“Cuộc khủng hoảng hành tinh” là cụm từ mà Liên Hợp quốc đặt tên cho thực trạng ô nhiễm nhựa đại dương hiện nay.
Cuộc khủng hoảng hành tinh
“Cuộc khủng hoảng hành tinh” là cụm từ mà Liên Hợp quốc đặt tên cho thực trạng ô nhiễm nhựa đại dương hiện nay. Thực trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng, hiện diện ở nhiều khu vực trên Trái đất. Nhựa chỉ bắt đầu được sử dụng rộng rãi sau Thế chiến thứ hai, nhưng toàn bộ khối lượng nhựa từng được sản xuất đã cao gấp đôi tổng khối lượng của tất cả các loài động vật trên cạn và dưới biển cộng lại. Sản lượng nhựa đã tăng vọt trong hai thập kỷ gần đây, trong đó lượng nhựa được sản xuất từ năm 2003 đến năm 2016 bằng tất cả các năm trước đó cộng lại. Năm 2015, 60% tổng lượng nhựa từng được sản xuất đã trở thành rác thải, phần đáng kể trong số đó đã trôi vào đại dương. Có nhiều ước tính khác nhau, nhưng rất có thể đã có khoảng 86-150 triệu tấn (mmt) nhựa đã tích tụ trong các đại dương với tốc độ liên tục tăng: năm 2010, ước tính có 4,8-12,7 mmt rác thải nhựa đã xâm nhập đại dương từ đất liền, trong đó một nghiên cứu gần đây cho thấy 19-23 mmt đã xâm nhập vào các tuyến đường thủy trong năm 2016.
Vì nhựa tiếp tục phân hủy trong đại dương, nên các mối đe dọa từ đó sẽ nhân lên. Hạt nhựa trở thành hạt vi nhựa và hạt vi nhựa trở thành hạt nhựa nano, khiến cho việc phục hồi ngày một khó khăn. Ngay cả khi toàn bộ rác thải nhựa ngừng đổ vào đại dương kể từ hôm nay, thì khối lượng hạt vi nhựa trong các đại dương và bãi biển vẫn sẽ tăng không ngừng trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2050. Có rất ít bằng chứng về việc xả thải gây ô nhiễm nhựa sẽ dừng lại hoặc thậm chí chậm lại trong tương lai gần.
Sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040 và ô nhiễm nhựa trong đại dương dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần. Điều này có thể làm gia tăng mật độ hạt nhựa ở đại dương lên gấp 4 lần vào năm 2050 và tăng số lượng hạt vi nhựa trong đại dương lên một con số đáng báo động (gấp 50 lần vào năm 2100).
Ô nhiễm nhựa hiện diện khắp mọi nơi trên đại dương. Hầu hết sinh vật biển có thể đã từng tiếp xúc với nhựa. Theo đánh giá của các nghiên cứu, cho đến nay có tổng cộng 2.141 loài đã tiếp xúc với ô nhiễm nhựa trong môi trường sống tự nhiên. Có nhiều nghiên cứu (cả trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa) đã được thực hiện để tìm hiểu về các tiếp xúc với nhựa của 902 loài. Một số nghiên cứu đánh giá các tác động như làm tổn thương hoặc tử vong, làm hạn chế chuyển động, làm thay đổi cách thức hấp thụ thức ăn, tốc độ tăng trưởng, phản ứng miễn dịch, khả năng sinh sản và chức năng tế bào. Nghiên cứu được thực hiện trên 297 loài để quan sát các tác động nhìn thấy được, trong số này 88% được xem là tác động có hại. Kết quả này thể hiện rõ một thực trạng: nhựa có ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các sinh vật biển. Tác động tiêu cực chính của nhựa gồm: vướng vào (các vật dụng như dây thừng, lưới, bẫy và dây cước từ các ngư cụ bị bỏ rơi, bị thất lạc…), nuốt nhầm (tất cả các loại động vật biển - từ động vật săn mồi bậc cao đến sinh vật phù du ở đầu chuỗi thức ăn - đều nuốt phải nhựa), bị ngạt (ô nhiễm nhựa làm mất đi ánh sáng, thức ăn và oxy của san hô, bọt biển và động vật sống dưới đáy, làm cho trầm tích bị thiếu oxy và làm giảm số lượng sinh vật trong trầm tích), ô nhiễm hóa chất (không phải tất cả các thành phần trong nhựa đều có hại, nhưng nhiều thành phần trong số đó đang và có thể bị rò rỉ từ nhựa vào môi trường biển).
Một số chất ô nhiễm hóa học đáng lo ngại nhất được tìm thấy trong nhựa bao gồm: các chất gây rối loạn nội tiết (những chất này làm biến đổi nội tiết tố, cản trở quá trình sinh sản, tốc độ phát triển và hành vi của nhiều loài sinh vật biển), các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (những chất tồn tại lâu dài này, chẳng hạn như các nhóm hóa chất PCB - Polychlorinated Biphenyls ảnh hưởng đến sinh vật và sức khỏe môi trường). Tác động của ô nhiễm nhựa đại dương cũng đã được báo cáo chỉ ra rằng, nhựa có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn biển và hiện đã lẫn trong thực phẩm của con người; ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến rạn san hô và rừng ngập mặn; tạo ra hiệu ứng cộng (ô nhiễm nhựa, khi diễn ra đồng thời với nhiều vấn nạn khác, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến số phận của các loài sinh vật biển).
Giải quyết vấn đề từ gốc
Phòng ngừa trước khi xảy ra ô nhiễm nhựa luôn tốt hơn là giải quyết hậu quả. Tương tự như khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm nhựa ảnh hưởng đến cả hành tinh của chúng ta: mức độ ô nhiễm nhựa đang liên tục gia tăng mà chỉ có các giải pháp mang tính toàn cầu và hệ thống mới có thể ứng phó hiệu quả. Đáng mừng là vấn đề này hiện đang được cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm.
Một giải pháp thường được đề xuất là thu gom và loại bỏ rác thải nhựa đại dương. Dù chưa chứng minh được tính hiệu quả, một số đơn vị đã và đang đẩy mạnh phát triển các giải pháp công nghệ của tương lai nhằm giúp xử lý ô nhiễm nhựa đại dương trên quy mô lớn, tương tự như với công nghệ thu giữ carbon giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngay cả khi những giải pháp công nghệ này được chứng minh là khả thi trên lý thuyết, việc triển khai áp dụng trên diện rộng luôn đi kèm với các khoản chi phí đáng kể và không thể chỉ dựa vào công nghệ để chấm dứt vấn đề ô nhiễm nhựa hoàn toàn. Hơn nữa, hiệu quả của các nỗ lực loại bỏ rác thải nhựa trong hệ sinh thái biển vẫn chưa được đánh giá một cách toàn diện. Mặt khác, những hoạt động này có khả năng để lại dấu chân carbon đáng kể và gần như sẽ không loại bỏ được các mảnh nhựa nhỏ khỏi đại dương. Dù trên thế giới đã có một số phương pháp giúp loại bỏ vi nhựa, nhưng hiện nay hầu hết chỉ áp dụng được trong lĩnh vực xử lý nước thải.
Một hướng tiếp cận quan trọng hơn cả là ngăn chặn rác thải nhựa xâm nhập vào môi trường ngay từ đầu, điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm hoạt động sản xuất nhựa nguyên sinh một cách đáng kể. Một trong nhiều lợi ích khác của cách tiếp cận này là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm từ việc sản xuất, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa. Sau nhiều thập kỷ trì hoãn, cả thế giới bắt đầu xích lại gần nhau hơn để chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu cũng phải là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tất cả chúng ta. Hãy hành động ngay từ bây giờ, khi vẫn còn kịp.
Một thỏa thuận toàn cầu mới về nhựa cần đưa ra những mục tiêu tham vọng, mang tính ràng buộc và hướng các quốc gia thành viên theo một tiêu chuẩn hành động chung. Thỏa thuận cần quy định những quy tắc, nghĩa vụ cụ thể, rõ ràng, có thể áp dụng trong suốt vòng đời của nhựa, giúp ứng phó hiệu quả với khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu, trong đó có các điều khoản đảm bảo việc đo lường được mức độ tuân thủ của các quốc gia cũng như việc hoàn thiện các quy tắc theo thời gian. Thỏa thuận cần phải là một sân chơi quốc tế bình đẳng với những biện pháp khuyến khích sự tham gia và tuân thủ của các bên liên quan.
Thỏa thuận này cần quy định: 1) Một tầm nhìn rõ ràng về việc chấm dứt xả rác thải nhựa vào tự nhiên, dù là trực tiếp hay gián tiếp, dựa trên nguyên tắc phòng ngừa và nhận diện tác động tàn phá từ ô nhiễm nhựa đại dương; 2) Một nghĩa vụ xây dựng và triển khai kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống, kiểm soát, chấm dứt ô nhiễm nhựa, hướng tới mục tiêu tham vọng và hiệu quả; 3) Các định nghĩa, phương pháp, tiêu chuẩn và quy định chung hướng đến một nỗ lực toàn cầu, hiệu quả và hài hòa nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa trong suốt vòng đời của rác thải nhựa (bao gồm các yêu cầu cụ thể đảm bảo tính tuần hoàn và các lệnh cấm đối với một số sản phẩm nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như nhựa dùng một lần và vi nhựa được chủ ý đưa vào sản phẩm); 4) Các lệnh cấm cụ thể đối với các hành vi được xem là đi ngược lại mục tiêu, mục đích của thỏa thuận, bao gồm việc cố ý xả rác thải nhựa vào hệ thống sông và vùng nội thủy; 5) Một khung đo lường, báo cáo và đánh giá thống nhất để theo dõi việc xả thải rác thải nhựa và tiến trình thực hiện các giải pháp đẩy lùi ô nhiễm ở cấp quốc gia và toàn cầu; 6) Một cơ quan khoa học quốc tế mang tính chuyên môn hóa cao và toàn diện, có nhiệm vụ đánh giá và theo dõi mức độ, phạm vi và nguồn gây ô nhiễm nhựa, đảm bảo hài hòa giữa các phương pháp luận và cơ sở khoa học, cập nhật kiến thức mới nhất để phục vụ cho quá trình ra quyết định và triển khai thực hiện; 7) Một thỏa thuận về mặt kỹ thuật và tài chính toàn cầu, cũng như hỗ trợ chuyển giao công nghệ giúp các bên ký kết thực hiện hiệu quả thỏa thuận này; 8) Một cam kết về việc thường xuyên cập nhật, sửa đổi, hoàn chỉnh các biện pháp và nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Đối với Việt Nam, số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chỉ riêng trong năm 2018, Việt Nam đã thải ra trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa. Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác (ve chai, đồng nát) và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ. Việt Nam đã được coi là một trong số các quốc gia đứng đầu trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa xả ra đại dương. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019). Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trong Kế hoạch, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, đồng thời, cần thay đổi thói quen hàng ngày khi sử dụng đồ nhựa như: không nên dùng nhựa một lần; cố gắng sử dụng lặp đi lặp lại một món đồ hoặc sản phẩm, đặc biệt là đồ nhựa càng nhiều lần càng tốt; trao cho đồ vật đã qua sử dụng thành một công năng mới. Ở tầm quốc gia, Việt Nam cần quan tâm tham gia cũng như có những đóng góp tích cực vào các thỏa thuận toàn cầu.
Vũ Hưng