Thứ năm, 30/09/2021 14:50

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bắc Giang: Phát triển bứt phá nhờ giải pháp kịp thời, có hiệu quả

Mặc dù gặp nhiều khó khăn chung, nhưng Bắc Giang đã có sự phát triển bứt phá, đạt nhiều kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế. Có được những kết quả này là nhờ có sự đóng góp tích cực của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ KH&CN chỉ đạo nhằm phát huy tiềm năng của các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển bứt phá

Những năm gần đây, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường; đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; Bắc Giang đã có sự phát triển bứt phá, đạt nhiều kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế (tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 13,8%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; quy mô nền kinh tế đạt 5,3 tỷ USD, vươn lên thứ 16 cả nước,…).

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh nhiệm kỳ qua đạt bình quân 2,5%/năm; đặc biệt là năm 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang cao nhất từ trước đến nay (đạt 13,02%), đứng đầu trong toàn quốc; nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 6,7% (cao nhất trong nhiều năm trở lại đây). Giá trị sản xuất đạt 120 triệu đồng/ha đất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đem lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho người dân (doanh thu từ quả vải thiều năm 2020 đạt 6.830 tỷ đồng, tăng 2.430 tỷ đồng so với năm 2015; thu nhập từ cây có múi đạt trên 1.400 tỷ đồng/năm, doanh thu từ chăn nuôi đạt trên 10.000 tỷ đồng/năm).

Nông nghiệp phát triển đã đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Một bộ phận không nhỏ người dân vùng nông thôn Bắc Giang vươn lên làm giàu bền vững từ sản xuất nông nghiệp; thu nhập, mức sống của người dân vùng nông thôn đã thu hẹp đáng kể so với khu vực thành thị. Bắc Giang xuất hiện ngày càng nhiều xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều vùng quê đáng sống trở thành mô hình sinh động để các địa phương học tập, phấn đấu. Nhờ có những chủ trương, cơ chế sát, đúng thực tiễn; sự quyết liệt, kiên trì, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp của Bắc Giang, những năm gần đây không còn nỗi lo "được mùa, mất giá". 

Có được kết quả ấn tượng, hoàn thành “mục tiêu kép” như trên có sự đóng góp tích cực của ngành KH&CN thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ KH&CN chỉ đạo để phát huy tiềm năng của các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có thể khẳng định, nông nghiệp ngày càng giữ vị trí rất quan trọng, tạo nền tảng ổn định trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

Giải pháp kịp thời, có hiệu quả

Tỉnh Bắc Giang đã phát huy tốt lợi thế đặc thù về điều kiện địa hình đa dạng, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi của vùng trung du, miền núi, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa dạng, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác quy hoạch lại các vùng sản xuất, gắn với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Định hướng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng sinh thái (có đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau) để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chất lượng. Bắc Giang cũng là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước triển khai nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp trong toàn tỉnh.

Thứ hai, kịp thời đề ra các chủ trương, định hướng, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, áp dụng chỉ dẫn địa lý, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 95 sản phẩm OCOP; trên 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị, cho thu nhập tăng từ 5-10 lần so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt, đã tập trung chỉ đạo mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, chất lượng cao để từng bước hướng đến phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững. Sở KH&CN đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm chủ lực tỉnh Bắc Giang, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, minh bạch hóa thông tin, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Thứ ba, tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các Đại sứ quán; các tỉnh bạn để quảng bá, xúc tiến thương mại, đàm phán xuất khẩu nông sản; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN. Làm việc với nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Pháp... nhằm trao đổi, tư vấn về các vấn đề liên quan trong các lĩnh vực trồng, bảo quản nông sản, công nghệ sau thu hoạch, sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Đến nay sản phẩm nông nghiệp của tỉnh với chất lượng tốt đã đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Riêng sản phẩm chủ lực là vải thiều đến nay tiêu thụ thuận lợi tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang trên 30 nước trên thế giới. Năm 2020, vải thiều tươi Bắc Giang đã vượt qua quy trình kiểm soát nghiêm ngặt để lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, sự kiện nổi bật đối với không chỉ riêng tỉnh Bắc Giang mà còn là tin vui đối với cả nước khi vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam vừa được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Thứ tư, xây dựng thành công các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi từ tư duy sản xuất truyền thống, thủ công, nhỏ lẻ sang phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hướng tới thị trường toàn cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Khai thác hiệu quả thế mạnh về điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu vực, địa bàn để quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; xây dựng vùng cây ăn quả của tỉnh thành vùng cây ăn quả trọng điểm Quốc gia.

Thứ năm, lấy việc ứng dụng KH&CN và thành tựu của cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ 4 làm giải pháp trung tâm, tạo đột phá tăng năng suất, chất lượng. Đồng thời, quan tâm làm tốt việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, phát triển các sản phẩm OCOP chất lượng, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ ở cả trong nước và xuất khẩu (tập trung vào một số thị trường lớn như Trung Quốc, ASEAN và các thị trường mới như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU...). Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với xây dựng nông mới, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương, nhất là các thế mạnh về cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà, trồng rừng kinh tế.

Thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ sáu, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền thông về KH&CN thông qua nhiều hình thức phong phú như: chương trình “KH&CN với cuộc sống” phát sóng trên Đài PTTH tỉnh; chuyên trang, chuyên mục trên Báo Bắc Giang; đăng tải các clip hoạt động về KH&CN trên website của Sở KH&CN; xuất bản các cuốn Bản tin chuyên san thuộc Chương trình nông thôn miền núi; kỷ yếu KH&CN Bắc Giang. Tổ chức các mô hình truyền thông KH&CN tới cơ sở, tổ chức các cuộc triển lãm giới thiệu một số sản phẩm KH&CN tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang...

NTB

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)