vào dầu và khí của Liên bang Nga. Để thực hiện được mục tiêu này, năng lượng hạt nhân đóng một vai trò rất quan trọng.

Như chúng ta đã thấy, ngành điện hạt nhân thế giới đang thay đổi, chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và thay đổi địa chính trị trên thế giới. Điện hạt nhân là nguồn điện có công suất cao, vận hành ổn định và tin cậy, là nguồn điện sạch, không phát thải khí nhà kính, sẽ đóng góp quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu nguồn điện của các nước trên thế giới. Lịch sử thế giới đã chứng minh, các quốc gia đi lên con đường thịnh vượng đều trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ về khoa học và công nghệ. Về công nghệ, TS Trần Chí Thành chia sẻ, các nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng mới hiện nay đều là lò nước nhẹ thế hệ III+, thậm chí IV+... Thiết kế mới được hình thành từ tất cả những kinh nghiệm đã có, tăng cường khả năng đảm bảo an toàn, ngăn ngừa sự tiến triển của sự cố nếu có các vấn đề bất thường xảy ra. Cách tiếp cận đến vấn đề an toàn được hình thành từ thống kê, kinh nghiệm kèm theo khả năng phân tích, đánh giá diễn biến sự cố sử dụng công cụ máy tính hiện đại mô phỏng và dự báo, cũng như áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các phương pháp phân tích. Về an toàn, hệ thống pháp quy hạt nhân của các nước, đặc biệt các nước tiên tiến luôn luôn được điều chỉnh và hoàn thiện thêm. An toàn hạt nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Mặc dù, điện từ năng lượng tái tạo là nguồn điện sạch có thể phát triển tốt, tuy nhiên đây là nguồn điện phụ thuộc thời tiết và điều kiện khí hậu. Do đó sự kết hợp giữa điện hạt nhân và năng lượng tái tạo là xu thế sẽ thịnh hành trong tương lai gần.

Chia sẻ thêm về vấn đề có liên quan đến nguồn điện sạch, không phát thải khí nhà kính là điện hạt nhân, GS.TSKH Trần Quốc Tuấn - Đại học Quốc gia Khoa học và Công nghệ hạt nhân (INSTN), Đại học Paris Saclay, Giám đốc nghiên cứu CEA Liten - INES (Cộng hòa Pháp) đã thông tin khái quát về bức tranh chuyển dịch năng lượng ở Pháp. Theo GS Tuấn, Pháp là quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng điện hạt nhân khi loại năng lượng này chiếm khoảng 75% tổng sản lượng điện quốc gia. Nước này cũng đang có kế hoạch phát triển các lò phản ứng thế hệ mới để bảo đảm sự an toàn ở mức cao nhất. Ngành công nghiệp điện hạt nhân của Pháp đã đạt được rất nhiều thành công và đưa Pháp trở thành cường quốc về điện hạt nhân trên thế giới với số lò phản ứng hạt nhân đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Với kinh nghiệm trong nghiên cứu, xây dựng và phát triển, Pháp trở thành quốc gia hàng đầu trong xây dựng và xuất khẩu công nghệ hạt nhân trên thế giới. Để có những thành công đó, Pháp đã bắt đầu chương trình điện hạt nhân từ rất sớm, phát triển điện hạt nhân đi đôi với đảm bảo an toàn, an ninh điện hạt nhân. Có thể khẳng định, điều quan trọng trong việc sử dụng điện hạt nhân thành công tại Pháp chính là họ có một đội ngũ cán bộ công nghệ về điện hạt nhân trình độ cao, đồng thời các nhà chức trách Pháp đã làm việc rất chăm chỉ để công dân của họ thấy rõ những lợi ích của năng lượng hạt nhân cũng như rủi ro mà nó có thể mang lại… Các cuộc thăm dò được thực hiện trong nhiều năm đã cho thấy, phần đông công chúng Pháp ủng hộ điện hạt nhân. Vì thế, mạng lưới các nhà máy điện hạt nhân trải đều khắp vùng miền của quốc gia này.

Dịch chuyển năng lượng vẫn đang định hình nhưng sẽ là một chủ đề lớn. Để chuyển dịch thành công, các chuyên gia cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách về năng lượng; phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam; xây dựng và vận hành lưới điện thông minh; công tác chuyển đổi số trong hệ thống điện và tự động hóa hệ thống điện… Tương tự như khi than đá rồi xăng dầu thay nhau trở thành nguồn năng lượng, nhiên liệu chính để phục vụ các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, trong tương lai điện và các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được dự báo sẽ chiếm vị trí quan trọng trong việc đảm bảo anh ninh nguồn năng lượng. Tuy nhiên, để dịch chuyển năng lượng thành công, chúng ta cần cần phải có thời gian và sự điều chỉnh trong các chính sách vĩ mô của quốc gia và quốc tế.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)