Chủ nhật, 19/09/2021 18:57

Doanh nghiệp Việt với cơn bão đại dịch Covid-19

Chương trình Diễn đàn các CEO Việt Nam (VCF) được tổ chức ngày 16/9/2021 bởi Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh (YBA), IBP, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và S-World với sự góp mặt của các diễn giả: ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch YBA, Phó Chủ tịch HĐQT - CEO Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ; bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó chủ tịch YBA, Chủ tịch HĐQT, CEO IBP; ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT U&I Group; ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc đầu tư, Trưởng phòng nghiên cứu Dragon Capital; ông Albert Antoine - CEO & Co-founder Avaiga.com (doanh nhân người Việt thành công ở Singapore). Đây là diễn đàn thường niên lớn nhất dành cho giới CEO Việt với mong muốn hội tụ, gắn kết những nhà hoạch định chính sách - chuyên gia - CEO và giới truyền thông để cùng nhau lắng nghe, chia sẻ, thảo luận và phản biện các quan điểm và tầm nhìn.

Cấp độ nguy hiểm của cơn bão

Dragon Capital đánh giá số liệu vĩ mô tháng 8 và quý 3/2021 có thể là dữ liệu xấu nhất trong rất nhiều năm trở lại đây, khi phản ánh gần như tất cả mọi ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 lên nền kinh tế. Tuy nhiên, việc giãn cách không thể mãi diễn ra và khi tỷ lệ tiêm chủng được đẩy mạnh trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải dần sống chung với dịch, nền kinh tế phải sớm thích nghi. Do đó, Dragon Capital tin rằng các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng là đầu tàu kinh tế sẽ phục hồi trở lại vào quý 4/2021 và tăng trở lại mạnh mẽ vào năm 2022.

Trong báo cáo mới được công bố, Dragon Capital đã có những đánh giá về triển vọng kinh tế khi tiêm chủng được đẩy nhanh và nới lỏng giãn cách. Dragon Capital đánh giá điều này cho thấy thị trường khá vững vàng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và chịu nhiều ảnh hưởng của việc tăng cường giãn cách với hoạt động kinh tế - xã hội. Nhà đầu tư dường như đang hướng kỳ vọng vào một quý 4 tích cực hơn so với quý 3, khi tình trạng giãn cách sẽ được nới lỏng dần. Tuy nhiên, diễn biến giằng co cho thấy thị trường vẫn còn khá dè chừng. Việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng sẽ giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư.

Ngân hàng Thế giới ngày 24/8/2021 nhận định “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay” và rằng “Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi”.

Cuối tháng 8 vừa qua, Tổng cục Thống kê đã công bố một số chỉ số mang tính trụ cột của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ…đã bị giảm mạnh và truyền thông tại Việt Nam thậm chí nhắc tới “kịch bản kinh tế tăng trưởng âm trong quý 3, thậm chí là đà giảm kéo dài tới quý cuối năm”.

Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT U&I Group, nhận xét: “Chúng ta có thể phục hồi khoảng 60-70% vào cuối năm sau. Tuy nhiên, khả năng tuyển lại nhân sự lại cực kỳ khó, vì vậy, nếu các nhà máy vẫn tiếp tục cách làm cũ và không thay đổi về mặt công nghệ thì sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi”. Theo ông Tín, trước đây, các doanh nghiệp thường phải mất ít nhất 2 năm để phục hồi sau khủng hoảng, nhưng lần này sẽ mất thời gian lâu hơn.

Ông Albert Antoine - CEO & Co-founder Avaiga.com cho rằng: “Các nước châu Á và các nước đang phát triển đang đi ngược lại với châu Âu, vì châu Âu đầu tư tài chính và chỗ ở để người dân vùng khác đến công xưởng của họ làm việc, còn những nước đang phát triển có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” trong đại dịch, phải tiết kiệm để đi đánh trận khác chứ không đầu tư vào nguồn nhân lực”. Ông cho biết thêm: “Ở Việt Nam, vấn đề cần được giải quyết là chuyển đổi số, còn ở châu Âu và Singapore thì câu hỏi đặt ra là phải tăng tốc để tối ưu hóa quy trình hoạt động”.

Hình ảnh trong buổi livestream ngày 16/9

Theo ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc đầu tư, Trưởng phòng nghiên cứu Dragon Capital : “Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thu hẹp sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số doanh nghiệp không đáp ứng được quy định, yêu cầu về nhà máy hoạt động trong thời gian dịch bùng phát. Việc giãn cách tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp FDI, đến người lao động và các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

“Tâm bão” đang ở đâu?

Theo tổng hợp khảo sát từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành mới đây cho thấy có 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó 72,3% doanh nghiệp tư nhân và 74,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo báo cáo, hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Đối với doanh nghiệp tư nhân, các lĩnh vực ảnh hưởng lớn hơn 90% như sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất sản phẩm thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ, giáo dục, y tế, lao động, sản xuất đồ da, gỗ…

Bổ sung vấn đề này, ông Mai Hữu Tín cho biết thêm: “Hai ngành được xem là bị tàn phá nặng nề nhất bởi những ảnh hưởng của Covid-19 là du lịch và hàng không. Bên cạnh đó, so với khối doanh nghiệp nhà nước thì khối doanh nghiệp tư nhân có sức phục hồi nhanh hơn vì họ tự quản nguồn tiền, họ có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng về những kế hoạch sắp tới trong thời gian nghỉ dịch. Ngay khi được mở cửa trở lại, họ sẽ có hướng đi khác, thậm chí có sự dấn thân lớn hơn nữa, sẽ có sự khác biệt lớn sau dịch”. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội, ý tưởng, đổi mới tư duy và thực hiện chuyển đổi công nghệ sớm.

Đồng ý với ông Mai Hữu Tín, ông Lê Tuấn Anh nhận xét: “Cơn bão quét qua sẽ quật ngã nhiều doanh nghiệp, nhưng những doanh nghiệp cố trụ lại và tồn tại được qua cơn bão sẽ là những cá thể tinh nhuệ và phát triển cực kỳ mạnh mẽ”. Sức khỏe doanh nghiệp, trình độ tài chính và quản lý, “độ sâu” doanh nghiệp đã hoàn toàn khác giai đoạn 15 năm trước nên sức bền của họ đã cũng khác xưa.

Ông Albert Antoine cũng chia sẻ về các kinh nghiệm của ông trong tại Singapore: “Singapore có rất nhiều doanh nghiệp tư có vốn từ chính phủ, và chính phủ hỗ trợ rất nhiều như một đầu tàu để kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp. Chính phủ Singapore tăng gấp đôi, gấp ba chi tiêu vì họ muốn duy trì bộ máy kinh tế, họ mặc cả dễ dàng hơn khi mua thiết bị, ngược lại với các nước đang phát triển”. Ngoài ra, Singapore cũng chủ động về khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch với sự tham gia của cả khu vực tư nhân, trí thức lẫn chính phủ.

Bài học xử lý những “di chứng” có thể để lại sau khi “cơn bão” quét qua

Một tác động khác của giãn cách xã hội là tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh số ngành bán lẻ giảm 19,8% trong tháng 7/2021, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4/2020. Tác động đối với lĩnh vực sản xuất trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 8/2021 và những hạn chế hiện tại khiến một số doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, trong khi đó, các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển dẫn đến sụt giảm về sản lượng, đơn hàng mới, sức mua và việc làm. Tất cả những điều đó đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng thấy, khó khăn vốn đã chồng chất từ trước do những vướng mắc xung quanh vấn đề vận tải và áp lực giải quyết tồn đọng tại các cảng trong nước. Kết quả là sản lượng công nghiệp giảm lần đầu tiên trong năm tháng do sản lượng sản xuất suy yếu.

Ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch YBA, Phó chủ tịch HĐQT - CEO Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ đã có nhận xét: “Bão đổ qua thì chắc chắn sẽ có cây nhỏ đổ rạp, nhưng các cây nhỏ muốn trở thành cổ thụ thì phải chịu đựng cơn bão”. Ngoài ra, ông cũng có lời khuyên 3T dành cho doanh nghiệp: “Tỉnh táo” - thoát ra khỏi những hào quang trong quá khứ, không ngủ quên trong những trận đánh thắng đại dịch vào những đợt bùng phát trước, “Tài năng” - tìm ra nhân tài trong đội ngũ, vì nhân viên là tài sản quan trọng nhất tạo nên bộ rễ của cây, “Tái tạo” - sau đại dịch, doanh nghiệp sẽ không thể đi theo con đường như cũ nên phải khởi động lại và tái cơ cấu doanh nghiệp. Sau cơn bão thì đất sẽ rộng hơn nên lượng “hữu cơ” sẽ tăng lên.

Ông Lê Tuấn Anh cũng chia sẻ 4 điều cần chú ý nếu doanh nghiệp muốn tái cơ cấu: 1) Truyền tải thông điệp đến cộng đồng; 2) Tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp (vốn ở đâu, hợp tác ở với ai, làm rõ dòng tiền, tìm kiếm huy động vốn, phát hành vốn, tầm nhìn); 3) Nguồn nhân lực, kỳ vọng vào quản lý nhân sự; 4) Sản phẩm (giá bán, phân phối, dịch chuyển từ mua bán trực tiếp qua mua bán online). Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường quốc tế, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và các chuyên gia kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam.

Có thể nói, năm 2021 có quá nhiều biến động, bất định và VCF bắt đầu với một phiên bản mới Open Talks vẫn giữ nguyên trong suốt 9 năm qua, luôn chọn những đề tài, vấn đề mang tính chiến lược, những biến cố, sự kiện có khả năng tạo nên những cú xoay, những dòng chảy mới của nền kinh tế Việt Nam. Nếu năm 2020, Việt Nam đứng trước “vận hội hóa rồng” cho nền kinh tế khi thành công với chiến lược “zero Covid”. Năm 2021, “gió đảo chiều” khi Việt Nam rơi vào trung tâm cơn bão của những biến động, bất ổn định trước thách thức “sống chung với Covid”. Đó là lý do VCF bàn về bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam và mang tính chiến lược cho những năm tiếp theo. Các diễn giả mong muốn có thể phần nào giải thích những thắc mắc của các doanh nghiệp thông qua việc phân tích các nhận định về tiềm năng của thị trường trong và hậu đại dịch Covid-19.

Minh Tuyết

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)