Thứ ba, 28/09/2021 14:31

Nâng cao hiệu quả truyền thông về đổi mới, ứng dụng và làm chủ công nghệ trong các doanh nghiệp

TS.Trần Quang Tuấn, ThS.Đinh Phương Hoàn

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Kết quả điều tra của đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về đổi mới, ứng dụng và làm chủ công nghệ (ĐMƯD&LCCN) trong các doanh nghiệp (DN) Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) thực hiện đã nổi lên một số vấn đề như: các DN chưa thực sự coi trọng công tác truyền thông về ĐMƯD&LCCN; nhu cầu thông tin của các DN về ĐMƯD&LCCN gồm: các thông tin mang tính chuyên sâu, thông tin về các chính sách hỗ trợ cần trực tiếp, có độ tin cậy cao; mạng xã hội là một trong những kênh thông tin được DN đánh giá cao,… Những vấn đề này sẽ góp phần gợi mở định hướng truyền thông cho các DN về ĐMƯD&LCCN trong thời gian tới.

Khoảng trống trong hoạt động truyền thông về ĐMƯD&LCCN

Quan điểm nhất quán của Nhà nước ta về truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN được quy định tại Luật KH&CN năm 2013, theo đó Nhà nước đầu tư, khuyến khích tổ chức, DN, cá nhân đầu tư phát triển công tác truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN. Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 ban hành theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của KH&CN là một trong sáu giải pháp chủ yếu. Trong lĩnh vực ứng dụng và đổi mới công nghệ, Điều 54, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 chỉ rõ một trong những trách nhiệm của Bộ KH&CN là “Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chuyển giao công nghệ”, trong đó có truyền thông về ứng dụng và đổi mới công nghệ. Để có cái nhìn đầy đủ về thực trạng truyền thông trong lĩnh vực này tại các DN Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đã thực hiện đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về ĐMƯD&LCCN trong các DN Việt Nam”. Đề tài đã điều tra, khảo sát các DN nhằm phát hiện những khó khăn trong công tác truyền thông, từ đó có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có gần một nửa (49,0%) số người trả lời coi trọng công tác truyền thông về ĐMƯD&LCCN, coi trọng phần nào chiếm 35,1% và không coi trọng chiếm 15,9%. Chính vì chưa có sự coi trọng công tác truyền thông về ĐMƯD&LCCN nên những người được hỏi cũng chưa thường xuyên tìm hiểu về ĐMƯD&LCCN. Hơn một nửa số người được hỏi (51,6%) cho biết thỉnh thoảng tìm hiểu về ĐMƯD&LCCN, 42,4% thường xuyên tìm hiểu và 6% chưa bao giờ tìm hiểu về ĐMƯD&LCCN. Về nội dung cụ thể khi tìm hiểu về ĐMƯD&LCCN: tìm hiểu về chương trình hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ chiếm cao nhất (78,9%), tiếp đến là về các quỹ hỗ trợ DN đổi mới công nghệ (74,6%), thấp nhất là về các DN cùng ngành đã ĐMƯD&LCCN (40,1%) (bảng 1).

Bảng 1. Nội dung khi tìm hiểu về ĐMƯD&LCCN.

Nội dung tìm hiểu về ĐMƯD&LCCN

Số người trả lời

Tỷ lệ (%)

Tìm hiểu về đề tài/dự án

95

66,9

Tìm hiểu về các chương trình hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ

112

78,9

Tìm hiểu về các quỹ hỗ trợ DN đổi mới công nghệ

106

74,6

Tìm hiểu tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi đối với các DN đầu tư đổi mới công nghệ

102

71,8

Tìm hiểu các tổ chức có công nghệ có thể chuyển giao

98

69,0

Tìm hiểu về trường đại học, viện nghiên cứu có liên quan đến công nghệ mà DN cần

88

62,4

Tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ DN nói chung và hỗ trợ DN đổi mới công nghệ nói riêng

79

55,6

Tìm hiểu về các DN cùng ngành đã ĐMƯD&LCCN

57

40,1

Tìm hiểu về triển lãm, hội chợ công nghệ

75

52,8

Nhu cầu của DN

Để có những định hướng, giải pháp phát triển công tác truyền thông về những vấn đề liên quan đến ĐMƯD&LCCN trong giai đoạn tới, đề tài cũng đã tìm hiểu về mong muốn của các DN đối với các kênh truyền thông (báo/tạp chí giấy; báo/tạp chí điện tử; tivi; radio; mạng xã hội; hội nghị/hội thảo/tập huấn; website riêng của các chương trình, nhiệm vụ, tổ chức có liên quan) ở 3 mức: cao, trung bình và thấp. Kết quả điều tra được thể hiện ở bảng 2.

Bảng 2. Mong muốn của DN khi tìm kiếm thông tin về ĐMƯD&LCCN trên các kênh thông tin.

Kênh thông tin

Mức độ mong muốn

(tỷ lệ % người trả lời)

Cao

Trung bình

Thấp

Báo/tạp chí giấy

37,2

52,1

10,7

Báo/tạp chí điện tử

44,7

47,6

7,7

Tivi

44,1

48,3

7,6

Radio

35,7

53,6

10,7

Mạng xã hội

47,2

43,1

9,7

Hội nghị/hội thảo/tập huấn

41,2

46,3

12,5

Website riêng của các chương trình, nhiệm vụ, tổ chức có liên quan

48,0

38,0

14,0

Qua bảng 2 có thể thấy mong muốn của các DN đối với các kênh thông tin khi tìm hiểu những vấn đề liên quan đến ĐMƯD&LCCN. Cụ thể, các DN mong muốn cao về việc tiếp cận thông tin qua website riêng của các chương trình, nhiệm vụ, tổ chức có liên quan với tỷ lệ 48,0%, tiếp đến là mạng xã hội 47,2%, báo/tạp chí điện tử 44,7%, tivi 44,1%. Như vậy có thể thấy, những kênh truyền thông đại chúng truyền thống như báo/tạp chí giấy, radio không còn ưu thế trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù báo/tạp chí điện tử là kênh thông tin nhanh, nhưng tỷ lệ mong muốn vẫn thấp hơn kênh website riêng hay mạng xã hội.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, đề tài đã khảo sát về những thông tin liên quan đến vấn đề ĐMƯD&LCCN mà DN mong muốn, như: các nội dung và điều kiện hỗ trợ DN ĐMƯD&LCCN; cơ quan điều phối các chương trình, nhiệm vụ, quỹ hỗ trợ DN ĐMƯD&LCCN; mức kinh phí được hỗ trợ; những bất cập, khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, nhiệm vụ, quỹ có hỗ trợ DN ĐMƯD&LCCN…

Kết quả điều tra cho thấy, các thông tin sau được DN quan tâm (tỷ lệ mong muốn trên 50%): điều kiện được hỗ trợ để ĐMƯD&LCCN (57,0%); nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMƯD&LCCN (55,5%); các doanh nghiệp đang được hỗ trợ để ĐMƯD&LCCN (53,1%); hội nghị/hội thảo về những vấn đề liên quan đến ĐMƯD&LCCN (52,8%)… Những thông tin DN chưa quan tâm (tỷ lệ mong muốn dưới 50%) là: thông tin về các đề tài/dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ (44,8%); các trường đại học/viện nghiên cứu có các nghiên cứu liên quan đến công nghệ mà doanh nghiệp cần (44,8%); các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nói riêng (45,8%)... Như vậy, DN thường mong muốn những thông tin mang tính chuyên sâu, liên quan trực tiếp đến ĐMƯD&LCCN hơn là những thông tin mang tính nghiệp vụ (phổ biến đến DN nói chung). Đây cũng là một gợi ý quan trọng cho định hướng truyền thông về ĐMƯD&LCCN trong các DN.

Khuyến nghị

Từ kết quả khảo sát của đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về ĐMƯD&LCCN trong các DN Việt Nam”, có thể đưa ra một số khuyến nghị mang tính định hướng cho công tác truyền thông về ĐMƯD&LCCN trong DN như sau:

Thứ nhất, về nội dung truyền thông: cần có kế hoạch truyền thông về ĐMƯD&LCCN trong DN mang tính đặc thù, dài hạn, không chỉ chạy theo các sự kiện mà truyền thông theo chủ đề/lĩnh vực, qua đó truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp ĐMƯD&LCCN. Bên cạnh tăng cường phổ rộng thông tin, cần định hướng những nội dung chuyên sâu liên quan trực tiếp đến các vấn đề về ĐMƯD&LCCN thông qua các hội nghị/hội thảo chuyên đề; Thông điệp truyền thông cần rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng…  như chính sách cụ thể hỗ trợ DN ĐMƯD&LCCN, nội dung hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức kinh phí được hỗ trợ…

Thứ hai, về tính chất của thông tin: cần tăng cường sự tương tác hơn nữa giữa các cơ quan hoạch định chính sách ĐMƯD&LCCN và doanh nghiệp, đảm bảo các nội dung thông tin được truyền tải một cách chính xác, đầy đủ, tin cậy. DN thường mong muốn những thông tin mang tính chuyên sâu, liên quan trực tiếp đến ĐMƯD&LCCN hơn là những thông tin mang tính nghiệp vụ, phổ biến chung chung, do vậy cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thông qua trao đổi trực tiếp và trực tuyến.  

Thứ ba, về kênh truyền thông: các kênh truyền thống truyền thống (báo in, báo điện tử, radio, tivi)  mang lại thông tin có độ tin cậy cao, nhưng lại hạn chế về khả năng tiếp cận độc giả nói chung và DN nói riêng. Chính vì vậy, truyền thông về ĐMƯD&LCCN cần tiếp cận theo hướng đổi mới đó là tăng cường ứng dụng các công nghệ truyền thông hiện đại trong cuộc Cách mạng 4.0 như truyền thông số, truyền thông hội tụ, công nghệ Al… để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ tới các cơ quan hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)