Khái quát thực trạng đăng ký hoạt động KH&CN
Hiện nay, có hơn 3000 tổ chức KH&CN thực hiện đăng ký hoạt động tại Bộ KH&CN, trong đó mỗi năm có khoảng 100-150 tổ chức thực hiện đăng ký cấp lại, thay đổi, bổ sung các thông tin trên Giấy chứng nhận và khoảng hơn 100 tổ chức KH&CN đăng ký mới.
Căn cứ Quyết định số 819/QĐ-BKHCN ngày 17/4/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN (lĩnh vực: hoạt động KH&CN), các thủ tục hành chính cấp trung ương liên quan đến đăng ký hoạt động KH&CN bao gồm: 1) Cho phép thành lập và phê duyệt điều lệ của tổ chức KH&CN có vốn nước ngoài; 2) Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu cho tổ chức KH&CN (bao gồm tổ chức công lập, ngoài công lập và có vốn của nước ngoài); 3) Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN; 4) Thay đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN; 5) Cấp Giấy phép thành lập lần đầu cho văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam; 6) Cấp lại Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam; 7) Thay đổi, bổ sung nội dung Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam; 8) Gia hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam; 9) Đề nghị thành lập tổ chức KH&CN trực thuộc ở nước ngoài; 10) Đề nghị thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN Việt Nam ở nước ngoài.
Thực tiễn giải quyết thủ tục hành chính cho thấy, trong số 10 thủ tục hành chính nêu trên, thủ tục số (2) và số (7) chiếm 90-95% yêu cầu. Một số thủ tục chưa triển khai do chưa có nhu cầu của xã hội như: lập tổ chức, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN Việt Nam ở nước ngoài. Một số thủ tục rất ít thực hiện như thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh, tổ chức KH&CN nước ngoài tại Việt Nam.
Những điểm mới trong công tác đăng ký hoạt động KH&CN
Bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Các thủ tục đăng ký hoạt động KH&CN đòi hỏi phải được đổi mới trong phương thức tiếp nhận, quy trình xử lý hồ sơ, đơn giản hóa hồ sơ… để tạo điều kiện thuận lợi nhất, góp phần tiết kiệm chi phí cho tổ chức và cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính. Trong thời gian qua, quy trình tiếp nhận thủ tục hành chính về đăng ký hoạt động KH&CN đã có nhiều cải tiến theo hướng thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, cụ thể là:
Về phương thức tiếp nhận hồ sơ, Bộ KH&CN đã thực hiện đa dạng hóa phương thức tiếp nhận hồ sơ, bao gồm các hình thức tiếp nhận sau: tại bộ phận văn thư của Bộ (qua đường công văn); tại bộ phận một cửa của Bộ KH&CN; qua dịch vụ bưu chính công ích; đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN và Cổng dịch vụ công Quốc gia đối với 02 thủ tục hành chính. Trong đó, đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN được triển khai thực hiện từ năm 2017. Tại thời điểm đó, các dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 3, tổ chức, cá nhân sau khi có thông báo nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính cần đến Bộ KH&CN để thanh toán phí và nhận kết quả. Đến cuối năm 2020, các dịch vụ công trực tuyến đã được nâng cấp lên mức độ 4, đồng thời được tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Qua đó, tổ chức và cá nhân có thể làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước ở mọi nơi, mọi lúc chỉ cần có kết nối internet; các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ sẽ được thực hiện trên môi trường mạng, đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Với dịch vụ công mức độ 4, tổ chức, cá nhân có thể thanh toán phí trực tuyến và nhận kết quả qua môi trường mạng hoặc nhận bản cứng qua dịch vụ bưu chính công ích. Tổ chức KH&CN đăng nhập vào trang web: https://dichvucong.gov.vn/, vào phần tìm kiếm chọn thủ tục hồ sơ, kê khai biểu mẫu điện tử. Sau khi tiếp nhận, Bộ KH&CN tổ chức thẩm định hồ sơ: nếu tổ chức KH&CN đáp ứng các yêu cầu của quy định hiện hành, Bộ sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN; với trường hợp ngược lại, Bộ sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện công khai, minh bạch các quy định về đăng ký hoạt động KH&CN; công khai cơ sở dữ liệu về thông tin cơ bản của tổ chức KH&CN đăng ký hoạt động trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Các tổ chức, cá nhân có thể tra cứu các thông tin cơ bản của tổ chức như: số Giấy chứng nhận, ngày cấp Giấy chứng nhận, tên tổ chức, địa chỉ, lĩnh vực hoạt động, tên người đứng đầu. Bên cạnh đó, Văn phòng đã thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình, tình trạng hồ sơ đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Bộ, tiếp nhận ý kiến về sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, tiến hành triển khai hợp nhất dữ liệu đăng ký hoạt động KH&CN từ 63 Sở KH&CN trên cả nước thành một cơ sở dữ liệu thống nhất về tổ chức KH&CN. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hoạt động KH&CN sẽ trở thành nguồn dữ liệu quan trọng cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước về tình hình hoạt động tổ chức KH&CN, phục vụ công tác đăng ký hoạt động KH&CN và xây dựng, hoạch định chính sách. Ngoài ra, Văn phòng tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống đăng ký hoạt động KH&CN trực tuyến với các thủ tục hành chính còn lại, đáp ứng yêu cầu về dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, đồng thời, góp phần xây dựng một nền hành chính thuận lợi, minh bạch.
Về số lượng hồ sơ, Văn phòng đã tiến hành giảm số lượng hồ sơ đăng ký từ 2 bộ còn 1 bộ. Đối với thủ tục hành chính có giấy tờ yêu cầu công chứng, chứng thực trong thành phần hồ sơ, tổ chức có quyền lựa chọn nộp bản gốc, bản sao có chứng thực, hoặc bản sao kèm theo xuất trình bản chính để chuyên viên tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với bản chính.
Về thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, đối với cả hồ sơ nộp trực tiếp và trực tuyến, đơn vị tiếp nhận và thẩm định đã rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đăng ký hoạt động KH&CN xuống còn từ 2-4 ngày, đặc biệt là các thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung.
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã tích cực, chủ động tuyên truyền phổ biến về hình thức đăng ký trực tuyến cho các tổ chức KH&CN, các hội, hiệp hội trong cả nước. Trong 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều hoạt động trong xã hội bị gián đoạn, đăng ký trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích đã thay thế hoàn toàn cho việc nộp hồ sơ trực tiếp, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc. Qua đó, có thể thấy các cơ quan quản lý nhà nước đã không ngừng đổi mới, cải cách, góp phần thực hiện mục tiêu đưa cơ quan quản lý nhà nước chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ” tổ chức, công dân, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý lĩnh vực KH&CN trong tình hình mới. Sau khi cung cấp dịch vụ đăng ký trực tuyến, Bộ KH&CN có kế hoạch triển khai việc gửi, nhận báo cáo điện tử giữa tổ chức KH&CN với cơ quan quản lý theo tinh thần cải cách hành chính, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.
Tuy nhiên, triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng gặp một số khó khăn như: mức độ quan tâm, sử dụng của tổ chức KH&CN đối với các dịch vụ công trực tuyến không nhiều, họ vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp để thực hiện thủ tục hành chính khi cần; số lượng tài liệu trong hồ sơ đăng ký hoạt động KH&CN tương đối nhiều, còn nhiều tài liệu là giấy tờ phải scan như quyết định thành lập, điều lệ tổ chức và hoạt động của đơn vị, văn bằng đào tạo, sơ yếu lý lịch, giấy tờ chứng minh trụ sở… cũng là rào cản trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN có kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đơn giản hóa hơn nữa hồ sơ, tài liệu, tăng cường công tác hậu kiểm sau đăng ký. Đồng thời, thực hiện Quyết định 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực, các đơn vị trong Bộ đang chủ động rà soát các văn bản liên quan, đề xuất phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính có liên quan để triển khai một cách đồng bộ, thống nhất.