Thứ năm, 30/09/2021 11:23

Tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong và sau đại dịch COVID-19

Điểm chung của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Việt Nam (từ những tập đoàn lớn, cho đến hàng nghìn các doanh nghiệp FDI hay hàng triệu các doanh nghiệp vừa và nhỏ) là: i) là lực lượng chủ chốt giúp Việt Nam phát triển từ nước nghèo thành nước có thu nhập trung bình chỉ trong 1 thế hệ (tạo ra hơn 60% GDP, đóng góp 35% ngân sách Nhà nước và 69% vốn đầu tư xã hội đồng thời tạo ra việc làm cho 92% tổng số lao động); ii) thể hiện sức chống chịu mạnh mẽ trước đại dịch và sự linh hoạt, thích ứng nhanh với tình trạng “bình thường mới”. Báo cáo “Nghiên cứu đánh giá khu vực kinh tế tư nhân: Kiến tạo thị trường tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố mới đây đã nhận diện những rào cản mà khu vực tư nhân tại Việt Nam đang phải đối mặt và đưa ra các khuyến nghị chính sách để tận dụng tối đa tiềm năng của khu vực năng động, đa dạng này nhằm phục hồi trong và sau đại dịch.

Nhận định chung về DNTN

Báo cáo của WB cho rằng, DNTN đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trong 20 năm qua. Số lượng doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động tại Việt Nam tăng từ 42.300 năm 2000 (khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực), lên đến 758.610 năm 2019. Năm 2018, doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước chiếm 60,6% việc làm của tất cả các doanh nghiệp đã đăng ký; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 31,8%; và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm 7,6%.

Các doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tı́nh theo tỷ lệ % GDP, dòng vốn FDI vào Việt Nam lớn hơn Trung Quốc và hầu hết các nước lớn trong ASEAN. Các FDI có quy mô lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước và giữ vai trò chủ lực trong sản xuất và xuất khẩu.

DNTN trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp FDI, còn hạn chế về đổi mới sáng tạo và chưa tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết các DNTN trong nước là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, với số lượng nhân viên ít hơn 50 người, hoạt động trong các dịch vụ có năng suất tương đối thấp (như các cửa hàng bán lẻ và cửa hàng ăn nhỏ) cũng như sản xuất đơn giản, và hướng đến thị trường nội địa thay vì xuất khẩu. Tuy nhiên, một số DNTN lớn trong nước đã xuất hiện: 7 tập đoàn Việt Nam đã lọt vào nhóm 200 công ty niêm yết có hoạt động hàng đầu trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương với doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên; 40 thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam năm 2018 có tổng giá trị hơn 8,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với danh sách được công bố năm 2017. Những doanh nghiệp lớn này chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa và sản xuất hàng hóa phi thương mại.

Các chuyên gia của WB nhận định, tăng trưởng bền vững trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc chuyển dịch sang đầu tư tư nhân gắn với hiệu quả, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất. Mục tiêu của các chính phủ là đảm bảo rằng nguồn lực khan hiếm của quốc gia được sử dụng cho những nhiệm vụ mà khu vực kinh tế tư nhân không thể đáp ứng đầy đủ đối với nhu cầu nhất định. Trong khi tỷ trọng đầu tư lớn của nhà nước trong các lĩnh vực thiết yếu của xã hội như cấp nước, vệ sinh và y tế là cần thiết, việc sử dụng nguồn lực công vào các lĩnh vực khác mà DNTN có thể làm hiệu quả hơn, như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), năng lượng và xây dựng… không phải là cách thức hiệu quả nhất.

Tác động của đại dịch COVID-19 đối với DNTN

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh và việc làm, phản ánh áp lực đối với tốc độ tăng trưởng chung. Một số yếu tố khiến doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng, bao gồm hội nhập của quốc gia trong thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) cũng như phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư và ngành du lịch. Cú sốc COVID-19 lan truyền tới doanh nghiệp thông qua nhiều kênh và có tác động củng cố lẫn nhau - bao gồm giảm cầu, giảm và gián đoạn nguồn cung đầu vào, thắt chặt điều kiện tín dụng và suy giảm thanh khoản, cũng như gia tăng bất ổn. Thành công ban đầu trong ngăn chặn đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh, làm tổng tỷ lệ doanh nghiệp mở cửa tăng lên 94% vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ở mức thấp hơn bình thường (trước khủng hoảng) và sẽ bị hạn chế hơn nữa bởi các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng từ tháng 7/2021. Cầu giảm dường như là kênh có tác động lớn nhất. Gần 1/4 số doanh nghiệp có số giờ hoạt động giảm và doanh số giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng việc làm thấp hơn đáng kể so với mức tháng 1/2020. Ngoài ra, tình trạng phục hồi còn chưa đồng đều, và các công ty đang phải đối mặt với áp lực lớn hơn và gay gắt hơn từ đợt đóng cửa mới do sự gia tăng mạnh các trường hợp COVID-19 ở Việt Nam trong tháng 7-8/2021. Nhìn chung, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp trong sản xuất và nông nghiệp tiếp tục có những cú sốc doanh thu nghiêm trọng.

Ở khía cạnh tích cực, doanh nghiệp tiếp tục ứng phó với bình thường mới bằng cách ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số. Đến tháng 9-10/2020, gần 60% số doanh nghiệp khảo sát đã áp dụng hoặc gia tăng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để ứng phó với COVID-19. Doanh nghiệp lớn và các công ty dịch vụ có mức độ ứng dụng cao hơn. Hoạt động thương mại điện tử đã tăng mạnh sau khi dịch bệnh bùng phát. Một trong nhưng trang thương mại điện tử hàng đầu (Tiki) đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng đơn đặt hàng và các nhà bán lẻ lớn chứng kiến gia tăng mạnh mẽ về doanh số bán hàng trực tuyến. doanh nghiệp vừa và nhỏ có vẻ sử dụng các nền tảng kỹ thuật số nhiều hơn cho các chức năng kinh doanh tương tác khách hàng trực tiếp ít phức tạp hơn, phần nào chỉ ra những hạn chế về năng lực hay nguồn lực. Đợt bùng phát COVID-19 cho thấy Việt Nam cần cấp bách đẩy mạnh áp dụng và phổ biến công nghệ và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng.

Hoạt động thương mại điện tử đã tăng mạnh sau khi dịch bệnh bùng phát.

Hạn chế về tài khóa dẫn tới thu hẹp năng lực của khu vực công trong giải quyết nhu cầu đầu tư phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng và nhân lực. Cuộc khủng hoảng đã làm gia tăng áp lực lên ngân sách của Chính phủ vì phải nhanh chóng chuyển sang hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng thông qua các biện pháp tài khóa. Trong thời gian tới, sự phục hồi của Việt Nam vì thế sẽ dựa chủ yếu vào việc nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Một khuôn khổ hợp tác công - tư (PPP) hiệu quả sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Rào cản chính

Theo các chuyên gia của WB, trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19, việc tạo điều kiện cho sự phát triển của một khu vực tư nhân năng động, đa dạng và năng suất cao là một nhiệm vụ bắt buộc của Việt Nam khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm. Đối với Việt Nam, lộ trình trở thành quốc gia có thu nhập cao đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị gia tăng trong các lĩnh vực hiện có, dịch chuyển lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa các ngành kinh tế cũng như các thị trường mới, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững và số hóa nền kinh tế. Nỗ lực này đòi hỏi phải giải quyết những hạn chế cản trở tăng trưởng, năng suất và đa dạng hóa của khu vực kinh tế tư nhân.

Quy mô và ảnh hưởng lớn của DNNN có thể cản trở sự cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và mới hoạt động. Tiềm năng gia nhập thị trường và hoạt động của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng, hoặc bởi sự thống trị thị trường của DNNN, hoặc do các doanh nghiệp có bề dày hoạt động có khả năng tác động nhiều hơn vào những quyết định quan trọng của nhà nước đối với doanh nghiệp, hoặc cả hai. DNTN khó tham gia và cạnh tranh đầy đủ ở nhiều thị trường do các ưu đãi dành cho DNNN.

Các tập đoàn tư nhân trong nước đang nổi lên như những tác nhân quan trọng trong nền kinh tế nhưng nhìn chung không cạnh tranh trong cùng ngành với các DNNN. Mặc dù các tập đoàn tư nhân trong nước đang trỗi dậy, các tập đoàn này dường như chưa có vị trí thống lĩnh trong nền kinh tế và thị phần doanh thu của các doanh nghiệp này trong các ngành tương ứng dao động từ 5 đến 27%. Các tập đoàn lớn nhất chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại hơn là trong các ngành độc quyền tự nhiên hay mạng lưới hạ tầng. Trừ một số ngoại lệ, các tập đoàn lớn dường như không cạnh tranh với nhau trong cùng ngành. Ở một số lĩnh vực, có những tập đoàn đang cạnh tranh với những đối thủ có bề dày hoạt động hơn, trong một số trường hợp có cả các DNNN. Tuy nhiên, nhìn chung sự trùng lắp lĩnh vực hoạt động giữa DNNN và các tập đoàn tư nhân không đáng kể.

Các tập đoàn có thể sử dụng quy mô và ảnh hưởng để tạo ra rào cản đối với gia nhập thị trường hoặc tăng trưởng của các công ty nhỏ hơn. Nghiên cứu trước đây và tham vấn gần đây cho thấy một số tập đoàn dường như đã sử dụng các mối quan hệ khi mở rộng hoạt động kinh doanh. Những tập đoàn này dường như có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các yếu tố đầu vào của sản xuất (đất đai, lao động lành nghề và tài chính) so với các doanh nghiệp nhỏ hơn và mới hơn.

Khuyến nghị

Từ phân tích thực trạng các rào cản đối với DNTN, các chuyên gia của WB khẳng định, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh việc thực hiện những cải cách về cấu trúc còn dang dở cũng như việc triển khai các cải cách thế hệ, tiếp nối những nỗ lực cải cách trước đó của Chính phủ. Các chuyên gia cũng đưa ra các ưu tiên then chốt bao gồm:

Một là, giảm gánh nặng về quy định kinh doanh cản trở sự mở rộng của doanh nghiệp đang hoạt động và sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp kỹ thuật số mới; đẩy nhanh mở cửa thị trường và các ngành thông qua tăng cường khung cạnh tranh và cải cách DNNN với trọng tâm là nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong các ngành chiến lược.

Hai là, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ tài chính toàn diện và phát triển dịch vụ tài chính sáng tạo thông qua phát triển ngành fintech.

Ba là, giải quyết những thiếu hụt về kỹ năng và thực tiễn quản lý cần thiết cho đổi mới sáng tạo.

Bốn là, giảm chi phí logistic và hạ tầng cao để tạo điều kiện cho sự phát triển của một nền kinh tế sôi động, năng suất cao. Giải quyết các thách thức về thực thi và quản trị, đặc biệt là ở cấp địa phương.

VH

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)