Chủ nhật, 03/10/2021 09:39

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh trước xu thế đổi mới sáng tạo và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Lê Long Hiền

Trước xu thế đổi mới sáng tạo (ĐMST) và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (I4.0) đang có những ảnh hưởng sâu rộng đến giáo dục và đời sống, trong đó có những tác động tích cực cũng như gây khó khăn cho học sinh chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) trong việc định hướng nghề nghiệp (ĐHNN) trong tương lai. Trên cơ sở đánh giá thực trạng nhận thức của học sinh THPT về ĐHNN trong xu thế ĐMST và I4.0, tác giả đề xuất một số giải pháp về vấn đề này.

Tác động của của xu thế ĐMSTI4.0 đến giáo dục học sinh nói chung, học sinh THPT nói riêng

Xu thế ĐMST và I4.0 đã và đang có những tác động sâu rộng đến giáo dục và đào tạo giáo viên [1]. Vai trò giáo viên đã và đang tiếp tục thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập. Ngày nay, giáo viên phải cố vấn giúp học sinh điều chỉnh chất lượng và giá trị nguồn thông tin, kiến thức mới, là người cung cấp cách hiểu theo kiểu dàn giáo bắc cầu [2].

Vai trò của giáo viên trong thế kỷ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới đang thay đổi nhanh chóng; nơi mà tri thức trở nên vô tận. Giáo viên cần đáp ứng các chuẩn chương trình đào tạo để tăng cường sức sáng tạo, tính tò mò ham hiểu biết và động cơ học tập của người học; cần đảm bảo môi trường an toàn trên lớp học [3]. Theo đó các cơ sở đào tạo giáo viên đang đối diện nhiều cơ hội và thách thức do tác động của I4.0. Trong xã hội dựa trên tri thức và số hóa của thế kỷ XXI, giáo dục đang đương đầu với những thách thức to lớn, chuyển từ cách học truyền thống sang đổi mới phương pháp học. Nó đặt ra yêu cầu lớn phải biến đổi vai trò giáo viên - người truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò mới với tư cách người xúc tác và điều phối.

Sự biến đổi này buộc giáo viên phải đối diện với nhiệm vụ mới một cách linh hoạt hơn. Giáo viên cần biết rằng, đối với mỗi nhóm học sinh cần phải sử dụng cách thiết kế và tạo ra nhiều tài liệu giảng dạy khác nhau nhằm đem lại lợi ích tối đa cho hoạt động dạy và học. Điều này đòi hỏi người dạy cần hiểu các nguyên tắc thiết kế, cách tạo ra các tài liệu đáp ứng tốt nhu cầu của người học, những tài liệu mang tính chỉ dẫn và việc sử dụng các tài liệu này trong việc dạy học.

Tài liệu giảng dạy mà giáo viên thiết kế sẽ rất đa dạng về chủng loại cũng như hình thức, nó có thể là một tài liệu trên bảng tin hoặc là một tấm phim trong để sử dụng trong các công cụ trình chiếu hiện đại như Powerpoint. Do đó, học tập phát triển nghề nghiệp là quá trình giáo viên tiếp thu kiến thức chuyên môn và phương pháp sư phạm mới để cải thiện thực hành giảng dạy, mang lại thay đổi cho cá nhân giáo viên, học sinh và cho cả hệ thống giáo dục [4].

Một số học giả xác nhận, khi trẻ em sinh ra đã được bủa vây bởi công nghệ, nhu cầu về ứng dụng công nghệ trong học tập không chỉ dừng lại ở công cụ lưu trữ, giao tiếp hay cộng tác thông thường mà trở nên bao trùm và xoá nhòa ranh giới giữa học tập, giải trí và thể hiện lối sống. Thêm vào đó, nhu cầu học tập của các thành phần xã hội khác cũng liên tục góp phần đặt ra các yêu cầu mới với việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục. 

Holon IQ (Công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực Edtech) [5] dự báo mức độ tăng trưởng đầu tư từ 2018 đến 2025 cho các nhóm công nghệ trong giáo dục như: AR/VR tăng từ 1,8 lên 12,6 tỷ USD; AI từ 0,8 lên 6,1 tỷ USD; Robotics từ 1,3 lên 3,1 tỷ USD; Blockchain từ 0,1 lên 0,6 tỷ USD. Về cơ bản, bên cạnh hai trụ cột chức năng và mục đích, các đổi mới về công nghệ trong giáo dục sẽ có xu hướng xoay quanh cải thiện sự tinh vi của các thuật toán (AI) và kèm theo đó là sự nâng cấp trải nghiệm của người dùng (AR/VR).

Không chỉ các gã khổng lồ công nghệ như Facebook hay Google mới thúc đẩy xã hội tiến tới thời đại mới của khởi nghiệp điện toán [6] và nhìn vào mỏ vàng dữ liệu người dùng để tối ưu hoá doanh số. Nhu cầu phân tích dữ liệu thời gian thực đã trở nên căn bản đối với các tổ chức giáo dục, ít nhất để phục vụ các mục đích cơ bản của quá trình học tập (học, luyện tập, kiểm tra). Trong quá trình tương tác với các học liệu qua các giao thức công nghệ, người học để lại những “dấu chân kỹ thuật số” về năng lực, hành vi và xu hướng học tập của mình. Quá trình phân tích các dấu vết đó giúp cả người học, người dạy hiểu hơn về trải nghiệm học tập của từng cá nhân, từ đó có những điều chỉnh chủ động về hành vi, phương thức và mục tiêu học tập, bên cạnh những điều chỉnh do máy tính gợi ý và âm thầm thực hiện. 

Trong “Xu hướng ứng dụng công nghệ trong giáo dục: cải tổ toàn diện vì một thế hệ người học mới” so với thế hệ milenials (thế hệ Y, sinh từ 1981 đến 1996), thế hệ centennial (thế hệ Z, sinh từ 1996 đến 2011) có những bùng phát mạnh mẽ hơn về nhu cầu thể hiện bản thân. Các tiếp cận mang tính cải tổ trong thập niên trước như giảng dạy phân hoá và cá nhân hoá giáo dục đều lấy giáo viên làm trung tâm để đưa ra những hướng dẫn khác biệt cho từng nhóm học sinh hoặc từng cá nhân có vẻ đang đối mặt với các đặc tính của thế hệ Z.

Trong bối cảnh ấy, chủ trương cá thể hoá giáo dục khuyến khích người học tự điều hướng quá trình học tập của mình có vẻ trở nên khả thi hơn với sự chắp cánh của công nghệ. Các trải nghiệm học tập có thể diễn ra một cách đồng bộ hoặc không đồng bộ. Các hoạt động học tập đồng bộ tập trung đến việc trao đổi ý tưởng và thông tin giữa nhiều người trong cùng một khoảng thời gian, yêu cầu sự lắng nghe và học hỏi từ những người khác. Mặt khác, các hoạt động học tập không đồng bộ, người học tiến hành theo tốc độ riêng của bản thân mình để nghe lại một bài giảng, hay để suy nghĩ nhiều hơn về một câu hỏi mà không làm ảnh hưởng đến những người khác.

Hiện nay, các nền tảng giáo dục trực tuyến đang có xu hướng trộn lẫn hai dạng thức trải nghiệm học tập này, thay vì chỉ lựa chọn đơn lẻ một trong hai hình thức. Theo Trang tin EdSurge, tính đến cuối năm 2018 đã có hơn 630 chương trình Microdegree cấp chứng chỉ được kiểm định. Thay vì lựa chọn một chuyên ngành mà mình chưa hiểu rõ và có nguy cơ bỏ giữa chừng, người học quyết định học những gì mình thích, dần làm rõ đường hướng và củng cố kiến thức về chuyên ngành đó. Sự đảo ngược hành vi chọn lựa này sẽ đem lại áp lực không nhỏ cho các trường đại học nhỏ, hoặc các nền tảng học tập đại học trực tuyến thông dụng [7]. 

Thực trạng nhận thức của học sinh THPT về ĐHNN trong xu thế ĐMSTI4.0

Nhằm đánh giá thực trạng nhận thức của học sinh THPT về ĐHNN trong xu thế ĐMST và I4.0, tác giả thiết kế bảng hỏi và tiến hành điều tra (qua google form) đối với 186 em học sinh THPT (90 học sinh nam, 96 học sinh nữ) đại diện cho 3 miền (Bắc, Trung, Nam). Dữ liệu thu được được xử lý bằng phần mềm SPSS. Tác giả sử dụng thang đánh giá Likert 5 bậc để xếp loại và đánh giá nhận thức của học sinh.

Kết quả cho thấy, đa số học sinh được điều tra có nhận thức về ĐHNN trong xu thế ĐMST và I4.0 chỉ ở mức độ trung bình và số lượng học sinh có nhận thức tốt và yếu xấp xỉ nhau; tiếp đến là nhận thức kém (cũng chiếm một số lượng không nhỏ). Kết quả điều tra cũng cho thấy rất ít học sinh có nhận thức ở mức tốt. Dữ liệu này cũng trùng với kết quả điều tra về sai lầm trong lựa chọn trường đại học/nghề nghiệp sau này của học sinh; gây tốn kém, lãng phí cho bản thân học sinh và cho toàn xã hội.

Tham khảo ý kiến chuyên gia về nhận thức của học sinh THPT về ĐHNN trong xu thế ĐMST và I4.0, tác giả đã thu được những kết quả như sau:

Một là, nhiều học sinh THPT được điều tra có nhận thức về ĐHNN trong xu thế ĐMST và I4.0 chỉ ở mức độ trung bình và yếu, đặc biệt những học sinh ở các tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, một bộ phận học sinh THPT được điều tra có nhận thức về ĐHNN trong xu thế ĐMST và I4.0 ở mức độ tốt. Các chuyên gia cho rằng, những học sinh này xuất phát từ các thành phố, các trường chuyên, lớp chọn; những nơi có điều kiện học tập và giáo dục tốt.

Ba là, số lượng học sinh có nhận thức yếu và kém còn khá nhiều. Điều này là thach thức cho công tác ĐHNN của các trường THPT và đại học sau này.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do mỗi học sinh chưa tự giác tìm hiểu về ĐHNN trong xu thế ĐMST và I4.0; nhà trường chưa làm tốt công tác ĐHNN i trong xu thế ĐMST và I4.0; sự quan tâm, giáo dục từ phía gia đình - các bậc phụ huynh chưa chủ động phối hợp với giáo viên, nhà trường; ít dành thời gian trao đổi, thông tin, giáo dục, chia sẻ với con cái; để các con tự tìm hiểu, tự tìm kiếm thông tin từ nhiều kênh khác nhau; sự kém phát triển về kinh tế, trình độ phát triển của các tỉnh miền núi, khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của các em sinh sống và học tập tại khu vực này.

Giải pháp

Nhằm ĐHNN một cách phù hợp trong xu thế ĐMST và I4.0, chúng tôi cho rằng học sinh THPT cần thực một số giải pháp sau:

Nâng cao nhận thức về xu thế ĐMSTI4.0: giải pháp này đòi hỏi từng học sinh THPT cần tự tìm kiếm, bổ sung và nâng cao nhận thức về xu thế ĐMST và I4.0  từ nhiều kênh khác nhau trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau như truyền hình, báo chí... Việc thực hiện giải pháp này có ý nghĩa rất quan trọng vì nó giúp học sinh có đủ hiểu biết sâu rộng, chính xác, toàn diện về xu thế ĐMST và I4.0, nắm được những đòi hỏi của xu thế ĐMST và I4.0 đối với người lao động trong tương lai, từ đó giúp các em chuẩn bị tâm thế và có đủ dữ liệu ĐHNN đúng đắn.

Nâng cao nhận thức về xu thế ĐMSTI4.0 là một trong những giải pháp quan trọng nhằm ĐHNN cho học sinh THPT

Tìm hiểu, dự báo về nhu cầu nhân lực trong tương lai: giải pháp này đòi hỏi từng học sinh THPT chủ động và tích cực tìm hiểu, đưa ra các dự báo về nhu cầu của xã hội đối với các ngành nghề lao động trong tương lai, đặc biệt là đối với những ngành nghề các em yêu thích và quan tâm; tránh việc lựa chọn và ĐHNN đối với những nghề xã hội không có nhu cầu sử dụng hoặc sẽ mất đi trong tương lai. Việc thực hiện giải pháp này có ý nghĩa rất quan trọng vì nó giúp học sinh THPT có thể hiểu, đánh giá, ước tính về nhu cầu nhân lực đối với các ngành nghề trong tương lai. Đây là những căn cứ, cơ sở khoa học giúp các em ĐHNN chính xác; không gây lãng phí cho bản thân và xã hội.

Đánh giá chính xác về bản thân (ước mơ, khát vọng, kỹ năng…) và khả năng đáp ứng trước nhu cầu của xã hội: với giải pháp này, từng học sinh THPT phải tự đánh giá một cách chính xác, đầy đủ và toàn diện về bản thân mình; tức là hiểu về mình một cách chính xác và khách quan nhất; soi chiếu bản thân mình đối với các yêu cầu của những ngành nghề mà mình yêu thích trong tương lai; nhận thấy những điều mình còn thiếu hụt và dự báo được khả năng của bản thân mình trong việc đáp ứng những ngành nghề mà mình yêu thích trong tương lai. Giải pháp này có ý nghĩa rất quan trọng trong số các giải pháp tác giả đề xuất vì nó đưa ra các cơ sở có tính chất khoa học; dữ liệu làm căn cứ để từng học sinh THPT có thể định hướng chính xác tương lai nghề nghiệp của bản thân.

Quyết định lựa chọn ĐHNN đúng đắn: từng học sinh THPT phải tự nhận thức việc đưa ra quyết định về định ĐHNN là trách nhiệm của bản thân chứ không thể là việc của cha mẹ, gia đình hay xã hội; học sinh phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đó và quyết định đó ảnh hưởng rất lớn đến các bước tiếp theo trong cuộc đời của mỗi học sinh. Giải pháp này là bước cuối cùng trong việc lựa chọn ĐHNN của mỗi cá nhân học sinh THPT; thể hiện nhận thức, kỹ năng, thái độ, thế giới quan, nhân sinh quan của từng học sinh và cũng phản ánh ước mơ, lý tưởng, khát vọng của các em.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Vũ Tuấn Anh, Đào Trung Thành (2018), Hướng nghiệp 4.0, Nhà xuất bản Thanh niên.

[2] A. Weinberger, F. Fischer, H. Mandl (2002), Fostering individual transfer and knowledge convergence in text-based computer-mediated communication, Institute of Educational Psychology.

[3] Jafar Ahmadigol (2016), New definition of educational technology, Kharazmi University.

[4] Trương Đình Thăng và cộng sự (2021), “Thực trạng học tập phát triển nghề nghiệp của giáo viên phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục Việt Nam”, Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, 53, tr.48-53.

[5] Holon IQ (2021), 10 charts to explain the global education technology, https://www.holoniq.com/edtech/10-charts-that-explain-the-global-education-technology-market/.

[6] Q.H. Vuong, (2019). “Computational entrepreneurship: from economic complexities to interdisciplinary research”, Problems and Perspectives in Management, 17, pp.117-129.

[7] Sydney Johnson (2019), Much ado about MOOCs: Where are we in the evolution of online courses?, https://www.edsurge.com/news/2019-02-26-much-ado-about-moocs-where-are-we-in-the-evolution-of-online-courses.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)