Thứ hai, 14/06/2021 15:49

Tác động của công nghệ kỹ thuật số đối với việc làm

Khi công nghệ kỹ thuật số có mặt ở mọi công việc, nó có thể khiến người lao động lo lắng. Một khảo sát gần đây cho thấy, có tới 50% số công nhân ở Anh được phỏng vấn tin rằng họ có thể bị thay thế bởi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc robot trong thập kỷ tới. Vậy thực tế tác động của công nghệ kỹ thuật số đối với việc làm của chúng ta là gì và nó có tiêu cực như vậy không?

Tác động của công nghệ kỹ thuật số

Tại Diễn đàn kết nối vì sự thịnh vượng chung 2021*, đa số các ý kiến đều cho rằng công nghệ số đang giúp thế giới trở nên công bằng và hòa bình hơn. Những tiến bộ kỹ thuật số có thể hỗ trợ và đẩy nhanh việc đạt được từng mục tiêu trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) - từ việc xóa đói giảm nghèo đến giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, hay thúc đẩy canh tác bền vững.

Công nghệ kỹ thuật số đã phát triển nhanh chóng hơn bất kỳ sự đổi mới nào trong lịch sử loài người, tiếp cận khoảng 50% dân số thế giới chỉ trong hai thập kỷ với những biến đổi xã hội nhanh chóng. Ví dụ, trong lĩnh vực y tế, các công nghệ tiên phong được hỗ trợ bởi AI đang giúp cứu sống, chẩn đoán bệnh tật và kéo dài tuổi thọ cho con người. Trong giáo dục, môi trường học tập ảo và đào tạo từ xa đã mở ra cơ hội cho tất cả mọi người, dù ở bất cứ nơi đâu, với chi phí thấp. Các dịch vụ công cũng ngày càng trở nên dễ tiếp cận và có trách nhiệm hơn thông qua các hệ thống được hỗ trợ bởi blockchain và bớt gánh nặng quan liêu hơn nhờ sự hỗ trợ của AI. Dữ liệu lớn cũng đang hỗ trợ việc đề ra các chính sách và chương trình quản lý đáp ứng trúng mục tiêu hơn.

Tương lai của công việc

Trong suốt lịch sử, các cuộc cách mạng công nghệ đã thay đổi lực lượng lao động: tạo ra các hình thức và mô hình làm việc mới, khiến nhiều công việc trở nên lỗi thời và dẫn đến những thay đổi xã hội rộng lớn hơn. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính rằng việc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn có thể tạo ra 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu vào năm 2030 thông qua việc áp dụng các thực hành bền vững trong lĩnh vực năng lượng, sử dụng xe điện và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà hiện tại và tương lai. Trong khi đó, báo cáo của các công ty tư vấn như McKinsey & Company lại cho rằng, 800 triệu người có thể mất việc vì tự động hóa vào năm 2030. Một cuộc thăm dò gần đây tại Anh cho thấy, có tới 50% công nhân tham gia cuộc điều tra tin rằng, họ có thể bị thay thế bởi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc robot trong thập kỷ tới; 61% lo ngại về AI.

Gần như chắc chắn là công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp máy móc thay thế hoàn toàn con người ở một số công việc thủ công, kỹ năng thấp như bồi bàn, nhân viên sắp xếp hàng hóa, nhân viên quầy ba, thu gom xe đẩy, phục vụ, nhân viên tổng đài... Thoạt nhìn, điều này có vẻ đáng lo ngại, nhưng thực tế những công việc này chiếm tỷ lệ không nhiều, đặc biệt ở các nước phát triển, cụ thể tại Anh nó chỉ chiếm 7,4% tổng số việc làm. Một số công việc có độ rủi ro về mất việc ở mức độ trung bình là tài xế xe tải hạng nặng, lao động trong ngành xây dựng... vì các công việc này có thể được tự động hóa một phần. Một số công việc có nguy cơ thấp nhất là nha sỹ, giáo viên, bác sỹ, người điều hành... Những công việc này đều đòi hỏi yếu tố bẩm sinh của con người nên chúng trở nên quan trọng và không thể thay thế được. 

Theo nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WFF), công nghệ sẽ thay thế 85 triệu việc làm trên toàn cầu nhưng cũng đồng thời tạo ra 97 triệu việc làm mới vào năm 2025. Hơn thế nữa, nó sẽ giúp người lao động nâng cao kỹ năng và làm việc hiệu quả hơn. Như vậy, mối quan tâm lớn nhất ở đây không phải là số lượng việc làm sẽ mất đi, mà phải là khoảng cách kỹ năng kỹ thuật số. Các kỹ năng mềm bao gồm tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, khả năng chịu đựng căng thẳng và quản lý bản thân cũng sẽ được yêu cầu cao. Các kỹ năng công nghệ hàng ngày như hiểu cách hoàn thành công việc bằng điện thoại di động hoặc máy tính đang có nhu cầu cao nhất. Nhưng các kỹ năng chuyên môn trong các lĩnh vực bao gồm AI, phần mềm đám mây và tự động hóa ngày càng có nhu cầu cao. Tuy nhiên, những gì chúng ta đang thấy là những sinh viên tốt nghiệp đại học hay trung cấp nghề khi bước chân vào thị trường lao động đang thiếu kỹ năng trong cả hai lĩnh vực quan trọng này. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, những xu hướng trên sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong cách tiếp cận của chúng ta đối với giáo dục. Cụ thể là chúng ta cần chú trọng nhiều hơn vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học; bổ sung các kỹ năng mềm và khả năng tự đào tạo lại để đảm bảo mọi người có thể nâng cao các kỹ năng của mình trong suốt cuộc đời.

Có thể nói, những tiến bộ về công nghệ luôn đi kèm với những lo ngại về tương lai của người lao động. Nhưng những nỗi sợ hãi này chưa bao giờ thành hiện thực. Không công nghệ nào có thể thay thế chúng ta hoàn toàn. Những gì mà công nghệ kỹ thuật số đem lại chính là phục vụ cho công việc của con người một cách hiệu quả hơn.

Hoàng Yến

* Diễn đàn được tổ chức với sự hỗ trợ của UNESCO, trước thềm Hội nghị Di động thế giới 2021 tại Thượng Hải (Trung Quốc)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://fuentitech.com/the-true-impact-of-digital-technology-in-the-workplace/61798/.

2. https://betanews.com/2021/06/09/true-impact-digital-technology/.

3. https://news-logics.com/the-true-impact-of-digital-technology-on-the-efficiency-of-your-workforce/.

4. https://www.un.org/en/un75/impact-digital-technologies.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)