Một số chỉ tiêu về chăm sóc trẻ
Chương trình tiêm chủng trẻ em của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, tất cả trẻ em cần được tiêm phòng các vắc xin ngừa các bệnh lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, viêm gan B, các bệnh do tác nhân là vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn, virus rota và rubella. Năm 2020, trong nhóm trẻ em 12-23 tháng tuổi, có 86% các em được tiêm/uống phòng bại liệt, 78,3% tiêm phòng sởi và 78,6% em được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ tiêm phòng các vác xin phòng lao, bạch hầu, ho, gà uốn ván, viêm gan B và viêm não Nhật Bản đạt 90%.
Bú sữa mẹ trong những năm đầu đời có thể bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lây nhiễm, cung cấp nguồn dinh dưỡng lý tưởng, tiết kiệm và an toàn. Có 23,5% trẻ em sinh ra trong 2 năm trước thời điểm điều tra được bú mẹ trong vòng 1 giờ sau sinh, có 45,4% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn, 60,7% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ là chủ yếu và 66,5% được tiếp tục bú mẹ khi 1 tuổi. Phụ nữ ở nông thôn có xu hướng cho con cai sữa muộn hơn so với phụ nữ sống ở thành thị, có gần 70% trẻ em 12-15 tháng tuổi ở nông thôn được bú mẹ đến 1 tuổi trong khi ở thành thị tỷ lệ này là 60%.
Những năm đầu đời là giai đoạn phát triển nhanh về trí não cần có sự tham gia của người lớn vào các hoạt động cùng trẻ. Kết quả điều tra cho thấy, có 64,8% trẻ 2-4 tuổi có người lớn trong gia đình tham gia cùng từ 4 hoạt động trở lên để khuyến khích trẻ học tập và giúp trẻ sẵn sàng đi học trong vòng 3 ngày trước thời điểm điều tra; có 26,5% trẻ em dưới 5 tuổi có từ 3 quyển sách trở lên và 45,8% trẻ em cùng độ tuổi có từ 2 món đồ chơi trở lên.
Một yếu tố nguy cơ gây ra tai nạn thương tích ở trẻ là để trẻ em ở nhà không có người lớn chăm sóc, trông coi. Kết quả điều tra cho thấy có 6,5% trẻ em dưới 5 tuổi bị để ở nhà một mình hoặc cho trẻ em khác dưới 10 tuổi trông hơn 1 giờ trong tuần trước thời điểm điều tra. Tình trạng không có người lớn chăm sóc, trông coi trẻ dưới 5 tuổi đối với nhóm trẻ sống ở Tây Nguyên có tỷ lệ cao nhất trong cả nước với 12,1%, ở các bà mẹ không có bằng cấp là 12,5% và tỷ lệ này ở các hộ nghèo nhất là 13,4%.
Có 80,5% trẻ em 36-59 tháng tuổi đang học chương trình giáo dục mẫu giáo. Tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất chỉ đạt 47,6%, thấp hơn nhiều so với vùng Đồng bằng sông Hồng (93,3%). Ở bậc học phổ thông cho thấy nguy cơ trẻ em không đi học (trẻ em ngoài nhà trường) tăng dần theo cấp học và độ tuổi. Ở bậc tiểu học (cấp 1) có 98,2% trẻ em đi học đúng tuổi và chỉ có 1,2% trẻ em ngoài nhà trường nhưng đến cấp trung học phổ thông (cấp 3) thì tỷ lệ đi học đúng tuổi chỉ còn 78,1% và tỷ lệ học sinh ngoài nhà trường ở cấp học này là 21,6%. Tỷ lệ hoàn thành cấp học cũng phản ánh thực trạng giáo dục các cấp học, tỷ lệ hoàn thành tiểu học là 98,3% giảm xuống còn 86,8% ở cấp trung học cơ sở và chỉ còn 58,1% ở cấp trung học phổ thông.
Chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em
Trong Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 thu thập các thông tin về đăng ký khai sinh, xử phạt trẻ em, lao động sớm. Thông tin xử phạt trẻ em và lao động sớm áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế để xác định. Đăng ký cho trẻ khi sinh ra là bước đầu tiên bảo đảm cho trẻ được pháp luật công nhận và đảm bảo các quyền này không bị vi phạm, trên cả nước còn gần 2% trẻ em dưới 5 tuổi chưa đăng ký khai sinh.
Dạy trẻ tự kiểm soát bản thân và hành xử đúng mực là một phần của việc rèn luyện trẻ em trong tất cả các nền văn hóa, có 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi từng đã phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý (như la hét, chửi mắng trẻ, gọi trẻ là đồ ngu, đồ lười hoặc hình thức tương tự) hoặc thể xác (đánh hoặc phát trẻ vào bàn tay, cánh tay, cẳng chân; hoặc đánh, phát vào mặt/đầu/mang tai/mông trẻ bằng tay; hoặc đánh vào thân thể trẻ bằng một vật như thắt lưng, roi vật cứng khác; đánh trẻ liên tiếp, mạnh) bởi các thành viên trong hộ gia đình trong một tháng trước thời điểm điều tra, tỷ lệ này ở trẻ em trai là 73%, cao hơn so với trẻ em gái là 68,3%. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị xử phạt nặng như đánh hoặc tát vào mặt, đầu, tai; đánh đập mạnh nhiều lần là 1,6% trên cả nước; Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ xử phạt nặng cao hơn so với mặt bằng chung cả nước, tương ứng là 2,4% và 2,6%.
Theo chuẩn quốc tế trẻ em tham gia vào cả công việc gia đình và các hoạt động kinh tế bằng hoặc vượt ngưỡng thời gian quy định đối với độ tuổi thì được coi là lao động trẻ em, kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ lao động của trẻ 5-17 tuổi là 6,6%. Trong 6 vùng kinh tế, Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất (13,0%) và thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (2,9%).
Chỉ tiêu về sức khỏe sinh sản của phụ nữ
Sức khỏe sinh sản và sức khỏe của bà mẹ là chủ đề được quan tâm nghiên cứu trong điều tra. Đối với phụ nữ 15-49 tuổi hiện đang có chồng hoặc chung sống như vợ chồng, có 72,8% phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai, có 72,2% được đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình bằng các biện pháp tránh thai hiện đại và có 60,7% phụ nữ tự đưa ra quyết định về việc quan hệ tình dục và sử dụng biện pháp tránh thai.
Trong số phụ nữ 15-49 tuổi sinh con ra sống trong vòng 2 năm trước thời điểm điều tra, có 97% có khám thai ít nhất một lần, 88,2% có khám thai ít nhất 4 lần; 96,3% sinh con tại cơ sở y tế và 96,1% được đỡ đẻ bởi người có chuyên môn. Tỷ lệ đẻ mổ của Việt Nam khá cao với kết quả điều tra là 34,4%, đặc biệt có tới 44,2% phụ nữ sống trong hộ gia đình có mức sống giàu nhất sinh con bằng phương pháp đẻ mổ, trong khi chỉ có 19,1% phụ nữ sống trong hộ gia đình có mức sống nghèo nhất.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ sáu ở phụ nữ, Việt Nam đã cấp phép cho vắc xin HPV từ năm 2008. Những nghiên cứu thí điểm về sàng lọc ung thư cổ tử cung và tiêm chủng HPV đã được thực hiện trong nước trong 15 năm qua và đã chứng minh được tính khả thi và khả năng được chấp nhận rộng rãi của các biện pháp này. Trong số các phụ nữ 30-49 tuổi được hỏi, có 73,5% đã từng nghe hoặc đọc về ung thư cổ tử cung, 28,2% đã từng được xét nghiệm sàng lọc, trong đó 13,6% đã được làm xét nghiệm 1 lần và 14,6% đã được làm xét nghiệm từ 2 lần trở lên.
Một số thông tin về thanh thiếu niên Việt Nam
Thực trạng về giáo dục, tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông, sức khỏe sinh sản và hành vi tình dục, nhận thức về HIV cũng đã được điều tra. Kết quả cho thấy, có 96,1% phụ nữ và 96,8% nam giới trong độ tuổi 15-24 biết chữ, tuy nhiên còn nhiều phụ nữ dân tộc Mông hiện không biết chữ, kết quả điều tra cho thấy có 96,9% phụ nữ người Kinh/Hoa từ 15-49 tuổi biết chữ trong khi chỉ có 36,1% phụ nữ người Mông cùng độ tuổi biết chữ; tỷ lệ phụ nữ Mông biết chữ chỉ bằng 50% so với nam giới (63,8%).
Mức độ sử dụng điện thoại di động khá cao với 96,8% phụ nữ và 97% nam giới 15-49 tuổi có sử dụng điện thoại di động. Bên cạnh đó, tình hình tiếp cận internet cũng khá phổ biến, với 81,3% phụ nữ và 83,0% nam giới tuổi 15-49 có sử dụng internet trong 3 tháng trước thời điểm điều tra. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng máy vi tính chưa cao, chỉ có 30,9% phụ nữ và 32,1% nam giới 15-49 tuổi có sử dụng máy vi tính trong 3 tháng trước thời điểm điều tra.
Tảo hôn làm giảm các cơ hội phát triển đối với cả nam và nữ, có 7,4% phụ nữ và 1,4% nam giới tuổi vị thành niên hiện đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng. Trong số phụ nữ và nam giới 20-24 tuổi được điều tra, có 14,6% nữ giới tảo hôn trước 18 tuổi so với 1,9% nam giới tảo hôn trước 18 tuổi.
Nhận thức về phòng chống HIV ở nhóm dân số 15-24 tuổi, kết quả điều tra cho thấy nam giới có nhận thức tốt hơn so với nữ, có 39,8% phụ nữ và 48,7% nam giới trả lời thể hiện hiểu đầy đủ về phòng chống HIV; có 9,3% phụ nữ và 14,1% nam giới từng có quan hệ tình dục đã được xét nghiệm HIV và biết kết quả xét nghiệm.
Hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn trong nam giới khá phổ biến, có tới gần 40% nam giới trong độ tuổi 15-49 tuổi hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và có tới 73,4% nam giới cùng độ tuổi có uống ít nhất một đơn vị đồ uống có cồn trong vòng 1 tháng trước thời điểm điều tra. Tỷ lệ hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn tăng dần theo nhóm tuổi của nam giới, với 3 độ tuổi từ 15-19 tuổi, từ 20-24 tuổi và từ 25-29 tuổi, tỷ lệ hút thuốc tương ứng là 10,1%, 33,7% và 39%. Tỷ lệ sử dụng đồ uống có cồn tương ứng nhóm tuổi trên lần lượt là 26,4%, 70,4% và 81,3%. Tỷ lệ nam giới trước tuổi 15 có hút thuốc là gần 4% và có sử dụng đồ uống có cồn là 4,7%.
*
* *
Kết quả điều tra phản ánh một bức tranh chân thực gồm các khoảng sáng, tối trong đời sống trẻ em và phụ nữ trong các hộ gia đình ở Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế xã hội năm 2020-2021 gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, cuộc sống của người dân nói chung, trẻ em và phụ nữ nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực, chỉ có 42,5% phụ nữ và 45,4% nam giới từ 15-49 tuổi được phỏng vấn tại thời điểm điều tra cảm nhận cuộc sống được cải thiện trong 1 năm qua và cho rằng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn sau 1 năm. Tuy nhiên, khó khăn không ngăn cản sự lạc quan, với bằng chứng có 64,3% phụ nữ và 69,8% nam giới 15-49 tuổi cảm thấy hạnh phúc, thậm chí rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.
HVC